Hoàng Công Chất được “vua biết mặt, chúa biết tên” đầu tiên là vào năm 1739.

Bấy giờ, ở Sơn Nam-quê hương của Hoàng Công Chất, nay là vùng cuối châu thổ sông Hồng-đang bùng nổ những cuộc khởi nghĩa nông dân lớn, do Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Vũ Trác Oánh… lãnh đạo, chống lại triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Và Hoàng Công Chất chính là một trong những thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân kiệt hiệt đó.

Từ năm 1739 đến năm 1743, trực tiếp đối phó với Hoàng Công Chất, triều đình Lê-Trịnh đã phải cử nhiều đạo quân mạnh, thay đổi nhiều tướng chỉ huy về Sơn Nam làm các cuộc trấn dẹp ác liệt. Nhưng dựa vào một vùng chiến trường rộng lớn và quen thuộc ở quê hương, vận dụng lối đánh di chuyển nhanh, du kích chớp nhoáng, Hoàng Công Chất và nghĩa quân đã nhiều phen khiến các đạo binh hùng tướng mạnh của triều đình Lê-Trịnh phải “thất điên bát đảo”, chẳng những không thắng nổi mà còn bị tổn thất nặng nề.

Cuối năm 1745, bằng một trận tập kích tài tình, nghĩa quân Hoàng Công Chất thậm chí còn bắt và giết được cả Trấn thủ Sơn Nam lúc ấy là Quận công Hoàng Công Kỳ.

leftcenterrightdel
Lễ hội hằng năm được tổ chức tại Đền thờ Hoàng Công Chất ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Sang đến năm 1748, còn thành hiện thực sự phối hợp hoạt động giữa nghĩa quân Hoàng Công Chất và nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu-một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân lừng lẫy bậc nhất thời bấy giờ.

Khởi nghĩa nông dân ở Sơn Nam sôi lên như vạc dầu đốt lửa dữ. Vua Lê và nhất là chúa Trịnh hết sức lo lắng, cuối cùng đã phải huy động hai viên tướng hàng đầu triều đình là Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng ra quân. Và những trận đánh lớn đã diễn ra ở bến Hoàng Giang, Nam Xang, Bình Lục, Mã Não, Hương Nhị, Quang Dục, Lộng Khê…

Đến năm 1751, thế trận đã nghiêng về phía quân triều đình. Nguyễn Hữu Cầu phải bỏ Sơn Nam, rút lực lượng vào Nghệ An. Còn Hoàng Công Chất thì đưa nghĩa quân lánh về Thanh Hóa.

Từ đây bắt đầu và mở ra cuộc và tuyến “Đường lên Tây Bắc”, tới Điện Biên Phủ của Hoàng Công Chất và nghĩa quân, với sự mời đón và liên kết của những thủ lĩnh người Thái ở địa phương: Thành, Ngải, Khanh…

Thoạt đầu, Hoàng Công Chất đã chọn miền rừng núi mạn Tây Thanh Hóa để hùng cứ và phát triển lực lượng sang vùng Sơn La láng giềng, nhờ sự hợp tác, giúp đỡ của thủ lĩnh Thành. Đến tháng 6-1751, khi triều đình Lê-Trịnh dùng một lực lượng lớn truy kích và tấn công, thủ lĩnh Thành bị trận vong thì Hoàng Công Chất phải tính đến chuyện ngược lên Tây Bắc xa hơn nữa. Và thế là tới chỗ mà sử cũ gọi là “động Mãnh Thiên”-chính là vùng Mường Trời mà tiếng Thái gọi là Mường Then, được chuyển âm Việt ngữ thành Mường Thanh, tức trung tâm Điện Biên Phủ-tỉnh Điện Biên, mang nghĩa: Giữ vững biên cương, bây giờ.

Mãnh Thiên lúc này đang bị hoạn nạn lớn: Một lực lượng giặc cướp-tiếng địa phương gọi là “giặc Phẻ”-ở xa về phía Tây-tràn tới đánh phá, cướp bóc, giết chóc cực kỳ tàn bạo. Không tự chống cự nổi quân “giặc Phẻ” này, các thủ lĩnh Ngải, Khanh… đã phải tìm đường, đón đường cầu cứu Hoàng Công Chất và nghĩa quân.

Vậy là nghĩa vụ trọng đại đầu tiên của Hoàng Công Chất và nghĩa quân ngay từ lúc mới lên đứng chân ở Điện Biên đã được thực hiện: Quân “giặc Phẻ” khi ấy đóng kín trong tòa thành Xám Mứn (Tam Vạn), vũ khí, chông chà tua tủa như rừng. Nhưng mưu trí và dũng mãnh, Hoàng Công Chất đã bao vây, dụ địch và đánh một trận quyết liệt ngay trên cánh đồng Pú Vằng ở Mường Thanh, tiêu diệt sạch bọn thủ ác.

Diệt giặc cứu dân xong, Hoàng Công Chất trở thành thần tượng của đất và người Điện Biên khi ấy. Không chỉ người Thái bản địa mà nhiều đồng bào người Lào, người Lự… ở quanh vùng cũng theo về rất đông.

