Bùi Thị Xuân quê ở làng Xuân Hoà, phủ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà là cháu của Thái sư Bùi Đắc Tuyên và là vợ của Thiếu phó Trần Quang Diệu - một trong các nhân vật trụ cột của nhà Tây Sơn. Thuở thiếu thời, bà từng theo học tại lò võ của Đô thống Ngô Mãnh. Khi đã thành danh, Bùi Thị Xuân đứng ra tự mở lò luyện võ. Học trò của bà đa phần là chị em phụ nữ tuổi mười tám, đôi mươi trong vùng.

Năm 1771, khi anh em nhà Tây Sơn dấy nghĩa, Bùi Thị Xuân là một trong những người hưởng ứng đầu tiên. Bà dồn hết tâm sức vào việc chiêu mộ và huấn luyện quân sĩ. Dưới trướng của Bùi Thị Xuân là một “đội quân tóc dai”` gần 5 nghìn người được huấn luyện võ nghệ bài bản và sẵn sàng xông pha trận mạc. Với phẩm chất và tài năng của một nữ tướng, Bùi Thị Xuân sớm được anh em nhà Nguyễn Nhac-Nguyện Huệ tin dùng và trân quý. Sánh vai cùng các võ tướng như: Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng... Bùi Thị Xuân được Nguyễn Huệ phong làm Đô đốc và được ban cho lá cờ hiệu mang 4 chữ vàng “Tây Sơn nữ tuớng”.

leftcenterrightdel
Minh hoạ: LÊ ANH 

Một người con gái sinh ra và lớn lên tại vùng đất võ, xuất thân từ dòng dõi quan lại phong kiến, Bùi Thị Xuân đã sớm trở thành một trong những danh tướng nổi tiếng của nhà Tây Sơn. Bà là một nữ tướng xông pha trận mạc, chỉ huy xông xáo, chiến đấu dũng cảm và mưu trí. Mỗi khi lâm trận, bà thường cưỡi voi “tả xung hữu đột. Bùi Thị Xuân đã có nhiều đóng góp to lớn trong suốt chặng đường gây dựng cơ đồ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, dẹp yên phản loạn, bình ổn đất nước của vương triều Tây Sơn.

Bùi Thị Xuân không chỉ là một nữ tướng can trường và quả cảm mà còn là một tướng quân có tinh thần trung quân, trung nghĩa. Sử cũ chép rằng, sau khi Vua Quang Trung băng hà, Quang Toản lên nối ngôi khi tuổi còn non nớt. Lợi dụng việc này, Thái sư Bùi Đắc Tuyên đã lộng hành, âm mưu thâu tóm quyền hành làm cho triều chính rối ren, lục đục, gây hiềm khích và nghi kỵ lẫn nhau. Bùi Đắc Tuyên sau đó đã bị các tướng trung thành với triều đình xử lý. Là cháu của Bùi Đắc Tuyên nên Bùi Thị Xuân không thể không bị người đời đặt dấu hỏi, thậm chí nghi kỵ. Mặc dù vậy, bà đã biết đặt chữ “trung” lên trên hết; tỏ rõ là một người công tâm, không vì việc riêng chi phối, trung thành tuyệt đối với triều đình, đồng cảm với hành động loại bỏ Bùi Đắc Tuyên để ổn định triều chính của các võ tướng. Thái độ của một người phụ nữ như Bùi Thị Xuân dưới thời phong kiến quả là hiếm có.

Năm 1801, lợi dụng sự suy yếu của chính quyền Quang Toản, Nguyễn Ánh thừa cơ phục thù. Quân của Nguyễn Ánh nhanh chóng chiếm được Phú Xuân và phần đất phía nam sông Gianh, buộc vua tôi Quang Toản phải chạy ra Bắc Thành. Cuối năm đó, Quang Toản huy động 3 vạn quân tiến đánh quân Nguyễn Ánh ở phía nam sông Gianh. Tại đây, quân Tây Sơn đã lập chiến luỹ Trấn Ninh để ngăn chặn bước tiến của quân Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau thì luỹ Trấn Ninh bị quân Nguyễn phá vỡ. Thời điểm này, một bộ phận quan trọng quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu chỉ huy cũng đang bị vây chặt ở thành Quy Nhơn, không có khả năng để chi viện. Mất Trấn Ninh, đạo quân của Quang Toản buộc phải rút lui ra phía Bắc.

