1. Theo sử sách còn truyền lại, Phùng Thị Chính là cháu họ của Hai Bà Trưng, từ nhỏ đã ham mê cung kiếm, rất giỏi võ nghệ và sớm thông binh pháp. Chồng của Phùng Thị Chính là Đô tướng Đinh Lượng, người cận vệ trung thành của vợ chồng Thi Sách-Trưng Trắc, đã sớm lập công trong việc chuẩn bị khởi nghĩa, phá xiềng gông nô lệ. Trong quá trình âm thầm tập hợp lực lượng, Đô tướng Đinh Lượng đã được cử đi nhiều nơi để liên kết hào kiệt các châu.
Với dòng dõi lạc hầu, lạc tướng của mình, lại nhận thức rõ người phương Nam không thể mãi cam tâm làm nô lệ cho người phương Bắc, Lạc hầu Thi Sách, vị tù trưởng lừng danh vùng đất Chu Diên đã cùng với vợ là Trưng Trắc-dòng dõi Vua Hùng (cha Trưng Trắc là Hùng Định, sau đổi thành Trưng Định)-từng bước chuẩn bị khởi sự mưu cầu việc lớn. Khi đó, với sự nham hiểm xảo quyệt, tên Thái thú Tô Định đã lừa giết Thi Sách cùng các bộ tướng, trong đó có Đô tướng Đinh Lượng. Bởi vậy, thù nhà nợ nước chất chồng, lập tức khi ấy Phùng Thị Chính đang mang thai con của Đinh Lượng đã theo về ứng nghĩa.
Do đã có sự chuẩn bị kỹ từ trước nên cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mau chóng được các nơi hưởng ứng. Phùng Thị Chính được hai bà phong làm Trưởng nội thị tướng quân, chuyên coi công việc điều nghiên, sắp xếp tham mưu việc quân cơ, nổi tiếng nhất là trận hạ thành Luy Lâu, thủ phủ của tập đoàn quan quân phương Bắc.
Thành Luy Lâu là trung tâm hành chính cai trị Giao Chỉ, nơi tên Thái thú Tô Định trị nhậm ban ra những luật lệ hà khắc, đè đầu cưỡi cổ dân ta. Để hạ được thành Luy Lâu, nếu không hiểu rõ tường tận sẽ rất khó thành công. Phùng Thị Chính đã hiến kế và đích thân cải trang vào trong thành dò xét kỹ lưỡng từng trại lính, kho xưởng, bến bãi, đường sá đi lại, quy luật hoạt động của quan quân phương Bắc. Khi ấy, vị nữ tướng đang bụng mang dạ chửa vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thám sát của mình, trở về an toàn nơi căn cứ Mê Linh, vẽ lại sơ đồ, kiến nghị cơ mưu tác chiến công thành với bộ chỉ huy tối cao, chuẩn bị cho công cuộc vây thành.
|
|
Đền thờ nữ tướng Phùng Thị Chính tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Trận tiến công vây đánh thành Luy Lâu diễn ra hết sức ác liệt. Song từ nhiều hướng, nhất là đã có sẵn nội ứng do nữ tướng Phùng Thị Chính cài lại từ trước, quân ta lần lượt chiếm được các vị trí hiểm yếu, khiến tên Thái thú Tô Định phải cởi bỏ ấn tín, giả dạng làm đàn bà lên thuyền trốn biệt. Đây là nỗi nhục nhã không thể gột rửa của bè lũ đi xâm lược.
Trong đà chiến thắng Luy Lâu, nhân dân các vùng đất theo lời hịch văn của Hai Bà Trưng đã nhất tề đứng lên phá xiềng nô lệ. Lạ kỳ thay, toàn các vị nữ chúa, nữ tướng quân, ai nấy vung gươm ứng nghĩa vùng lên làm chủ đất đai của mình. Hiếm có cuộc khởi nghĩa nào mà các vị liệt nữ lại đông đảo nổi lên như thế.
Nữ tướng Phùng Thị Chính luôn được Hai Bà Trưng hết sức tin tưởng, mọi việc quân cơ thảy đều được hai bà giao cho. Phùng Thị Chính không chỉ vũ dũng trên chiến trường mà cơ mưu trí tuệ của bà cũng hết sức sâu sắc. Quân của Nữ vương đi đến đâu thường có hịch truyền kể tội bọn ác quan phương Bắc tới đó, nên giặc vỡ như núi đổ. Tương truyền, những hịch văn sâu sắc đó đều do Trưởng nội thị tướng quân Phùng Thị Chính soạn thảo dâng lên Nữ vương.
