Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng: Sở dĩ ngọn núi này được mang tên “Lam”, là vì ngày xưa, núi mọc nhiều cây “chàm”-thứ cây nguyên liệu để nhuộm các loại vải thành màu xanh lam, cũng chính là màu chàm.

“Chàm”, “Lam”, có liên quan, hoặc còn chính là biến âm của một từ, trong tiếng địa phương, gọi (phát âm) là: “Cham”.

Đó là tên gốc của một ngôi làng cổ, ngày xưa gọi đầy đủ là “Kẻ Cham”-chính là tiền thân về mặt tổ chức, và nguồn gốc về mặt địa danh của: “Hương (làng) Lam Sơn”, “Động (tức: “Sách”-làng miền núi) Lam Sơn”, “Lộ (tức: liên làng) Khả Lam”… trong thời trung cổ, và của: “Xã Xuân Lam” ở thời hiện đại.

Kẻ Cham vào thế kỷ 15 có một người đứng đầu kiệt xuất, gọi là “Phụ đạo” (nói tắt, thành: “Đạo”). Đó là Lê Lợi, chính quân Lam Sơn.

Lê Lợi, cho đến nay, vẫn được người địa phương gọi (tắt) là “Đạo Cham” (tức: Phụ đạo Kẻ Cham). Còn ở đầu sách “Lam Sơn thực lục”, nhà vua tự xưng (ký tên) là “Lam Sơn động chủ”. Và trong lời “Thệ văn” đọc ở Hội thề Lũng Nhai năm 1416, Lê Lợi lại nói mình là “Phụ đạo lộ Khả Lam”. Tất cả đều cho thấy: Đây là người-ở thời gian đầu thế kỷ 15-đứng đầu miền đất Kẻ Cham (Lam Sơn, Khả Lam) có núi Lam (Chàm) là biểu tượng. Hoàn toàn phù hợp với lời xưng tụng trong câu ca dân gian ở địa phương:

“Núi Lam cao nhất nước Nam

Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra”!

Cuộc “bước ra từ trong ngàn” của Lê Lợi có căn cốt là sự xuất hiện của một thủ lĩnh địa phương bình dân, từ trong xã hội của quần chúng nhân dân mà đứng lên, tập hợp và xây dựng lực lượng-bắt đầu vào và từ năm 1416-chiến đấu-đấu tranh chống lại cuộc xâm lược và ách đô hộ của giặc Minh.

 

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM  HÀ.

 

Về lý do và cả căn nguyên của cuộc “trong ngàn bước ra” này, thì, sau lúc đã đánh giặc thành công, lên ngôi hoàng đế rồi, có lần trong một buổi trải lòng, tâm sự cùng các cận thần-Lê Lợi đã nói (và được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại) rằng:

- Trẫm xưa kia gặp buổi loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn, vốn chỉ mong giữ được mạng mình, chứ không có ý muốn lấy thiên hạ. Đến khi giặc tàn ngược quá quắt, dân không sống nổi, những ai có tri thức đều bị chúng giết hại, trẫm tuy đem hết của cải để thờ phụng chúng, mong khỏi tai họa, nhưng tim đen chúng muốn hại trẫm vẫn không bớt chút nào. Việc dấy nghĩa binh thực là bất đắc dĩ thôi!

Chính là với tinh thần, ý chí và nhờ vào bản lĩnh thâm trầm, sâu sắc, cẩn trọng, chu đáo, Lê Lợi-vào tháng Hai (âm lịch) năm 1416-đã đánh dấu việc khởi sự từ “trong ngàn bước ra” của mình, bằng một sáng tạo đặc sắc: Tổ chức “Hội thề Lũng Nhai”!

Ở một địa điểm không xa quê nhà Kẻ Cham-Lam Sơn, nhưng kín đáo vào sâu hơn trong khu vực nhiều núi rừng, tại đây, sau một quá trình bí mật tìm kiếm, kén lực, Lê Lợi đã tụ hợp được 18 nhân vật nòng cốt, hình thành bộ phận tiền đề của cuộc khởi nghĩa, từ đây bước vào giai đoạn trực tiếp chuẩn bị.

