- A lô! Có phải anh Hoàng ở tổ dân phố 24…?
- Vâng! Tôi đây.
- Anh vào tiếp quản Đăk Pét năm 1974 phải không?
Thoáng nghi ngờ trong tôi. Ai gọi cho mình và họ muốn gì nhỉ? Trấn tĩnh lại, tôi thừa nhận:
- Vâng! Tôi là một thành viên vào tiếp quản Đăk Pét năm ấy.
- Vậy anh có thể chỉ cho chúng tôi nơi chôn cất những người tử trận của tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng không?
Anh ta là ai mà hỏi như vậy nhỉ? Hồi ấy, Đăk Pét nằm trên Đường 14-điểm dân cư cực bắc của tỉnh Kon Tum với hơn ba nghìn dân sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Thiệu và quân đồn trú-tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng ngụy. Tôi chưa kịp đáp thì đầu dây bên kia tiếp:
- Tôi là lính của tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng bị các ông bắt làm tù binh đây.
À! Ra là một người lính đang nói chuyện cũ với một người lính. Chỉ có điều khác là khi ấy hai người đều chĩa súng vào nhau và sẵn sàng bóp cò. Tôi thận trọng trả lời:
- Việc ấy tôi thực sự không rõ. Việc thu dọn chiến trường, chôn cất tử sĩ bên các anh đều do người của các anh thực hiện dưới sự giám sát của Quân Giải phóng.
- À đúng rồi! Tôi nhớ ra rồi. Ngay sáng 16, chúng tôi được các ông cho lên xe đưa ra ngoài Quảng Trị. Lính người Thượng được các ông cho ở lại mà…
Đúng là có chuyện ấy. Năm 1974, chính quyền Thiệu không thực hiện những điều khoản của Hiệp định Paris. Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn chúng tôi được giao phụ trách tuyến Đông Trường Sơn, từ Trao (Quảng Nam) theo trục Đường 14 vào Sa Thầy (Kon Tum). Để thông tuyến vận tải Đông Trường Sơn, ta nổ súng giải phóng Đăk Pét vào ngày 15-5-1974. Sáng 16-5-1974, toàn bộ tù, hàng binh bị bắt trong trận chiến không phải là người Thượng (nhóm đồng bào thiểu số thuộc Tây Nguyên) đều được đưa ra Bắc Quảng Trị học tập cải tạo… Tôi hỏi thăm dò:
- Anh lấy địa chỉ của tôi và các thông tin từ đâu?
- Tôi đọc bài viết của anh trên trang điện tử của hội Trường Sơn. Bây giờ vào mạng là biết mà.
Ra là vậy. Tôi viết bài đăng trên website của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, có để lại số điện thoại, địa chỉ với mong muốn tìm và kết nối với đồng đội một thời cùng nhau xông pha chiến trận. Bài viết của tôi nói về Đăk Pét, về tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng ngụy chốt giữ Đăk Pét. Ngày ấy, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, đưa quân và phương tiện chiến tranh vào Đăk Pét. Mỹ-ngụy biến Đăk Pét thành một hệ thống cứ điểm đồn trú “không thể mất”. Cả một hệ thống phòng thủ hữu hiệu, yểm trợ tích cực cho nhau với một sân bay dã chiến, có hệ thống hỏa lực nhiều tầng, nhiều cỡ, đan chéo, hầm hào kiên cố sâu trong lòng đất… Mậu Thân 1968, chúng tôi khiêng cối 120mm yểm trợ cho bộ binh Sư đoàn 2 đánh chiếm nhưng không dứt điểm được. Sau này, cả đặc công vào đánh cũng không giải quyết được… Đang miên man với những ký ức về vùng đất ấy thì đầu dây bên kia tiếp:
- Nghe nói ngay sáng hôm ấy các ông bắn chết thiếu tá D., tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 88. Anh có biết họ chôn ở đâu không?
- Làm gì có chuyện đó!-tôi phản bác lại anh ta-Đó là điều nhảm nhí. Chúng tôi được biết, toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn 88 và chi khu đã trốn khỏi Đăk Pét trước khi chúng tôi vào làm chủ. Còn thân phận ông ta ra sao, ai mà biết được.
- Vâng. Có lẽ vậy!-anh ta tiếp-Ngày ấy ta đều cầm súng chống lại nhau. Chuyện xưa rồi mà.
- Anh nói đúng. Chuyện xưa rồi, bây giờ cùng là người Việt mình, ở Tổ quốc hay ở nước ngoài đều cùng chung tay xây dựng đất nước, giữ yên bờ cõi cha ông để lại. Những điều tôi nói với anh đều là thực. Xin hỏi, khi chúng tôi nổ súng giải phóng Đăk Pét, anh chốt ở đâu?
