QUYẾT ĐỊNH ĐẶC BIỆT

Tháng 6-1972, cô gái Hồng Phú nhập ngũ tại Kho 205, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần cùng hơn 60 nữ quân nhân khác. Sau khi huấn luyện, Hồng Phú cùng 15 đồng chí được chuyển về Phân kho 4 nằm trên địa bàn huyện Đa Phúc (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Doanh trại dã chiến gặp vô vàn khó khăn. Các nữ quân nhân phải cùng nhau dựng lán trại, phân công lực lượng lên tận Thái Nguyên vận chuyển phên nứa về lợp mái kho, chặt cây trên đồi để dựng cọc, sau đó dùng các thùng gỗ, kiện hàng lắp ghép quây lại thành tường. Bên ngoài, chị em xếp các kiện hàng cứng, bên trong để các bao tải chứa quân trang… Cứ như vậy, các kho dã chiến hình thành được ngụy trang kín đáo.

leftcenterrightdel
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, CCB Đinh Thị Hồng Phú lại kể chuyện thời quân ngũ cho con cháu nghe.  Ảnh: DUY VŨ

Càng về những ngày cuối năm 1972, tình hình chiến sự càng ác liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong khi Sân bay Đa Phúc, vùng giáp ranh với

Thái Nguyên bị máy bay ném bom đánh phá ác liệt thì khu vực Phân kho 4 vẫn bảo đảm bí mật an toàn. Sau chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong thời gian đó, đơn vị vẫn duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Quân nhân đi lại là vô cùng khó khăn, nhất là việc về quê thăm nhà. Sáng hôm ấy đã là 26 tháng Chạp, đồng chí Nguyễn Duy Hùng-Phân kho trưởng triệu tập gấp toàn đơn vị. Mọi người hết sức lo lắng tưởng có tình huống gì xảy ra. Khi chị em tập trung đầy đủ, đồng chí Hùng mới công bố: “Thời gian qua, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ chiến đấu nên cấp trên quyết định đặc biệt cho mọi người được về thăm nhà vào dịp trước Tết. Tuy nhiên, quân số về được chia thành từng đợt, mỗi lần ba người. Lực lượng còn lại phải bảo đảm trực sẵn sàng chiến đấu”. Nhận được tin đó, các nữ quân nhân vô cùng phấn khởi. Chị em ôm chầm lấy nhau reo hò vui sướng.

ĐƯỜNG VỀ QUÊ VÀ BÀI THƠ ĐÊM GIAO THỪA

Hồng Phú được ưu tiên đi đợt đầu. Hành trình về nhà cũng vô cùng vất vả. Cô đi một mạch hơn 10km từ đơn vị ra Phố Nỉ bắt xe về Bến Nứa. Sau đó lại tiếp tục đi bộ từ Bến Nứa ra bến xe Kim Liên để bắt xe về Ga Tía (Thường Tín). Đường sá bị bom đạn cày xới, phương tiện thiếu thốn nên việc đi lại càng khó khăn hơn. Mặc dù Phú đã chuẩn bị số tiền phụ cấp làm lộ phí đi đường nhưng không bắt được xe về quê, vì vậy cả chặng dài chủ yếu là đi bộ, gặp xe ở đâu thì xin đi nhờ chặng đó. Vất vả là vậy nhưng cứ nghĩ đến người thân là Phú lại quên hết mệt nhọc. Phú về đến nhà thì trời cũng đã sẩm tối. Vừa đặt ba lô xuống hiên nhà thì mẹ cô từ trong bếp chạy ra ôm chầm lấy con xúc động. Hai cháu nhỏ nghe tiếng cô gọi cũng ríu rít chạy về sà vào lòng. Cả nhà phấn khởi quây quần trò chuyện rôm rả.

Đã giáp Tết rồi nhưng nhà Phú cũng chưa sắm sửa được gì. Năm vừa qua, giặc Mỹ đánh phá ác liệt, mùa màng thất thu, làng quê xơ xác. Tuy khó khăn là vậy nhưng thấy con gái về thăm, bố Phú quyết định tổ chức đón Tết sớm bằng việc thịt một con gà to cùng với nồi cơm độn ít khoai lang. Ăn xong, bố cô phấn khởi nhâm nhi chén trà mới. Còn các cháu được uống nước chanh pha với đường đỏ. Đó là hai món quà Tết Phú dành dụm tiền phụ cấp mua về biếu gia đình. Tuy đón Tết sớm giản dị nhưng cả nhà đều cảm thấy rất vui vẻ, đầm ấm.

Đêm ấy, Phú nằm với mẹ trò chuyện đến mãi tận khuya. Mới chợp mắt mà đã 4 giờ sáng, cả nhà lại lục tục trở dậy chia tay Phú lên đường. Trời đông tháng Chạp sương giăng gió lạnh buốt. Nhà Phú vốn neo người, bố mẹ thì già, anh trai đã hy sinh, các cháu còn nhỏ. Cất bước ra đi vào những ngày giáp Tết, Phú lại càng thương bố mẹ và các cháu hơn. Mấy lần Phú giục mẹ về nhưng mẹ không chịu, cứ đòi đưa cô ra tận Quốc lộ 1A. Phú dúi vội vào tay mẹ 10 đồng tiền phụ cấp để lo thêm cho hai cháu nhỏ. Qua cổng làng ra quốc lộ, mẹ cô vẫn đứng đó ngóng con gái đi khuất mới thôi.

Đêm Giao thừa năm ấy, giữa mịt mùng đồi núi giăng giăng, Phú đã thao thức viết bài thơ “Ký ức xuân 1973” đề tặng mẹ, trong đó có những câu thơ rất xúc động: Con phải về nơi chiến hào/ Cùng bạn lính dạt dào nỗi nhớ/ Vì mẹ ơi, quân thù còn đó/ Gieo đau thương cả bốn phương trời/ Chúng con ra đi hòa với biển người/ Đánh tan giặc, mẹ lại cười rạng rỡ. Ngay sáng hôm sau, bài thơ ấy được chị em chuyền tay nhau đọc như lời động viên mọi người vào đúng dịp năm mới...

VŨ DUY