2. Lịch sử Việt Nam ta, những trang vàng thời đại Trưng Nữ Vương (năm 40-43 sau Công nguyên) quả là hết sức huy hoàng. Nhà sử học Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử ký” nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam cùng 65 thành vùng Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương” là vô cùng xác đáng vậy.
Về nữ tướng Phùng Thị Chính, với cương vị của mình đã mau chóng tham mưu cho Trưng Nữ Vương ổn định triều đình, chăm lo tốt nhất cho đời sống nhân dân. Lúc này ở Lĩnh Nam, phải nói là vô cùng rộng lớn, các vị tù trưởng theo về rộng khắp, khí thế rất hăng, tinh thần độc lập rất cao, đã mở ra vô vàn công việc mới mẻ. Nữ tướng Phùng Thị Chính luôn có những kế sách dâng lên Nữ vương trong buổi đầu mới mẻ của vận hội tân quân. Đây cũng là khoảng thời gian mà Hán Quang Vũ Đế như ngồi trên đống lửa. Là người dày dạn sa trường mà Vũ Đế không khỏi ớn lạnh khi bị mất tới 65 thành trì phương Nam chỉ trong sớm tối. Đã thế, kẻ đứng đầu lại là nữ nhi càng khiến Vũ Đế ôm hận trong lòng, quyết thề rửa nhục. Ông ta cho triệu tập gấp các danh tướng Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí điểm hàng vạn binh mã thủy bộ trỏ ngọn cờ đánh xuống phương Nam.
|
|
Sắc phong và cổng đền thờ nữ tướng Phùng Thị Chính tại Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí-toàn những bậc danh tướng lão làng, nhất là Mã Viện khi đó đã gần sáu mươi tuổi danh trấn Trung Nguyên đang huyết chiến với Hung Nô phía mạn bắc phải lật đật lên ngựa nam chinh. Hàng vạn binh tướng thủy bộ phương Bắc nhất tề theo lệnh Vũ Đế đánh xuống phương Nam. Trận huyết chiến nào cũng đẫm máu sa trường, không thể ngờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng lại chiến đấu kiên gan đến thế.
Nữ tướng Phùng Thị Chính nhiều lần đích thân xông thẳng vào vùng chiến sự ác liệt nhất. Tiêu biểu phải kể đến trận Lãng Bạc. Trận này có tính quyết định sống còn với triều đại Trưng Nữ Vương. Đích thân vua bà phái Trưng Nhị cùng Phùng Thị Chính lĩnh ấn tiên phong huyết chiến cùng binh tướng Mã Viện. Trận chiến diễn ra ác liệt, máu nhuộm đỏ sa trường.
Sau đó, quân tướng Hai Bà Trưng dần dần núng thế. Bản thân nhị vị nữ vương cũng đã phải trẫm tiết trên dòng Hát Giang. Không cam tâm hàng giặc, nữ tướng Phùng Thị Chính sau khi rút về núi Tuấn Sơn vẫn bị giặc Bắc truy cùng đuổi tận, đã noi gương Hai Bà Trưng trẫm mình xuống dòng sông nơi chân núi. Huyền thoại dân gian còn truyền lại câu chuyện rằng, khi nữ tướng Phùng Thị Chính lao vào dòng nước, một vầng mây trắng trên trời đã sà xuống đón bà bay lên...
Đền thờ của bà hiện có ở một số nơi, trong đó có cả ở quê hương Vạn Thắng, Ba Vì. Trên đỉnh núi Ba Vì cũng có ngôi đền thờ vị nữ thần tướng. Bà còn được tôn là thành hoàng ở nhiều nơi. Điển hình nhất là đền Thanh Lãm thuộc phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP Hà Nội với quy mô kiến trúc rất khang trang, quanh năm hương khói.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
Tài liệu tham khảo:
1. “Đại Việt sử ký toàn thư”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
2. “Chân dung nữ anh hùng Việt Nam các thời đại”, NXB Lao động, Hà Nội, 2009.
3. “Danh thần danh nhân họ Phùng đất Việt”-tập 1, NXB Văn hóa-Thông tin, 2009.
4. Đào Duy Anh, “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ 19”, NXB Hà Nội, 2020.