Vẫn dùng lại hình thức “Uống máu ăn thề”, nhưng ở Hội thề Lũng Nhai, điều rất đặc sắc là lời thề-về sau được chép vào sách “Lam Sơn thực lục”, và nhiều bộ gia phả của các công thần Lam Sơn-độc đáo các giá trị như sau: “Phụ đạo lộ Khả Lam là Lê Lợi, cùng với nhóm 18 người, từ Lê Lai đến Trương Chiến, họ hàng quê quán tuy khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như cùng một tổ liền cành, phận giàu sang dù khác nhau nhưng coi tình chung một họ, không khác. Vì giặc Ngô xâm chiếm, lùng nhà Trần, bắt họ Hồ, qua cửa quan mà làm hại, nên Lê Lợi cùng với nhóm 18 người, từ Lê Lai đến Trương Chiến, chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước, để trong cõi được sống yên lành, nguyện sống chết có nhau, không quên lời thề sắt son!”.

Từ cuộc “Lam Sơn tụ nghĩa lần thứ nhất” như thế này, nhiều người đã nhận ra: Vậy là đã có một phương thức hoạt động và một tập hợp lực lượng vừa mới mẻ, vừa mang tính đại diện rộng rãi của các tầng lớp xã hội-chủ yếu là bình dân-và của các vùng miền trên cả nước, được hình thành, như: Lê Lai là người Mường, Nguyễn Thận và Lê Văn An là dân chài, Trương Chiến và Nguyễn Lý là nông dân, Trịnh Khả là nô tỳ, Lê Hiểm là quan lang, Vũ Uyên (gốc Chiêm Thành), Lê Văn Linh là nhân sĩ, Nguyễn Trãi và Bùi Quốc Hưng là quan lại triều cũ, Trần Nguyên Hãn là từ Lập Thạch-Vĩnh Phúc, Lưu Nhân Chú là từ Đại Từ-Thái Nguyên, Nguyễn Xí là từ Thượng Xá-Nghệ An… Tuy mới manh nha, nhưng đã hiện hữu, để báo hiệu và rồi sẽ làm nên bản sắc-bản lĩnh, thậm chí là cả bí quyết nữa, của cuộc khởi nghĩa và phong trào chiến đấu-đấu tranh rồi sẽ được tiến hành thành công.

Sau Hội thề Lũng Nhai, toàn bộ trang trại và tài sản của “Đạo Cham” Lê Lợi đã được huy động, đổ ra, dốc hết, để đến dịp tính sổ cuối năm Đinh Dậu-1417, thì thấy đã có được ở Lam Sơn: 30 tướng võ (trong đó có: Lê Thạch, Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Nguyễn Lý…), một số văn thần (như: Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng), 200 quân “Thiết đột”, 200 nghĩa sĩ, 300 dũng sĩ, 1.000 quân “Khinh dũng” và “Hộ vệ”, 4 thớt voi-như về sau được chép vào sách “Đại Việt sử ký toàn thư”; hoặc: 35 tướng võ, một số quan văn, 200 thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ, 14 thớt voi…

Đối với một “Đạo Cham” (Phụ đạo Kẻ Cham) như Lê Lợi và trong khuôn khổ của chỉ một vùng đất đai cấp làng xã “hương Lam Sơn” hoặc tương đương với cấp “tổng” về sau “lộ Khả Lam” thì tập hợp và dung chứa, nuôi dưỡng được một lực lượng như vậy, đã là rất lớn. Tuy nhiên, đem so đọ với lực lượng quân xâm lược và đô hộ nhà Minh-chỉ riêng chiếm đóng ở vùng xứ Thanh (Thanh Hóa) với căn cứ khổng lồ và lợi hại là thành Tây Đô (thành Nhà Hồ) ở ngay cạnh Lam Sơn, quân số đã lên tới 5 vạn-thì rõ ràng không thấm vào đâu.

