Trong chiến tranh, những chiến sĩ đặc công Rừng Sác được nhân dân các xã Phước Khánh, Phú Hữu... chăm lo, bao bọc như người thân, mặc dù bị địch tìm mọi cách ngăn chặn chia cắt. Mỗi khi gặp khó khăn, các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm bị đứt, từ lon gạo, gói muối cho tới bông băng, viên thuốc chữa bệnh, họ đều phải dựa vào dân. Có thể nói, không có nhân dân Cần Giờ, Đoàn 10 khó có thể đứng chân ở một địa điểm ngay sát các cơ quan đầu não của địch. Trong bài viết này, tôi muốn nói về thím Sáu Làm, một phụ nữ như bao người phụ nữ bình thường khác nhưng luôn giành chiến thắng trong mọi cuộc đấu trí với kẻ thù.

Nhà thím Sáu Làm ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, cách trung tâm Sài Gòn không xa, chỉ mấy chục phút chạy xe máy. Cần Giờ nối với một dải Rừng Sác bùn lầy, cây cối um tùm ven sông, kéo dài tới tận Đồng Nai. Đây là địa thế hiểm yếu để các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 chọn làm căn cứ đóng quân. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu tuần tra của địch xuôi ngược trên sông, muốn mở một cuộc càn vào khu Rừng Sác, chúng phải huy động lực lượng rất lớn với các loại máy bay, tàu chiến, nhưng ít khi kết quả như mong muốn. Là vùng rừng ngập mặn nên điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn. Để đứng chân được không phải chuyện đơn giản. Khó cho địch thì cũng khó cho ta. Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã nhận được sự cưu mang, đùm bọc của người dân Phước Khánh nên vẫn hoạt động tốt, dù đối phương có trăm mưu nghìn kế với đủ các thành phần, bộ máy theo dõi từ huyện xuống xã, thôn ấp. Thím Sáu kể:

Năm 1964, chồng thím lúc ấy là Phó bí thư chi bộ Phước Khánh bị Ba Chung, đồn trưởng bảo an dân vệ phục kích bắn lén khi ông từ một cuộc họp kín ra về. Đây cũng là trường hợp hy sinh thứ 39 ở ấp Xóm Chợ. Ba Chung là tên chống cộng khét tiếng. Mỗi khi nghe có tin báo Việt cộng về ấp, nó cởi trần, chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, súng ngắn lên đạn, ngồi rình như mèo rình chuột từ tối cho tới sáng, muỗi đốt sần da cũng mặc. Cần Giờ được giải phóng, Ba Chung bị bắt nhưng trên đường giải về trụ sở, hắn đã nhảy xuống sông hòng chạy trốn và bị chết đuối.

Sau ngày chồng hy sinh, một tay nuôi 3 con nhỏ, khó khăn trăm bề nhưng thím Sáu quyết dấn thân tiếp bước con đường của chồng, làm cơ sở cho cách mạng giữa lòng địch. Là đảng viên, thím luôn đi đầu trong mọi hoạt động, vận động bà con, duy trì mối quan hệ với các chiến sĩ Đoàn 10... Tết năm đó, biết các chiến sĩ khó khăn, thím gói bánh tét xếp đầy thúng rồi đổ thóc giống lên trên định đem ra điểm hẹn ngoài bưng. Chưa ra tới ruộng, từ đằng xa, thím đã trông thấy hai tên lính bảo an đang đứng chờ. Nhanh trí, thím rẽ tắt đường đi lên gò, một tên đi theo hỏi: "Bà Sáu bảo đi gieo lúa mà lên gò làm gì vậy?"-"Nghe nói trâu bò húc cày mả ổng, tôi qua xem sao", thím bình tĩnh trả lời. Tên lính nhìn thúng lúa còn chưa nứt mầm, lại căn vặn: "Sao gieo lúa mà không ủ giống vậy bà?"-"Chú nhìn xem, ruộng tôi xăm xắp nước, cần gì phải ủ cho mất công chớ". Thấy tên thứ hai đón đầu, nếu để nó xọc tay vào thúng thì lộ hết, thím lội ào xuống đám ruộng bùn nước của ai đó. Đặt thúng xuống, thím vờ đi nhặt cỏ, vớt bùn, mặc hai thằng lính giày cao cổ, quần thùng, áo đóng cứ đứng nhìn trên bờ. Vừa làm, thím vừa trêu tức bọn chúng: "Hai cậu đứng không đó làm chi, xuống phụ với tui chút coi"-"Tụi tôi đi công vụ chớ bộ đi làm ruộng cho bà sao, bà chỉ lắm chuyện". Nói rồi bọn chúng bực bội bỏ đi. Thím nói với theo: "Lính quốc gia mấy ông chỉ giỏi làm khó cho dân thôi". Đấy chỉ là một trong rất nhiều lần thím đối đầu với tụi lính. Biết thím là cơ sở của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác, nhưng chúng không tìm được chứng cớ để bắt. Bông băng, thuốc tây, tin báo..., thím giấu trong người, chỗ hẹn cũng phải thường xuyên thay đổi. Cứ thế, ngày này sang tháng khác, các chiến sĩ cần gì là thím có mặt.

