Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1800, quê làng Đường Long (sau đổi là Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Thuở nhỏ, Nguyễn Tri Phương nổi tiếng thông minh, không chỉ học giỏi văn mà còn rèn luyện giỏi cả võ... Từ một viên thư lại ở Bộ Hộ, ông được thăng dần lên giữ các trọng trách ở Bộ Công, Bộ Lễ và Bộ Lại, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực dân sự.

Trước yêu cầu dẹp loạn nội xâm, bình ổn đất nước, Nguyễn Tri Phương chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Ngay từ lần đầu tham gia hoạt động quân sự, ông tỏ rõ là người có tài cầm quân, được Vua Minh Mạng thưởng tấm bài đeo bằng ngọc và thăng làm Tham tri sung chức Cơ mật viện đại thần. Những năm sau đó, Nguyễn Tri Phương tiếp tục được các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức giao những trọng trách khác nhau trên lĩnh vực quân sự.

Sáng 1-9-1858, quân Pháp nổ súng tiến công Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước tình hình đó, Nguyễn Tri Phương được Vua Tự Đức giao giữ chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam, chỉ huy Mặt trận Đà Nẵng kháng chiến (1858-1859). Tháng 10-1860, Vua Tự Đức lại cử Nguyễn Tri Phương vào làm Tổng thống quân vụ đại thần Gia Định chỉ huy Mặt trận Gia Định (1860-1861). Ông đã chỉ huy quân dân chiến đấu, gây cho Pháp một số thiệt hại, bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp.

Sau khi đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp xúc tiến âm mưu đánh chiếm ra cả nước, trong đó xác định Hà Nội là mục tiêu quan trọng. Trước tình hình chiến tranh do Pháp gây ra ngày càng căng thẳng, triều đình Huế lại cử Nguyễn Tri Phương, một lão tướng có uy tín và tài năng ra Bắc làm Tổng đốc Hà Nội trực tiếp chỉ huy giữ thành Hà Nội. Nhận nhiệm vụ được giao, ngày 27-5-1873, Nguyễn Tri Phương ra đến Hà Nội.

Sau khi điều tra hiểu rõ hoạt động của Pháp và tìm cách thương thuyết với Jean Dupuis nhưng không có kết quả, ông phải dùng những biện pháp cứng rắn, cấm các thuyền của Pháp ngược sông Hồng lên Vân Nam (Trung Quốc), nếu trái lệnh sẽ bị bắn. Tiếp đó, ông cho lập nhiều đồn dọc sông Hồng để giám sát tuyến đường thủy, cấm không ai được quan hệ với bọn lái buôn người Pháp và điều thêm quân về Hà Nội.

leftcenterrightdel
 

Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

 

Trước thái độ kiên quyết của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, ngày 11-10-1873, Pháp cử Francis Garnier đưa 2 tàu chiến và 180 quân từ Sài Gòn ra Hà Nội nhằm tăng cường lực lượng cho hành động quân sự mới. Vừa đến Hà Nội, Garnier đòi đóng quân trong thành và mở cửa sông Hồng để chúng tự do thông thương, thu thuế... nhưng đều bị ông từ chối.

Nhận thức rõ âm mưu của địch, Nguyễn Tri Phương gửi thư cho Garnier kiên quyết phản đối việc đưa quân Pháp vào Hà Nội và kêu gọi quân dân Hà Nội đoàn kết chống Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của quan Tổng đốc, nhân dân Hà Nội và các vùng xung quanh đã tỏ thái độ bất hợp tác với giặc. Nhiều nơi nhân dân bỏ thuốc độc vào giếng nước, phá kho đạn, quấy phá các vị trí đóng quân của thực dân Pháp.

Nhân lúc tình hình đang căng thẳng, Garnier và Dupuis bàn cách đánh thành Hà Nội. Thành Hà Nội khi ấy là một thành lũy kiên cố, được xây dựng từ năm 1803, hình vuông chu vi khoảng 5.000m. Phía dưới chân thành xây bằng đá xanh, đá ong, phía trên xây bằng gạch hộp. Mỗi mặt tường thành bố trí hai pháo đài, các góc đều có pháo đài góc.