Nhưng sốt sắng chính đáng vì-như Nguyễn Trãi cũng đã “nói hộ” trong “Bình Ngô đại cáo”: “Phần giận quân thù chưa bị diệt/ Phần lo vận nước còn lao đao”, vững tin ở đường lối mới trong cuộc hoạt động cứu nước: “Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương nghèo khổ/ Hòa rượu mời lính, trên dưới một dạ cha con”, và đã nghĩ được cách đánh giặc hữu hiệu, là: “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ/ Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục”, đặc biệt là đã bao quát được cái tinh thần chủ đạo của cuộc chiến đấu-đấu tranh, là: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”, Lê Lợi đã quyết định chính thức và công khai khởi nghĩa, với hai lựa chọn:

Một là chọn ngay vùng đất đai bản bộ, tức quê nhà Kẻ Cham-Lam Sơn, làm căn cứ xuất phát-phát động cuộc khởi nghĩa.

Không quá thoáng đãng như ở dưới đồng bằng xứ Thanh, cũng không quá hiểm trở như miền thượng du giáp giới nước Lào, miền Kẻ Cham-Lam Sơn với những đồi gò và nộc trũng trung du, vừa giàu thịnh sản vật và cư dân, vừa nhiều lợi thế trong việc dụng võ-dụng binh. Lại ở ngay bên bờ dòng sông Chu huyết mạch, chảy qua Lam Sơn mà nối thông các miền thượng du-hạ du. Và con đường “Thượng Đạo” xuyên Việt mà chạy dọc ngay mé sau Lam Sơn, rất thuận cho những cuộc ra Bắc vào Nam, ngang qua điểm trung chuyển Lam Sơn này. Cuối cùng nhưng trên hết, đây chính là quê hương của vị thủ lĩnh họ Lê-chiếc nôi sinh thành và chỗ dựa thân thiết-về đủ các phương diện vật chất, tinh thần và tình cảm-của bất cứ một người nước Việt nào, qua tất cả các thời!

Lựa chọn thứ hai của Lê Lợi-chắc chắn là sau những ngẫm suy cân nhắc: “Lấy xưa nghiệm nay, lẽ phế hưng đắn đo càng kỹ”-vẫn như lời Nguyễn Trãi “nói hộ” trong “Bình Ngô đại cáo”-là về thời điểm “ra mắt”-phát động cuộc khởi nghĩa.

Đó là dịp để lịch sử và truyền thống dân tộc-từ thời Hai Bà Trưng xuất quân đánh giặc nhà Hán với bốn lời thề sông Hát, đến thuở Lý Nam Đế xây đài Vạn Xuân cho nước Vạn Xuân-đều luôn và thường chọn những ngày đầu xuân để làm những việc lớn. Và, những thành tựu, thành đạt lớn lao trong lịch sử-từ buổi Ngô Vương Quyền định đô ở Cổ Loa sau đại thắng sông Bạch Đằng, cho đến khi các vua nhà Lý khởi dựng những công trình “Tứ đại khí” và hoàng đế Thái Tông nhà Trần tổ chức đại lễ mừng chiến thắng giặc Mông Thát lần thứ nhất… thảy đều đã diễn ra vào những ngày đầu xuân! Còn về phía quân xâm lược và đô hộ, thì đã rõ: Tết xuân chính là dịp để chúng vùi đầu vào việc ăn chơi, buông lỏng việc quân, việc đời!

Vì những lẽ đó mà đúng ngày Mồng Hai Xuân Mậu Tuất (7-2-1428) cách nay vừa tròn 600 năm, cuộc tụ nghĩa lớn lao và đặc sắc, có một không hai, chính thức mở đầu cuộc khởi nghĩa và phong trào lịch sử chiến đấu-đấu tranh thắng lợi kỳ vĩ chống giặc Minh xâm lược và đô hộ, đã diễn ra ở Lam Sơn.

Các nhà văn và nhà thơ, họa sĩ và nhà điêu khắc, tác giả kịch bản và đạo diễn sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, cả hoạt cảnh diễn xướng và lễ hội kỷ niệm… đã, đang và rồi sẽ còn có nhiều tác phẩm và công trình tường thuật, mô tả, thể hiện và tái hiện cái quang cảnh của buổi lễ dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn ngày Mồng Hai Xuân Mậu Tuất-1428 ấy. Muôn màu nghìn vẻ, nhưng có một điều đặc biệt chung nhất và quán xuyến, chính là: Cái không khí và tinh thần của mùa xuân đất nước và dân tộc luôn tràn đầy cuộc Tụ nghĩa mùa Xuân ở Lam Sơn 600 năm về trước ấy!

 

GS LÊ VĂN LAN