Tháng 8-1942, tại núi Khe Pựt, Tam Lộng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Chi bộ Nam tiến được thành lập gồm 5 đồng chí, Thư ký chi bộ là đồng chí Nông Văn Quang. Tấm bản đồ Nam tiến được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí của mình vẽ thể hiện toàn bộ lịch sử phát triển của con đường cách mạng trong lòng nhân dân từ năm 1942 đến 1944. Hai mũi tên lớn bao trùm tất cả các hướng Nam tiến: Mũi tên lớn thứ nhất từ Cao Bằng tiến về Thái Nguyên; mũi tên lớn thứ hai từ Thái Nguyên tiến về Hà Nội thể hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Phong trào Nam tiến phát triển mạnh khiến thực dân Pháp lo sợ, điên cuồng khủng bố. Ngày 4-8-1942, chúng bao vây hai xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ (thuộc châu Nguyên Bình), nhằm bắt cán bộ và hội viên Việt Minh. Để bảo toàn lực lượng, tổ chức muốn đưa đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) và đồng chí Đinh (Lê Thiết Hùng) về căn cứ. Lúc này, đồng chí Văn đang ốm, nằm ở lán Phja Bụt. Đồng chí nói với anh em: "Thượng cấp cử tôi vào đây công tác, phong trào mới lên, mình bỏ phong trào sẽ vỡ. Tôi sống ở đây với đồng bào, cũng chết ở đây với đồng bào, tôi sẽ cùng các đồng chí bàn cách đấu tranh chống địch khủng bố".

Theo đề nghị của đồng chí Văn, đồng chí Tân Hồng (Chu Văn Tấn) điều chuyển 4 đội viên có kinh nghiệm chiến đấu của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn để giúp Ban phụ trách Nam tiến. Tháng 11-1942, tại Khuổi Riền, Ban phụ trách Nam tiến mở lớp đào tạo chính trị và quân sự đầu tiên cho hơn 10 hội viên trung kiên. Giảng viên là đồng chí Văn và đồng chí Đinh. Rút kinh nghiệm lớp đầu tiên, để giúp các học viên dân tộc thiểu số có thể tiếp thu tốt hơn, đồng chí Văn đã dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” và một số bài ca cách mạng ra tiếng Dao và tiếng Tày.

Tháng 12-1942, lớp quân chính thứ hai được tổ chức thành công tại Khuổi Riền. Nội dung huấn luyện gồm có: Tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh tây, đuổi Nhật, rồi đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, 5 bước công tác bí mật; lại học cả cách khai hội, cách phát biểu ý kiến.

Các đội viên xung phong Nam tiến vượt qua những ngọn núi trập trùng mù sương, các cánh rừng già, các dãy đồi tranh, các ruộng bậc thang, luồn qua hệ thống kìm kẹp của giặc... đến các bản làng xa xôi, hẻo lánh, kết nối tấm lòng nhân dân với cách mạng. Họ giác ngộ đồng bào, phá âm mưu chia rẽ các dân tộc của thực dân Pháp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trong hồi ký "Những chặng đường lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Chúng tôi cùng đồng bào tổ chức những lễ ăn thề tập thể, khi thắp hương, khi chặt đầu gà, có khi chích máu nhỏ vào rượu cùng uống để ăn thề. Chẳng bao lâu, ở làng bản nào cũng có các tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên, tự vệ, tự vệ chiến đấu”.

Đồng bào tin tưởng đồng chí Văn là một cán bộ chính trực của Đảng, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Tác phong quần chúng của đồng chí và những cán bộ Việt Minh đã cảm hóa được các bậc cao niên và quần chúng tham gia cách mạng. Nhiều người già khuyên con cháu vào hội Việt Minh.

Sau này, khi tìm hiểu mới thấy, để giữ bí mật và gợi lên lòng tự hào dân tộc, tên bí danh của các chiến sĩ Nam tiến được đặt theo tên những người anh hùng trong lịch sử Việt Nam, như: Lý Thường Kiệt, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Tán Thuật... Nhiều đồng chí mang bí danh thể hiện kiến thức cách mạng đã được học, như: Đoàn Kết, Tuyên Truyền, Hồng Quân, Tranh Đấu, Thành Công, Phấn Đấu... Những vùng đất mang tên mới: Xã Hoa Thám, núi Cứu Quốc, Khu căn cứ Quang Trung, rừng Trần Hưng Đạo (thuộc tổng Hoàng Hoa Thám và tổng Kim Mã, đều thuộc huyện Nguyên Bình ngày nay). Khi gọi tên đồng chí mình, khi đi qua các vùng đất mới được đặt tên, lịch sử dân tộc và kiến thức cách mạng tự nhiên thấm vào tiềm thức mỗi người trong đội quân Nam tiến.