Trong trận chiến Trấn Ninh, Bùi Thị Xuân chỉ huy đạo quân gần 5000. quân bản bộ lăn xả vào tử chiến với quân Nguyễn. Tuy nhiên, do chiếm ưu thế về “địa lợi nên quân của Nguyễn Ánh đã chủ động nắm thế trận, tổ chức phản công quyết liệt gây thương vong lớn cho quân Tây Sơn. Mặc dù vậy, Bùi Thị Xuân vẫn không sợ hiểm nguy, hiên ngang cưỡi voi “tả xung hữu đột" đốc thúc quân sĩ tiếp tục chiến đấu, kiên quyết không lùi bước. Tuy nhiên, do cánh quân thuỷ tiến công theo sông Nhật Lệ bị chặn đánh, thương vong lớn phải rút lui, cánh quân trên bộ của Bùi Thị Xuân bị quân Nguyễn Ánh tập trung lực lượng phản kích và siết chặt vòng vây. Biết không thể đảo ngược được tình thế và để bảo toàn lực lượng, hạn chế đổ máu cho quân sĩ, Bùi Thị Xuân buộc phải cho lui quân khi mà mục tiêu đặt ra cho trận đánh vẫn chưa thực hiện được. Dẫu vậy, tinh thần chiến đấu quả cảm, lẫm liệt của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài ba của nữ tướng Bùi Thị Xuân trong trận chiến khốc liệt này đã khiến người đời thán phục. Sách “Đại Nam thực lục" của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng thừa nhận: “Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cưỡi voi đốc thúc quân liều chết đánh từ sáng đến trưa chưa chịu lui”.

Sau khi thất thủ ở Trấn Ninh, Bùi Thị Xuân chỉ huy đạo quân của mình rút ra đất Nghệ An. Tại đây, bà đã hội quân cùng đạo quân của Trần Quang Diệu theo đường thượng đạo cũng vừa mới rút lui từ Quy Nhơn ra. Hai người có dịp sát cánh bên nhau tiếp tục củng cố chỗ đứng chân, tuyển mộ thêm binh lính để phát triển lực lượng. Thấy được mối nguy hiểm của cặp vợ chồng “hổ tướng” lừng danh này, Nguyễn Ánh đã cho người giả danh thường dân lấy cớ tiếp tế lương thảo, khí giới cho quân Tây Sơn rồi lập mưu bắt sống cả gia đình Bùi Thị Xuân.

Đánh bại được nhà Tây Sơn và cơ bản kiểm soát được tình hình đất nước, Nguyễn Ánh bắt đầu mở chiến dịch trả thù các tướng lĩnh Tây Sơn. Với gia đình Bùi Thị Xuân, biết không thể dụ dỗ, mua chuộc được nên Nguyễn Ánh đã cho người chém chết chồng bà là Trần Quang Diệu, rồi giết đứa con gái 14 tuổi yêu quý của bà bằng hình thức voi giày ngay trước mặt người mẹ.

Sau khi chứng kiến cái chết bi thương của chồng và con, Bùi Thị Xuân không một chút lo sợ, hiên ngang đi tới chỗ con voi sắp hành hình mình. Bất chấp mệnh lệnh “quỳ xuống cho con voi dễ nắm bắt” của viên chỉ huy cuộc hành hình, Bùi Thị Xuân vẫn ngẩng cao đầu đi thẳng tới chỗ con voi. Bị quản tượng dùng búa gõ vào đầu, con voi lập tức dùng vòi tung bổng người nữ tướng lên không trung rồi quật mạnh xuống đất. Tuy nhiên, phải sau tới 3 lần tung lên, quật xuống như vậy, tiếng hát của Bùi Thị Xuân mới tắt hẳn.

Giáo sĩ Bissachere-người chứng kiến toàn bộ cuộc hành hình đầy bi thương này đã mô tả: “Vị nữ tướng không hề biến đổi sắc mặt. Tiến đến trước đầu voi rất bình tĩnh. Mấy tên lính thét lên om sòm bảo bà quỳ xuống, nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính phải lấy giáo chọc vào đùi voi, voi mới quặp lấy bà tung lên trời”. Nữ tướng Bùi Thị Xuân ra đi với một tư thế quá đỗi phi thường và thái độ trung hậu, kiên trung của một người phụ nữ Việt Nam.

Nối tiếp mạch nguồn truyền thống yêu nước, viết tiếp trang sử vẻ vang của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân đã làm rạng danh cho khí phách của người phụ nữ Việt Nam. Tên tuổi của bà đã được đặt cho nhiều đường phố. Nhiều tượng đài, đền thờ Bùi Thị Xuân cũng đã được dựng ở nhiều địa phương để hậu thế ghi nhớ công lao của một nữ tướng can trường và quả cảm, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước dưới thời Tây Sơn.

TRẦN VĨNH THÀNH