Ông Ích Khiêm sinh năm 1832 (có tài liệu ghi là 1831), vốn có tư chất thông minh và chí lớn nên khi mới 15 tuổi, ông đã thi đỗ cử nhân. Tuy nhiên, do còn nhỏ tuổi nên mãi tới năm 1852, Ông Ích Khiêm mới được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Kim Thành (Hải Dương). Hoạt động ở chốn quan trường được hai năm thì ông bị triều đình cách chức vì đã đánh một tên chánh tổng thường xuyên ức hiếp dân chúng. Ông Ích Khiêm rời chốn quan trường đúng vào lúc ở miền biên ải Hải Ninh và Quảng Yên xuất hiện nhiều toán giặc biển xâm phạm bờ cõi nước ta. Với chí khí của một võ quan, Ông Ích Khiêm tình nguyện xin "mộ dũng Quân thứ Hải Yên".  

Tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc xâm lăng nước ta. Biết được tài năng quân sự của Ông Ích Khiêm, triều đình triệu ông về kinh đô Huế phong chức và cử vào Đà Nẵng cùng với Nguyễn Tri Phương chỉ huy nghĩa binh đánh Pháp. Khi nhiều quan lại trong triều đình thiên về tư tưởng chủ hòa thì Ông Ích Khiêm là một trong những người phản đối quyết liệt tư tưởng đó. Ông cùng với một số võ tướng kiên quyết chiến đấu chống sự xâm lăng của thực dân Pháp. Tại mặt trận Sơn Trà-Đà Nẵng, Ông Ích Khiêm chỉ huy quân sĩ cùng với nhân dân đắp lũy, đào hào, thực hiện "vườn không, nhà trống" quyết không để quân Pháp tiến sâu vào thành phố. Trước sự ngăn chặn quyết liệt của nghĩa quân do Nguyễn Tri Phương và Ông Ích Khiêm chỉ huy, âm mưu của thực dân Pháp đã không thể thực hiện được. Chúng đành phải rút phần lớn lực lượng ra khỏi Đà Nẵng, kéo quân vào đánh chiếm Gia Định.

Giữa lúc quân Pháp mở rộng phạm vi đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ thì trên đất Bắc, tàn quân "Thái bình Thiên quốc" từ bên kia biên giới tràn sang, cùng với các toán phỉ ra sức hoành hành, quấy phá, cướp bóc, tranh giành địa bàn, làm cho cuộc sống của người dân rất cùng cực. Trước bối cảnh đó, triều đình Huế cử Ông Ích Khiêm cùng với một số võ quan ra Bắc để dẹp loạn, ổn định tình hình.

Hơn 10 năm (từ 1862 đến 1873), Ông Ích Khiêm hầu như có mặt ở khắp các địa bàn khó khăn, phức tạp và nóng bỏng nhất của vùng biên ải. Những trận thắng lớn, từ dẹp giặc biển ở Quảng Yên cho đến tiễu phỉ ở Lạng Sơn, Yên Bái, giải phóng thành Bắc Ninh khỏi tay thổ phỉ... đều in đậm dấu ấn chỉ huy quyết đoán, mưu lược và tài tình của Ông Ích Khiêm.     

Cuối năm 1873, sau khi đã thôn tính 6 tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp kéo quân ra Bắc, đánh chiếm thành Hà Nội. Từ Yên Bái dẹp phỉ trở về, Ông Ích Khiêm chủ động vạch ra một kế sách ứng phó và đệ trình Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương. Theo kế sách đó, để bảo vệ Hà Nội, cần phải nhanh chóng xây dựng một tuyến bố phòng chung cho cả vùng Tam Tuyên (Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang). Tiếc là kế sách đó đã không được xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận. Ít người biết rằng, gần 10 năm sau, khi quân Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ hai (năm 1882), Tổng đốc Hoàng Diệu cũng nhận thấy muốn giữ được Hà Nội thì phải dựa vào vùng rừng núi Sơn Tây; phải biết kết hợp giữa các đạo quân ở đồng bằng với các đạo quân ở miền núi; phải có kế hoạch phòng thủ chung cho cả miền Bắc... Điều này hoàn toàn trùng với những đề xuất trong kế sách của Ông Ích Khiêm đệ trình trước đó. Tiếc là đề xuất lần này của Hoàng Diệu cũng không được triều đình chấp thuận.

leftcenterrightdel

Con phố mang tên danh tướng Ông Ích Khiêm ở trung tâm quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ảnh: GIANG HẢI 

Mặc dù không được triều đình Tự Đức cho phép nhưng Ông Ích Khiêm cùng một số võ quan vẫn chủ động triển khai một phần kế sách của mình, cho bố trí các căn cứ một cách hợp lý, điều động binh lực linh hoạt, lên kế hoạch phối hợp và hỗ trợ cho nhau giữa các cánh quân, các vùng... Nhờ đó mà cả hai lần kéo quân từ Sơn Tây về phối hợp với quân và dân Hà Nội đánh thực dân Pháp, Ông Ích Khiêm cùng binh sĩ của mình đều lập công lớn, góp phần làm nên hai trận thắng oanh liệt ở Cầu Giấy (12-1873 và 5-1883).