Thời gian đó, đường Nam tiến vươn đến đâu, Ban xung phong Nam tiến tổ chức ngay các lớp đào tạo cán bộ đến đó, nội dung gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, từng thời gian, từ những lớp học tập trung dài ngày, đông học viên đến các lớp ngắn ngày, ít học viên tham gia. Kết thúc mỗi lớp học, các học viên trở về ngay các địa bàn vận động giác ngộ nhân dân, tổ chức cơ sở, kết nạp hội viên phát triển phong trào.

leftcenterrightdel
 Người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cơm lam, tháng 12-1989. Ảnh tư liệu.

Tháng 9-1943, tại Ngân Sơn (Bắc Kạn), Ban xung phong Nam tiến nghe các đội báo cáo tình hình hoạt động... Đồng chí Văn khen ngợi các đơn vị, điển hình là đội Nam tiến Trần Phú đã vượt dãy Phja Bioóc phát triển hội viên ở vùng đồng bào Dao đỏ. Núi Phja Bioóc được đồng chí Văn đặt tên mới: “Núi Cứu Quốc”. Tháng 12-1943, sau 10 đêm ròng rã đi bộ từ bản Nặm Lạ, xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn đến xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), mũi Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã gặp đồng chí Chu Văn Tấn, chỉ huy mũi Bắc tiến tại lán canh lúa của dân gần chợ Chu (Đại Từ, Thái Nguyên), chính thức khai thông đường Nam tiến nối liền căn cứ Cao Bằng với các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Hai đồng chí thống nhất đặt tên xã Nghĩa Tá là xã Thắng Lợi (thuộc huyện Chợ Đồn ngày nay) để kỷ niệm sự kiện lịch sử này.

Sau hơn một năm, 19 đội xung phong Nam tiến với hơn 300 đội viên hoạt động tích cực, vượt qua hy sinh, gian khổ, mạng lưới đường Nam tiến bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh với cách mạng cả nước. Những bước chân không mỏi của các đội viên đi khắp những bản làng. Mạng lưới đường Nam tiến từ trung tâm cách mạng Cao Bằng nối với căn cứ Võ Nhai, Thái Nguyên tỏa ra các tỉnh. 

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, địch liên tiếp mở các cuộc càn quét khủng bố quyết liệt. Nhiều cán bộ cốt cán và hội viên Việt Minh bị địch sát hại dã man. Đảng viên đầu tiên của Bắc Kạn Bàn Văn Hoan (tức Công Trình), người dân tộc Dao bị địch bắt. Trước khi hy sinh, anh Hoan nói với vợ: "Cách mạng thế nào cũng thành công. Ở nhà phải trung thành với đoàn thể, giúp đỡ anh em cán bộ hoạt động". Và ông gửi miếng cao hổ cho đồng chí Văn để giữ sức khỏe đánh Pháp. Sau này, cầm miếng cao từ tay chị Hoan, đồng chí Văn không cầm được nước mắt. Sự kiện tối 8-1-1944, trên đường đi công tác, đồng chí Đức Xuân, một đảng viên trung kiên, đội trưởng một đội Nam tiến bị địch sát hại dã man ở Bắc Kạn cũng là một minh chứng...

Thực tế, cho dù bị địch khủng bố ác liệt, nhiều đoạn đường Nam tiến bị đứt, nhưng ngay sau đó, các đội Nam tiến kiên quyết bám dân, giữ vững liên lạc. Địch càng điên cuồng càng hun đúc lòng căm thù giặc của đồng bào, đồng chí. Tất cả tiếp tục hoạt động, chờ thời cơ vùng lên tiêu diệt kẻ thù. Cán bộ được rèn luyện trong đấu tranh trở nên vững vàng và trưởng thành hơn về mọi mặt. Quần chúng đoàn kết một lòng, phong trào phát triển mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, sự khủng bố của kẻ địch đã không thể nào thắng được cách mạng. Con đường Nam tiến-con đường cách mạng trong lòng nhân dân không ngừng vươn xa khắp vùng Việt Bắc, gắn liền với sự ra đời và trưởng thành của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Lúc sinh thời, Đại tướng có tâm nguyện thế hệ kế tiếp ghi lại chân thực lịch sử đường Nam tiến: Phục dựng một số đoạn đường Nam tiến quan trọng vượt qua các đỉnh núi cao, những cánh rừng già, kết nối các địa danh lịch sử gắn với phong trào cách mạng Việt Bắc, với Bác Hồ; để đường Nam tiến trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần giúp nhân dân vùng cao có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trẻ em được học hành. Những lần trở lại quê hương cách mạng, Đại tướng thường nói chuyện với đồng bào, đồng chí bằng tiếng dân tộc, cùng nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu khó khăn, gian khổ và oai hùng. Ông luôn cảm ơn đồng bào đã  thương yêu, đùm bọc. Còn đồng bào, chiến sĩ siết chặt tay người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với câu chúc “Mì lai rèng slổng ké", có nghĩa là: Chúc Đại tướng nhiều sức khỏe, sống lâu!

NGUYÊN KHÔI