Nhà ông Đoàn Doãn Lực ở xã Giai Phạm thực dễ tìm. Khi tôi vừa bước vào sân nhà đã thấy mấy người ngồi trao đổi gì đó. Tôi chào và tự giới thiệu. Ông Lực đứng dậy bắt tay đón khách. Thì ra ông Lực đang xây nhà mới ngoài đầu ngõ nên khá bận rộn. Tôi xin lỗi đã cắt ngang cuộc trao đổi về việc xây dựng của các ông. Ông Lực vồn vã: “Việc ngoài đó tôi thu xếp xong rồi. Ông ngồi xơi nước”.

Ông Đoàn Doãn Lực năm nay 65 tuổi, là hậu duệ ngành trưởng, đời thứ 18 của cụ Đoàn Doãn Nghi. Bên cạnh ông Lực là ông Đoàn Doãn Nam, 70 tuổi, là hậu duệ đời thứ 17. Hai ông tuy ngôi thứ là chú cháu nhưng chênh tuổi không nhiều nên thường qua nhà nhau chơi, uống ấm trà, nói chuyện làng, chuyện họ.

Làng Giai Phạm vốn có tên nôm là làng Giữa. Cái tên nghe rất “định vị” đó hóa ra có nguồn gốc rất... thực tế, bởi làng ở giữa làng Bần Yên Nhân và làng Bần Yên Phú. Kẹp giữa hai làng lừng danh và lớn nên người làng Giữa cũng rất khiêm nhường. Rồi làng Giữa nhập với làng Buộm ở sát bên nên làng được đặt tên mới để trình quan trên phê duyệt là làng Hiến Phạm. Ông Nam cười: “Chả hiểu khi trình lên quan trên thế nào mà làng nhận được “bút phê” là làng Giai Phạm. Trát quan đã ký, thành thử làng cứ thế mà gọi tên. Có điều hay là sau này khi đặt tên cho xã thì tên làng cũng là tên xã. Vậy là làng tôi cũng “danh tiếng” đấy chứ”.

Theo cuốn “Gia phả họ Đoàn” mà ông Lực đưa cho tôi xem thì họ Đoàn làng Giai Phạm vốn dòng họ Lê. Tổ phụ là cụ Lê Công Nẫm đâu như quê mạn phía Nam tỉnh Hưng Yên hay bên Thái Bình gì đó. Cụ Lê Công Nẫm làm quan, tước hiệu Thiêm Hòa Tử, dưới thời Lê. Tổ phụ sinh được người con trai tên là Lê Công Vị. Cụ Vị sinh ra cụ Lê Doãn Nghi. Cụ Lê Doãn Nghi sớm mồ côi cha nên được mẹ chăm lo cho sự học hành. Chuyện xưa kể lại rằng, một đêm, chàng học trò tên Nghi được thần nhân báo mộng bảo nên đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt...

leftcenterrightdel
Đền thờ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở quê nhà làng Giai Phạm. Ảnh: TRỌNG VĂN 

Ông Đoàn Doãn Lực mở cuốn gia phả, không ngần ngại cho tôi biết: Cụ Đoàn Doãn Nghi trước ở quê nhà đã có vợ họ Nguyễn, người vợ này sinh được người con trai tên là Đoàn Doãn Sỹ (cụ Sỹ sau đỗ hương cống, làm tri huyện). Thời kỳ chàng học trò tên Nghi lên kinh thành trọ học rồi đỗ hương cống, vào đêm Trung thu, chàng Nghi cùng bạn học đi chơi ở phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Buồm) thì tình cờ gặp một người con gái họ Vũ xinh đẹp, có duyên. Cô là con một võ quan, tước Thái Lĩnh Bá. Cảm mến cô gái họ Vũ nên chàng Nghi nhờ mai mối lấy làm vợ. Không làm quan, Đoàn Doãn Nghi chọn con đường dạy học. Cụ Nghi được triều đình cấp cho mảnh đất ở làng Giai Phạm hiện nay để lập nghiệp, mở lớp dạy chữ cho môn sinh đệ tử mạn tỉnh Đông.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng người anh trai của mình là Đoàn Doãn Luân sinh ra ở đấy (cụ Luân sau cũng đỗ hương cống). Hai anh em thời nhỏ sống ở làng. Ông Đoàn Doãn Lực khoát tay chỉ: “Mảnh đất mà tôi đang sống thực ra chính là khu đất vườn cụ Đoàn Doãn Nghi được cấp. Tôi thuộc ngành trưởng, lại sống ở quê nhà nên trong họ giao cho tôi trông nom từ đường họ Đoàn và chăm lo việc hương khói các cụ”.

