Hoàng Diệu tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh năm 1828 ở Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình Nho học có tới 6 anh em đều đỗ đạt nên từ nhỏ, Hoàng Diệu đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, học giỏi và đặc biệt là có năng khiếu về thơ văn. Năm 1848, Hoàng Diệu thi đỗ cử nhân. Năm 1853, sau khi thi đỗ Phó bảng, Hoàng Diệu chính thức bước vào chốn quan trường với việc được triều đình bổ nhiệm làm Tri huyện Tuy Phước, rồi tiếp đó được thăng làm Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định).

Tuy nhiên, trong một lần do sơ suất làm nhầm lẫn án từ mà Hoàng Diệu bị triều đình giáng chức và điều về làm Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Vốn là một con người trung thực, ngay thẳng và có tài nên chỉ ít lâu sau đó, Hoàng Diệu được triều đình phục chức và điều ra Bắc làm Tri phủ Đa Phúc. Trong thời gian ở Bắc Kỳ, ông lần lượt trải qua các chức vụ: Án sát Nam Định, Bố chính Bắc Ninh. Năm 1873, Hoàng Diệu được triều đình triệu về Huế giao chức Tham tri bộ Hình, rồi tiếp đó được bổ nhiệm làm Tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần.

leftcenterrightdel

Chí sĩ Hoàng Diệu. Ảnh tư liệu 

Năm 1878, xứ Quảng quê hương ông bị lũ lớn càn quét, Hoàng Diệu được triều đình cử vào Quảng Nam lo việc cứu đói giúp dân. Nhờ có công lớn trong việc cứu giúp người dân xứ Quảng vượt qua trận bão lũ lịch sử, Hoàng Diệu được triều đình thăng chức và cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau đó, ông lại được triệu về Huế chuyên lo việc ngoại giao. Hoàng Diệu được nhà vua tin cẩn giao phó thay mặt triều đình bàn thảo với sứ thần Tây Ban Nha về vấn đề thông thương giữa hai nước. Sau thành công này, Hoàng Diệu được thăng chức Thượng thư bộ Binh.

Năm Canh Thìn (1880), tình hình ở Bắc Kỳ trở nên phức tạp và căng thẳng. Trước nguy cơ thực dân Pháp toan tính trở lại đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, Hoàng Diệu được vua Tự Đức cử ra làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình), một địa bàn chiến lược quan trọng mà triều đình chưa tìm được người thay thế xứng đáng kể từ ngày Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết 7 năm về trước.

Ngay từ lúc Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng (1858) và Gia Định (1859) mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lúc bấy giờ trong triều đình Huế đã hình thành hai phái: Phái chủ chiến và phái chủ hòa. Trong khi phái chủ hòa chủ trương tìm cách thỏa hiệp với thực dân Pháp, đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình thì phái chủ chiến, tiêu biểu là Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết cùng một số vị quan chủ chốt khác trong triều lại chủ trương chống lại sự thỏa hiệp và kiên quyết kháng chiến chống quân Pháp xâm lược đến cùng. Vốn nung nấu tinh thần kháng Pháp nên ngay sau khi nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh, Hoàng Diệu đã tức tốc dâng sớ lên triều đình nói rõ về việc cần kíp phải sửa sang biên phòng, củng cố võ bị; đồng thời đề xuất một kế sách sẵn sàng đối phó với âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp. Tuy nhiên, những đề nghị đầy tâm huyết của ông đã không được triều đình Huế chấp thuận. 

Ngày 26-3-1882, quân Pháp do Henri Rivière chỉ huy từ Gia Định mở cuộc tiến công ra đánh chiếm Bắc Kỳ, mục tiêu đầu tiên là thành Hà Nội. Ngày 2-4-1882, quân Pháp đặt chân đến Hà Nội. Với thực dân Pháp, "thành Hà Nội còn trong tay người An Nam thì nó là một uy thế tinh thần và một lực lượng vật chất", bởi vậy mà ngay sau khi đặt chân lên mảnh đất Hà thành, quân Pháp đã triển khai một hệ thống đồn bốt dọc sông Hồng và lập đại bản doanh ở khu vực Đồn Thủy để chỉ huy cuộc tiến công đánh chiếm thành. Nắm chắc âm mưu và kế hoạch của địch, mặc dù không được sự đồng thuận của triều đình, thậm chí còn bị nhà vua xuống chiếu khiển trách là "đem binh dọa giặc, chế ngự sai đường", song Hoàng Diệu vẫn âm thầm tích cực chuẩn bị kế hoạch đối phó với cuộc tiến công thành Hà Nội của quân Pháp. Một tay ông lo liệu việc phòng bị, vừa chỉ thị cho quân sĩ đào hào, đắp lũy, vừa tranh thủ sự đồng thuận của các quan trong thành thống nhất kế hoạch giữ thành và hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng, quyết sống chết theo thành Hà Nội.

leftcenterrightdel
Dấu tích hai vết đạn đại bác của quân đội Pháp bắn vào thành Hà Nội trong đợt đánh chiếm thành lần thứ hai, ngày 25-4-1882. Ảnh: DUY QUANG 