Sau thất bại trong trận Cầu Giấy lần thứ nhất (12-1873), quân Pháp tạm rút về Nam Kỳ. Không còn phải chiến đấu với quân Pháp, Ông Ích Khiêm quay trở lại với nhiệm vụ chỉ huy các đạo quân tiễu phỉ ở vùng núi phía Bắc. Vốn là một võ tướng thông minh, sắc sảo nhưng có tính khí "cương cường, nóng nảy"(1), trong các cuộc tranh luận, ông thường bảo vệ đến cùng ý kiến của mình. Chính vì vậy, trong một trận tiễu phỉ ở Đại Đồng, Ông Ích Khiêm bị cách chức lưu nhiệm. Cuối năm 1874, ông lại được triều đình cho gọi vào kinh và giao chức Tán tương Quân vụ, đồng thời tiếp tục được cử ra Bắc lo việc dẹp giặc. Tuy nhiên, vốn là người "lắm tài, nhiều tật", trong khi chỉ huy quân đi tiễu phỉ, ông lại cự cãi với Tôn Thất Thuyết nên bị triệu về kinh chờ xét xử. Trong khoảng thời gian chờ đợi xét xử, ông mắc bệnh "tâm hỏa" nên triều đình cho về quê dưỡng bệnh.

Biết rất rõ tài năng và công lao của Ông Ích Khiêm nên năm 1882, vua Tự Đức với suy nghĩ "không chỉ vì chút sai lầm mà vội bỏ một nhân tài" đã triệu Ông Ích Khiêm trở về kinh. Lần này không phải là về kinh "chờ xét xử" mà là về kinh chờ bổ nhiệm. Tháng 8 năm đó, ông được bổ nhiệm giữ chức Biện lý Bộ Hộ, phong hàm Hồng lô tự khanh.   

Không chỉ là một nhà cầm quân mưu lược, Ông Ích Khiêm còn là một người có tư duy kinh tế. Tháng 12-1882, Ông Ích Khiêm tâu dâng lên nhà vua bản "Kế sách quốc phú binh cường". Trong đó, ông phân tích và nhấn mạnh rằng "trong tình hình đất nước lúc này, song hành với việc lo đánh giặc, giữ yên bờ cõi, triều đình cần phải chú trọng phát triển kinh tế; làm cho nước mạnh, dân giàu cũng chính là tạo nền tảng và cơ sở để nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ đất nước". Từ thực tiễn hoạt động của mình, trong bản kế sách, ông chỉ rõ: "Đặt ra quân trước hết phải làm ra của để nuôi quân; sinh ra của không gì bằng khai mở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tam Tuyên... nơi có rất nhiều sản vật mỏ, các thứ vàng, bạc, đồng, sắt, chì, gang, kẽm, diêm tiêu... và các thứ không ở mỏ như gỗ, nhựa  thông, dầu hồi..."(2). Không dừng lại ở đó, bản kế sách còn vạch ra những biện pháp khá cụ thể như: "Mỗi mỏ đặt một chánh phó sứ chiêu mộ phu mỏ, sửa sang đồ dùng đứng ra làm. Lại chọn văn võ đại thần, mỗi quan một chức, sung làm Bắc Kỳ kinh lược chánh phó sứ kiêm sung chức chánh phó thống khoáng đại thần cai quản. Lại ở doanh quân giáp hạt Bắc Ninh, Thái Nguyên mở xưởng đúc tiền, đặt trường diễn võ, chọn quân khỏe mạnh dung tập để giúp vào việc sai phái, trấn áp, mà phòng có khi dùng đến"(3).

Tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, khi nhiều quan lại trong     triều đình thiên về tư tưởng chủ hòa thì Ông Ích Khiêm là một trong những người phản đối quyết liệt tư tưởng đó. Ông cùng với một số võ tướng kiên quyết chiến đấu chống  sự xâm lăng của thực dân Pháp.

Đáng tiếc là "Kế sách quốc phú binh cường" từng được nhà vua xem xét và cho là phải này của Ông Ích Khiêm cuối cùng vẫn không được triều đình thực hiện với lý do "việc biên ải không yên nên không thể thi hành được". So với một số bản đệ trình của các nhà cải cách cùng thời mang nặng tính mô phỏng, bắt chước bên ngoài hay ước đoán thì "Kế sách quốc phú binh cường" của Ông Ích Khiêm thể hiện rõ tính khả thi, có cơ sở thực tiễn trong nước mà chính ông là người đã được trải nghiệm và tìm hiểu. Bản kế sách này cho thấy Ông Ích Khiêm là người sớm nhận ra tiềm lực và nguồn sức mạnh của đất nước không phải ở đâu xa xôi, mà nằm ngay ở nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào trong lòng đất mẹ, nằm ngay trong quê hương xứ sở của mình. Ông tin tưởng nước nhà hoàn toàn có điều kiện để tiến hành một cuộc cải cách công nghiệp, trong đó lấy công nghiệp khai thác mỏ làm mục tiêu hàng đầu. Ông Ích Khiêm cho rằng: "Nghĩ kế nước giàu, dân mạnh không ngoài việc khai mỏ"(4) và ông cũng không quên nhấn mạnh việc này phải do triều đình đứng ra tổ chức làm chứ không nên giao cho người ngoại quốc hay tư nhân lũng đoạn để mưu lợi riêng.

Vốn là người thẳng thắn, cương trực và ghét thói xu nịnh, năm 1883, Ông Ích Khiêm đã phê phán những hành động lộng quyền của một số quan lại trụ cột trong triều nên bị buộc tội và đày vào Bình Thuận. Tại đây, một phần vì phẫn uất, phần vì cuộc sống tù đày khổ cực nên sức khỏe giảm sút, ông đã qua đời tại nhà ngục Bình Thuận vào tháng 7-1884.

TRẦN VĨNH THÀNH

(1). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.282

(2). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 8, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr.548.

(3). Sđd. tập 35. tr.156

(4). Sđd. tập 35. tr.158