Trước hết phải kể đến tướng quân Đào Nhị, em vợ của Thục Phán, có tài năng xuất chúng, được giao trọng trách Tổng quản quốc khố quân lương. Việc xây dựng kinh thành Cổ Loa gặp muôn vàn trắc trở, tướng quân Đào Nhị hết lòng xin vua phát chẩn. Dân phu và quân sĩ đắp thành được ăn no, lại được động viên, khích lệ nên việc xây thành Cổ Loa sớm hoàn thành.

Một người họ Đào khác là ông Đào Nồi, là con Đào Hoằng-một người thợ làm nồi đất ở làng Canh (nay thuộc Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Gặp khi An Dương Vương mở kỳ thi võ để chọn người tài chống giặc, dân làng cử Đào Nồi và cấp tiền, gạo cho đi thi. Đào Nồi đã giật giải và được vua ban chức quan Nội hầu nên còn được gọi là Nồi Hầu. Khi chiếm được Cổ Loa, Triệu Đà cho người về đây mang danh lợi ra dụ dỗ cha con Nồi Hầu. Bị cự tuyệt, Triệu Đà đem quân vây kín thành, cha con Nồi Hầu cùng dân làng chống cự quyết liệt. Nhưng thế giặc mạnh, quyết không để bị giặc bắt, vợ chồng ông đã tự vẫn, hai người con cũng tuẫn tiết theo.

Trong cuốn thần phả Đền thờ quan Nội hầu lưu ở Cổ Loa, Giáo sư Trần Quốc Vượng ghi: Trong nhiều năm đối đầu với cuộc xâm lăng của Triệu Đà, ngài giỏi động viên binh sĩ xây dựng quân đội, cha con trên dưới một lòng. Trong huấn luyện, ngài luôn rèn tập quân sĩ thành thạo cung nỏ và các loại vũ khí tạo nên sức mạnh tổng hợp phi thường của quân Âu Lạc. Trong chiến trận, ngài là bậc thao lược kỳ tài, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, sông, rạch, hào sâu, đặc biệt là thành ốc Cổ Loa, một mê trận phòng ngự lớn, sử dụng hợp lý nỏ liên châu (đã được thần thoại hóa là nỏ thần) nên nhiều lần đánh thắng Triệu Đà có binh hùng tướng mạnh, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam lúc bấy giờ.

leftcenterrightdel

Một góc di tích thành Cổ Loa ngày nay. Ảnh: DUY CẢNH 

Ngoài ra, có thư sinh Đào Kỳ mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Nguyễn Trác-Huyện lệnh Đông Ngàn-nuôi ăn học, gả con gái duy nhất là Phương Dung cho. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Đào Kỳ và Phương Dung đầu quân. Phương Dung được phong tướng, Đào Kỳ được phong là Nguyên soái chỉ huy cả hai đạo quân thủy-bộ, giúp Hai Bà Trưng thu hồi 65 huyện, thành, lên ngôi Trưng Nữ Vương. Về sau, ngài thay cha vợ làm Huyện lệnh Đông Ngàn và cùng nữ tướng Phương Dung định cư tại ngõ Thị Thôn...

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chép về Đào Cam Mộc có công phò Lý Thái Tổ lên ngôi. Đào Cam Mộc đã động viên Lý Công Uẩn, thúc đẩy quyết tâm giành ngai vàng. Đào Cam Mộc khẳng định lòng dân, ý trời đã ngả về Lý Công Uẩn và hối thúc phải hành động ngay kẻo mất thời cơ có một không hai. Sử ghi: Hôm sau, Đào lại nói: Người trong nước ai cũng bảo họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không thể che giấu được nữa. Chuyển họa thành phúc, chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo, Thân vệ (tức Lý Công Uẩn-TG) còn ngại ngần gì nữa. Lý Công Uẩn nói: Tôi đã hiểu rõ ý của ông, không khác gì ý của Vạn Hạnh, nếu theo như lời ấy thì nên tính kế thế nào? Đào đáp: Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ mỏi mệt, không chịu nổi. Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được. Cuối cùng, cuộc thay ngôi diễn ra nhanh chóng, cho thấy vai trò quan trọng của Đào Cam Mộc...

Đến thời đại Hồ Chí Minh, từ thập niên 1940, tiêu biểu có Trung tá, kỹ sư Đào Duy Cảnh, cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 238 (nay thuộc Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân). Tháng 7-1967, một số đạn tên lửa bị hỏng, kỹ sư Đào Duy Cảnh cùng tổ chuyên gia Liên Xô nghiên cứu khắc phục. Đạn tên lửa được sửa chữa sớm, kịp thời cung cấp cho các đơn vị hỏa lực. Trong số các quả đạn tên lửa do kỹ sư Đào Duy Cảnh sửa chữa, 3 quả đã tham gia trận đầu ta bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày 17-9-1967. Ngày 30-8-2018, kỹ sư Đào Duy Cảnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhà nghiên cứu ĐÀO MINH TRÍ