Với lực lượng quân dân hùng mạnh ấy, Hoàng Công Chất thực hiện tiếp ngay công tích thứ hai trên đất Điện Biên của mình: Chọn đất xã Noọng Hẹt, xây dựng một tòa thành làm căn cứ trung tâm. Đó là “thành Chiềng Lê”, còn có tên thông dụng là “Bản Phủ”, ngày nay vẫn sừng sững ở mạn Nam cánh đồng Mường Thanh mênh mông.

Trong khoảng thời gian 15 năm sau đấy, Hoàng Công Chất đã một mặt củng cố căn cứ Mường Thanh, một mặt mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp miền Tây Bắc, sang tới Thượng Lào, tạo áp lực xuống tới tận Bạch Hạc-Việt Trì ở lưu vực sông Thao. Đặc biệt, ngăn chặn hữu hiệu những cuộc gây rối, quấy phá từ mạn Bắc của các thổ ty và thổ phỉ Mãn Thanh, bảo vệ an toàn cuộc sống và công việc làm ăn của đồng bào các dân tộc trong miền. Lại tiến hành được cả việc liên kết với lực lượng chống triều đình Lê-Trịnh của thủ lĩnh Lê Duy Mật và nghĩa quân, lúc này đang hoạt động mạnh, ở căn cứ Trấn Ninh, bên Lào.

Vào cuối năm 1767, Hoàng Công Chất đã dẫn lực lượng nghĩa quân từ Điện Biên tiến xuống Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), vào tới thượng du và trung du Thanh Hóa. Lực lượng của Hoàng Công Chất lên tới 2 vạn người, chiếm được hàng loạt sách, động ở Quan Gia, Cổ Lũy, Thiết Ứng, Bất Một, đánh úp huyện Phụng Hóa, châu Lang Chánh, chuẩn bị tấn công cả trung tâm Yên Trường của xứ Thanh.

Triều đình Lê-Trịnh lại một phen nữa lo sợ cuống cuồng. Chúa Trịnh Sâm phải điều một lúc tất cả quân lính ở Thanh Hóa, Hưng Hóa, Sơn Tây, cả Hải Dương nữa giao cho các quan tướng Hoàng Phùng Cơ, Phạm Ngô Cầu, Phạm Lê Phiên, Nguyễn Xuân Huyên, Đoàn Nguyễn Thục… chỉ huy, lên Tây Bắc đánh Hoàng Công Chất.

Trước thế mạnh của quân triều đình, từ cuối năm 1767, Hoàng Công Chất đã dần dà phải lui quân về căn cứ Điện Biên cố thủ. Và đến cuối năm 1768 thì lâm bệnh nặng, mất ở Bản Phủ, để lại binh quyền cho con trai là Hoàng Công Toản.

Không theo kịp ý chí và tài năng của cha, đến đầu năm 1769, khi đại quân triều đình tiến vào Mường Thanh, Hoàng Công Toản đã để mất thành, một mình thoát thân, trốn chạy sang Vân Nam, hết đời ở đó.

Gần 20 năm, giữa thế kỷ 18, hùng cứ ở Điện Biên làm được nhiều việc lợi đất, ích dân, đặc biệt là với tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng các dân tộc, “không phân biệt xuôi-ngược”, Hoàng Công Chất đã để lại những dấu ấn sắt son, tốt đẹp, chặt bền mãi ở trên miền biên cương được giữ vững, tức Điện Biên Phủ này.

Những địa điểm và địa danh chiến trường của những trận Hoàng Công Chất đánh “giặc Phẻ” ngày xưa, bây giờ vẫn ở ngay cạnh những nơi và tên gọi các trận đánh của Bộ đội Cụ Hồ thời “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Những loại tre, gỗ mà Hoàng Công Chất đánh đường mang từ Thanh Hóa, Sơn La lên Điện Biên xây thành Bản Phủ ngày xưa, bây giờ vẫn thấy mọc dày bên con đường “thồ hàng lên Điện Biên” của những đoàn dân công xứ Thanh những năm 1953-1954.

Cả câu chuyện huyền thoại mà nhiều người dân Điện Biên bây giờ vẫn trầm giọng kể lại về ngày khánh thành công trình phục hồi-tôn tạo tòa thành Bản Phủ, bỗng thấy ban đêm, một đàn voi rừng từ đại ngàn mạn tây kéo về, lặng lẽ đi quanh bốn mặt tường thành mấy vòng rồi mất hút về hướng vừa đi tới… “Chính là con cháu của đàn voi chiến thời Hoàng Công Chất xưa đóng giữ Bản Phủ, bây giờ vẫn nhớ tích xưa di truyền trong máu mà về thăm lại chốn quê cũ đấy”-những người già ở Noọng Hẹt lúc này vẫn say sưa mà thì thầm như vậy.

Và, từ những bản làng xa đến các phố phường giữa thành phố Điện Biên, vẫn đang thấy ngân nga những câu hát tiếng Thái ngợi ca Hoàng Công Chất (dịch):

- “Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản mường/ Ai cũng nhờ chúa mà sống yên vui”…

- “Có nghe thấy không/ Tiếng hát của “Keo Chất” từ trong phủ/ Đang vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la”…

Nhà sử học LÊ VĂN LAN