Thiếu tướng Lương Văn Nho (tức Hai Nhã) sinh năm 1916, quê ở xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thái Hòa, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông tốt nghiệp bậc thành chung, làm kế toán, thư ký kho bạc ở Chợ Lớn và Biên Hòa. Sau đó giác ngộ cách mạng, ông tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Bà Rịa. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ, từ chiến sĩ đến Huyện đội trưởng, Ủy viên Quân sự huyện Long Thành, Đồng Nai; Đại đội trưởng trực thuộc Chi đội 10; Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 397; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 300 tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa-Chợ Lớn).

Năm 1955, Lương Văn Nho tập kết ra miền Bắc với chức vụ Tỉnh đội phó kiêm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bà Chợ. Ra miền Bắc, ông được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Pháo binh Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1961, ông được cử vào Nam chiến đấu.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10-1963, Đoàn pháo binh chủ lực đầu tiên của Miền được thành lập, lấy phiên hiệu U-80, gồm 4 tiểu đoàn pháo cối (Z35, Z37, Z39, Z41) và một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, do Lương Văn Nho làm Đoàn trưởng. Ngày 31-10-1964, ông trực tiếp tổ chức và chỉ huy các phân đội pháo kích vào sân bay Biên Hòa của quân Mỹ và lập công lớn, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm lính Mỹ, phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 chiếc máy bay B-57 Mỹ mới đưa vào miền Nam, làm nổ 2 kho đạn lớn, làm sập 1 đài quan sát và 18 căn trại.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Lương Văn Nho. Ảnh: SƠN ĐÀI

Đến năm 1965, Sư đoàn 5 bộ đội chủ lực Miền được thành lập, Lương Văn Nho được bổ nhiệm Phó sư đoàn trưởng. Sau đó, ông được điều động về Bộ chỉ huy Miền phụ trách công tác tham mưu. Tháng 4-1966, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền họp, quyết định thành lập Đặc khu Rừng Sác. Lương Văn Nho được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy.

Rừng Sác nằm ở phía Đông Nam thành phố Sài Gòn, rộng hơn 60.000ha, nối thông với những dải rừng rậm, vì thế tạo nên thế trận đồ bát quái. Lương Văn Nho là người thông thuộc rừng Sác như thuộc lòng bàn tay. Bộ tư lệnh chọn 4 cán bộ giỏi giúp việc cho ông. Cùng lúc, cơ quan tài vụ Miền giao cho ông nửa triệu đồng tiền ngụy Sài Gòn làm “vốn ban đầu”.

Trong buổi nhận nhiệm vụ, ông hứa với Trung ương Cục, Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền: Chấp hành nghiêm mệnh lệnh sớm đưa Đặc khu vào hoạt động và ít nhất là sau vài tháng bộ đội có thể ra quân, đánh thắng trận đầu. Đúng như lời hứa, ông chỉ đạo Đặc khu xây dựng, huấn luyện bộ đội, thành lập Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.

Ngày 22-8-1966, tin trinh sát từ các nơi báo về sở chỉ huy: Có động thái tàu Mỹ vào Lòng Tàu. Tư lệnh Lương Văn Nho cẩn thận hỏi: “Tép riu” hay “cá lớn”. Sau khi xác định là “cá lớn”, ông chỉ đạo bám chắc “đàn cá”. Rồi ông họp Ban chỉ huy thảo luận và thống nhất phương án đánh địch.

Đúng như dự kiến, sáng 23-8-1966, trên sông Lòng Tàu xuất hiện một “cá lớn”. Đó là chiếc tàu Baton Rouge Victory làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, bổ sung trang bị cho Sư đoàn 4 Mỹ. Trên tàu có 43 sĩ quan, thủy thủ, 3 máy bay phản lực, hàng trăm chiếc xe M133, nhiều súng đạn, lương thực, thực phẩm. Trong tư thế sẵn sàng, từ các trận địa kín đáo, hiểm hóc đã bố trí sẵn, các phân đội nổ súng. Lúc này là hơn 8 giờ sáng. Bị tiến công bất ngờ, con tàu không kịp phản ứng. Gần một giờ sau, Mỹ cho trực thăng đổ quân xuống khu vực tàu chìm. Nhưng vô ích, quân ta đã trở về căn cứ an toàn.

Với chiến công này, Đặc khu Rừng Sác được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Phân đội đánh tàu sáng 23-8-1966 vinh dự nhận chiếc đồng hồ quà tặng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau đó, Tư lệnh Lương Văn Nho còn chỉ huy nhiều trận đánh lập nên những kỳ tích trên sông Lòng Tàu; kiểm soát con đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn với Biển Đông...

Khi Quân khu 7 thành lập lại, ông giữ chức Tư lệnh (từ năm 1968 đến 1971). Từ năm 1971 đến 1972, ông là Chỉ huy trưởng Căn cứ 20 (C20). Đến năm 1973, ông làm Phó tham mưu trưởng Miền, trực tiếp chỉ huy Đoàn 370, Khu C20, Khu C50, góp phần tích cực xây dựng căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Năm 1975, ông là Phó tham mưu trưởng Miền kiêm Phó tư lệnh Đoàn 232 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày đất nước thống nhất, Lương Văn Nho được bổ nhiệm Phó tư lệnh Quân khu 7 đến khi mất năm 1984.

TRẦN TIỆU