Nhưng rồi, trong một lần như thế, thím bị địch phát hiện. Đó là giọt nước tràn ly, là cái cớ để chúng tìm cách khai thác thông tin, hòng phá những cơ sở chìm đang hoạt động-mối nguy hiểm tiềm tàng đối với chúng. Thím Sáu bị đưa vào trại giam Biên Hòa. Ngày nào chúng cũng lôi thím ra tra vấn, đánh đập dã man. Gậy gốc có nhiều mấu, ú, chúng đánh đập không nương tay..., nhưng thím một mực nói không biết, không liên quan gì với cộng sản. Hơn chục lon sữa bị bóc nhãn, trát bùn, chúng lục được trong cái giỏ xách, thím bảo nhặt được ở chỗ quân Mỹ đóng chốt vừa rút đi không thể là chứng cứ khẳng định thím tiếp tế chăm nuôi Việt cộng được. Không đủ căn cứ, chúng buộc phải thả thím. Vừa về tới nhà, vẫn còn phải chống gậy, thím đã đi ghe mang đồ ra bưng cho các chiến sĩ.

Một hôm, tên xã trưởng mon men đến nhà giả vờ hỏi thăm sức khỏe thím để dò la tin tức, thím Sáu bảo thẳng: "Ông đến thăm, tôi cảm ơn, nhưng ông xã trưởng nhìn coi, con tôi 3 đứa còn nhỏ, là đàn bà góa bụa, phải lo làm ăn nuôi con chớ thời gian đâu mà theo Việt cộng. Sao ông cứ theo dõi, chỉ lính bắt bớ tôi hoài vậy. Lần sau bị bắt, tôi khai bậy ra ông đó nghe. Tôi bảo chính ông là người cầm đầu, ông hoạt động hai mang, cho Việt cộng và cho cả quốc gia, ông làm chi tôi nào". Tên xã trưởng nghe vậy, vội nói: "Chị Sáu đừng đùa, làm thế chết tôi đó". Thím Sáu dấn tới: "Tôi làm thiệt chớ không đùa đâu nghe"-"Tôi xin chị, chị bỏ qua cho, chẳng qua cũng vì cuộc sống thôi". Nắm được thóp hắn, thím Sáu không tha: "Tôi nói là tôi làm đó nghe, ông xã muốn yên thân thì bảo lính chấm dứt theo dõi tôi đi. Tôi là đàn bà, chỉ có mấy đám ruộng, không đi làm thì lấy chi nuôi sắp nhỏ. Ông xã coi chừng đấy, bị bắt nữa là tôi khai đại ông ra cho coi. Ông sẽ vào tù thay cho tôi. Liệu ông có chịu được tụi cai tra tấn như tôi không?". Đến nước ấy thì tên xã trưởng không còn biết nói gì nữa. Từ kẻ cậy quyền hống hách, hắn trở thành người thấp hèn. Hắn nói như van xin thím Sáu: "Thôi tôi xin chị đấy, để tôi bảo tụi nó, chị là người làm ăn chân chỉ, không liên quan chi tới Việt cộng". Nói rồi tên xã trưởng ra về. Từ đó, thím Sáu đi lại dễ dàng hơn, ít kẻ nhòm ngó hành tung của thím. Vô hình trung, xã trưởng trở thành kẻ che chắn cho thím. Có được lợi thế đó, thím Sáu càng hoạt động tích cực hơn, vận động bà con xây dựng cơ sở làm chỗ dựa vật chất, tinh thần cho các chiến sĩ Đoàn 10. Có trường hợp anh em ta hy sinh, thím đã vận động, thuyết phục để các thầy tu đạo Cao Đài trong vùng lấy danh nghĩa người tu hành đứng ra lo việc mai táng, tránh sự lộ diện của cơ sở.

Thím Sáu Làm được kết nạp Đảng năm 1968. Suốt cả thời chiến tranh, thím đã dành trọn sức lực, tuổi trẻ của mình cho phong trào cách mạng cơ sở ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Cuộc đời hoạt động của thím đã làm phong phú thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Nam Bộ nói chung, phụ nữ huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh nói riêng.

LÊ VĂN VỌNG