- Khi ấy tôi ở đại đội 1, chốt ở cao điểm phía nam sân bay dã chiến.
Thì ra là ngày ấy anh ta chốt ở cao điểm D8 theo cách đặt tên của ta trong kế hoạch tác chiến.
- Ngày ấy, các anh tử thủ chống trả quyết liệt lắm mà. Chỉ đến khi chúng tôi dùng hỏa lực cầu vồng lắp ngòi nổ chậm khoan phá, bắn đến loạt thứ ba, các anh mới kéo cờ trắng ra hàng đúng không?
- Các ông “uýnh” quá trời luôn, ai mà chịu thấu!
    |
 |
Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pét. |
Câu chuyện có phần cởi mở hơn. Ngày ấy, tuyến Đông Trường Sơn bị căn cứ Đăk Pét án ngữ. Trung đoàn 10 công binh thuộc Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn phải mở đường vòng tránh qua Đăk Pét về phía tây để thông tuyến. Chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, đánh phá vùng giải phóng của ta. Nhận thấy phải giải phóng hơn ba nghìn dân đang bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược quanh Đăk Pét, lực lượng vũ trang Tây Nguyên dùng sức mạnh tấn công giải phóng Đăk Pét với sự góp sức của công binh Trường Sơn mở đường đưa tăng, pháo lên các điểm cao ngắm bắn trực tiếp. Trận đánh đúng như dự kiến, các ổ đề kháng của địch đều bị dập tắt ngay khi khai hỏa. Nửa tháng sau trận chiến, chúng tôi đưa tướng Hoàng Minh Thảo thăm cứ điểm, ông còn chụp ảnh lưu niệm bên hai khẩu pháo 105mm của Mỹ. Khẩu thì bị bắn toác nòng như bị búa chẻ; khẩu thì đổ gục bên mép chiến hào. Chứng tỏ vũ khí có điều khiển của ta bắn quá chuẩn… Đăk Pét được giải phóng, hơn ba nghìn dân được trở về quê cũ. Hàng trăm tù, hàng binh người Thượng được phóng thích ngay về với gia đình. Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn đưa quân vào chốt giữ. Trung đoàn cao xạ 545 đưa pháo cao xạ 37mm vào quản lý bầu trời. Bộ đội đường ống xăng dầu, thông tin Trường Sơn thi công tuyến ống, đường dây tải ba. Cuộc sống thanh bình trở lại với người dân Đăk Pét…
Đầu dây bên kia vẫn nói về những ngày anh ta thoát chết ở Đăk Pét và giờ anh ta đang định cư ở Úc. Anh ta hỏi tôi:
- Bây giờ tôi muốn về thăm lại Đăk Pét, anh có thể dẫn chúng tôi đi được không?
- Đăk Pét giờ đã là một xã dân cư đông đúc thuộc huyện Đăk Glei, Kon Tum. Rất tốt nếu anh về thăm lại Đăk Pét. Riêng tôi giờ đã bảy mươi, rất khó cho việc dẫn các anh đi.
- Anh lớn hơn tôi chục tuổi... Nếu về thăm Đăk Pét, đi đường nào cho tiện hả anh?
Tôi vạch cho anh ta lộ trình và phương tiện về thăm lại Đăk Pét, nói cho anh ta hiểu hơn về những đổi thay của đất nước ta và khuyên anh ta mau chóng về lại Việt Nam.
- Có lẽ phải vậy thôi-anh ta nói tiếp-Anh đã mệt chưa, có thể lai rai chuyện trò chút xíu nữa không?
Nhìn đồng hồ đã hơn một giờ chiều, tôi trả lời:
- Vậy thôi anh. Hẹn anh dịp khác, ở đây đang là giờ nghỉ trưa.
- Ở đây mới bốn giờ mà. Thôi khi khác vậy. Có tin tức gì về những người cũ, anh chia sẻ với bọn tôi nghe.
- Xin sẵn sàng.
Cúp máy mà trong tôi đầy cảm xúc. Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng mãi. Người sống vẫn nhớ về những người đã ngã xuống. Chuyện cũ của anh ta và tôi chỉ có thế. Nhưng tôi hiểu cái mà anh ta muốn biết thực sự là gì rồi… Sắp tới, chúng tôi-những người lính Trường Sơn kỷ niệm tròn 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Câu chuyện với người lính phía bên kia năm ấy càng khơi gợi trong chúng tôi lòng tự hào về những năm tháng là bộ đội Trường Sơn: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, càng thêm tự hào là Bộ đội Trường Sơn.
NGUYỄN KIM CHÚC