Không như lần tiến công của quân Pháp trước đó (1873), đối phó với cuộc tiến công lần này, thành Hà Nội được bố phòng vững chãi hơn: Tường bao quanh và cổng thành đều được gia cố dày hơn trước hai thước; các chòi canh đều được nâng cao hơn; súng thần công được tập trung bố trí dày hơn ở các cổng Đông, Bắc và Tây; bên ngoài tường thành được cắm cọc tre ken dày ngăn không cho quân địch leo lên đu bám vào tường; các cổng thành đều được bịt kín bằng gạch... Trong thành tập trung khoảng 1.000 binh sĩ. Bên ngoài thành, Hoàng Diệu cho bố trí một lực lượng sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng bên trong khi bị tiến công.

Mờ sáng 25-4-1882, H.Rivière gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, ngang ngược đòi ông phải gỡ bỏ hệ thống phòng thủ và trong vòng 3 giờ phải giao nộp thành. Trước những đòi hỏi láo xược đó, Hoàng Diệu đã cự tuyệt và lệnh cho tất cả quan quân chuẩn bị chiến đấu. Đích thân ông cùng Phó lãnh binh Hồ Văn Phong trực tiếp chỉ huy trên hướng chính ở khu vực cửa Bắc và giao cho Đề đốc Lê Văn Trinh chỉ huy giữ cửa Đông, Lãnh binh Lê Trực chỉ huy giữ cửa Tây, Lãnh binh Nguyễn Đình Đường chỉ huy giữ cửa Nam.

Không khuất phục được Hoàng Diệu cùng đạo quan binh giữ thành, 8 giờ ngày 25-4-1882, quân Pháp nổ súng tiến công thành Hà Nội. Ba pháo hạm của Pháp từ trận địa Cơ Xá thi nhau nã đạn vào cửa Bắc và nhiều địa điểm bên trong thành. Được đại bác hỗ trợ dọn đường, bộ binh Pháp nhanh chóng tìm cách tiếp cận tường thành. Dưới sự chỉ huy của Hoàng Diệu, binh lính trong thành vẫn bình tĩnh tổ chức phòng thủ và phản pháo, gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp ở bên ngoài thành. Tuy nhiên, những loạt đại bác dữ dội của quân Pháp đã tiêu hủy nhiều nhà cửa, hầm hào và thiêu cháy một số kho vũ khí ở bên trong thành, gây nên cảnh hỗn loạn, đồng thời làm cho một số binh sĩ hoang mang. Lợi dụng thời cơ đó, quân Pháp tổ chức tiếp cận chân thành, dùng thang leo lên đột nhập vào bên trong, chiếm pháo đài Tây Bắc. Mất vị trí tiền tiêu này, tình thế càng trở nên nguy ngập. Bên trong thành, nhiều trận kịch chiến giáp lá cà đã diễn ra và trong một thế trận bất lợi cùng tương quan lực lượng không cân sức, không ít binh sĩ của Hoàng Diệu đã tử trận. Đội hình chiến đấu bị chia cắt và rối loạn. Trước tình thế bấn loạn đó, chỉ huy cửa Đông và cửa Tây đều bỏ quân mà chạy; thậm chí một số sợ chết còn ra đầu hàng giặc.

Mặc dù quân Pháp đã lọt được vào trong thành Hà Nội và đánh chiếm được một số mục tiêu quan trọng bên trong nhưng trên hướng cửa Bắc, Tổng đốc Hoàng Diệu cùng Phó lãnh binh Hồ Văn Phong vẫn không hề nao núng, bình tĩnh chỉ huy binh sĩ tiếp tục chiến đấu, quyết chí giữ thành. Làm chủ được khu vực cửa Đông và cửa Tây, quân Pháp tập trung dồn lực lượng từ các hướng nhằm vào khu vực cửa Bắc; kết hợp từ trong thành đánh ra, từ ngoài đánh vào, dồn đạo binh của Hoàng Diệu vào thế cô lập. Nhiều binh sĩ tử trận, một số không chịu nổi phải bỏ chạy. Thấy không thể cứu vãn được tình thế, Hoàng Diệu quay về Hành cung viết di biểu gửi vua Tự Đức rồi đi đến cửa Võ Miếu, tháo tấm khăn chít trên đầu treo cổ vào cành cây tự vẫn. Khâm phục tinh thần kháng Pháp đến cùng, xả thân vì nước, đám tang của vị Tổng đốc đã bỏ mình vì Hà thành được đông đảo nhân dân đưa tiễn và tổ chức an táng chu tất.

Có thể nói, Hoàng Diệu đã làm tròn bổn phận của một vị tổng đốc, ông đã cùng với binh sĩ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành Hà Nội, song "lực bất tòng tâm". Hoàng Diệu ra đi như một tấm gương lẫm liệt, thà chết chứ nhất quyết không chịu đầu hàng quân Pháp xâm lược, giữ trọn tiết nghĩa cho đến hơi thở cuối cùng tuẫn tiết với thành Hà Nội.

TRẦN VĨNH THÀNH