Mảnh đất của cụ Nghi khoảng 1 sào Bắc Bộ (360m2) cho thấy cụ Nghi sinh thời sống cũng không dư dả gì, chỉ một lòng dạy chữ cho đời và bốc thuốc cứu người. Ông Lực cho biết thêm: “Cụ Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, kém người anh 2 tuổi, dưới thời Lê Hy Tông, trong gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt, nổi tiếng “dung sắc kiều lệ”. Thời trẻ, cụ Điểm có cử chỉ đoan trang, sự là lễ bộ. Bởi vậy, ngoài chuyện chuyên cần học hành ra thì cụ Điểm cũng rất rộng lòng bác ái”.

Được biết, hồi cụ Điểm chưa lấy chồng, đôi lúc gia cảnh khó khăn vì cha qua đời (năm 1729), rồi người anh cũng mất sớm (năm 1735) nên cụ Điểm gần như phải đứng ra gánh vác việc nhà thay cha, thay anh, chăm lo mẹ già. Do vậy, Đoàn Thị Điểm cũng từng phải đi dạy học rồi bốc thuốc kiếm tiền nuôi cả nhà, gồm mẹ, chị dâu bị tàn tật do di chứng đậu mùa và hai cháu nhỏ con của người anh. Dường như vì gia cảnh khó khăn như vậy nên Đoàn Thị Điểm đẹp người đẹp nết ấy cứ chùng chình chuyện tình duyên, đến mãi khi đã 39 tuổi mới nhận lời làm vợ kế quan Nguyễn Kiều. Ông Đoàn Doãn Lực cho biết thêm: “Hồi đầu xuân 2023, họ Đoàn làng Giai Phạm đã khánh thành Đền thờ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Đền khang trang, họ Đoàn chúng tôi mừng lắm”...

leftcenterrightdel
 Tác giả hỏi chuyện ông Đoàn Doãn Nam và Đoàn Doãn Lực (giữa), hậu duệ họ Đoàn. Ảnh do gia đình cung cấp

Ông Lực đứng dậy mời tôi ra vườn, ông chỉ tay vào một tấm bia đá lớn rồi cho biết: “Cụ Đoàn Doãn Nghi làm nghề dạy học, bốc thuốc nên được nhiều người quý trọng. Học trò có, người bệnh có. Bởi vậy, khi hay tin cụ Đoàn Doãn Nghi mất, học trò các nơi đã về đây phúng viếng và đưa tiễn, sau đó cùng nhau góp tiền tạc một tấm bia đá lớn, nặng mấy tạ. Trên bia khắc những dòng chữ tri ân thầy, tri ân đức của cụ Đoàn Doãn Nghi”.

Ông Lực lại mở cuốn gia phả ra. Bản gốc của cuốn gia phả được viết trên giấy bổi. Thứ giấy ấy vốn đã không bền nên bị mục rách. May có cụ Đoàn Xuân Mai là hậu duệ đời thứ 16 đã dày công sưu tầm và viết lại. Cái hay là khi viết lại gia phả thì cụ Đoàn Xuân Mai đã phóng tác theo thể thơ lục bát. Cách ấy dễ đọc và đặc biệt là dễ nhớ, dễ truyền khẩu, đồng thời cũng thể hiện vốn văn chương của dòng họ vẫn được lưu truyền, nối tiếp.

Ghi chép của MIÊN ĐÔNG