Thành mở 5 cửa, các mặt Bắc, Đông và Tây mở một cửa ở chính giữa. Riêng mặt Nam mở hai cửa Đông Nam và Tây Nam là mặt chính của thành Hà Nội. Xung quanh thành có hào nước rộng 16m. Đóng giữ thành, triều Nguyễn có khoảng 7.000 quân, trang bị chủ yếu là giáo mác, quả nổ và một số súng thần công. Nguyễn Tri Phương tuy tập trung bố trí lực lượng giữ thành nhưng có phần chủ quan cho rằng Pháp chưa thể đánh.

Về phía Pháp chuẩn bị đánh thành Hà Nội có khoảng 200 quân và 2 tàu chiến trang bị 11 đại bác đậu trên sông Hồng sát Hà Nội (không kể số quân và tàu, thuyền của Dupuis). Ngày 12-11-1873, Garnier gửi tối hậu thư thứ nhất, buộc Nguyễn Tri Phương phải hạ vũ khí, giao nộp thành Hà Nội vào ngày 18-11-1873; đồng thời ngang nhiên tuyên bố: “Đường sông Hồng kể từ nay đã được khai thông buôn bán với các nước đã có ký kết hiệp ước với triều đình Huế như Pháp, Tây Ban Nha, Trung Hoa”(2). Tiếp đó, ngày 19-11, Garnier gửi tối hậu thư thứ hai cho Nguyễn Tri Phương, buộc ông trong 24 giờ phải hạ khí giới và giao nộp thành Hà Nội. Cả hai lần, Nguyễn Tri Phương đều không trả lời, mà lệnh cho quân trong thành Hà Nội chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu.

Không đợi Nguyễn Tri Phương trả lời, 6 giờ ngày 20-11-1873, quân Pháp chia thành nhiều mũi đánh thành từ hai hướng Đông Nam và Tây Nam, trong đó hướng chính là Đông Nam do Garnier trực tiếp chỉ huy. Ngoài ra, một bộ phận quân Pháp bố trí ở khu vực Cửa Bắc để chặn đường rút của quân nhà Nguyễn; đồng thời, 2 pháo hạm đậu trên sông Hồng tập trung bắn phá các mục tiêu trong thành, chủ yếu là dinh Tổng đốc. Quân dân Hà Nội dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã anh dũng chiến đấu ngăn cản những đợt tiến công của quân Pháp bằng các loại vũ khí được trang bị trong tay.

Tại cửa ô Thanh Hà (nay là cửa ô Quan Chưởng), một viên Chưởng cơ chỉ huy 100 quân chiến đấu chặn bộ binh Pháp từ tàu chiến đậu ở bờ sông Hồng tiến vào và đã hy sinh đến người cuối cùng. Trong khi đó, Tú tài Phạm Lý tổ chức những người trong huyện Thọ Xương (huyện sở tại của tỉnh Hà Nội bấy giờ) tìm cách ngăn chặn bước tiến của địch. Thế nhưng, dựa vào ưu thế về hỏa lực, quân Pháp đã vượt qua nhiều trở ngại để tiếp cận chân thành.

Cuộc chiến diễn ra quyết liệt, lính Pháp trèo lên các mái nhà quanh thành bắn vào bên trong và tìm cách đột phá vào thành, trong khi quân triều đình cũng gắng sức đẩy lui những đợt tiến công của quân Pháp bằng các loại vũ khí có trong tay. Trước tình thế nguy cấp, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương phải trực tiếp lên cổng thành phía Nam đôn đốc, chỉ huy chiến đấu. Ở Cửa Nam, Nguyễn Tri Phương và con là phò mã Nguyễn Lâm lên mặt thành chỉ huy quân sĩ chiến đấu.

Trước sự áp đảo về hỏa lực của địch, quân nhà Nguyễn không ngăn nổi cuộc tiến công của chúng, một số hy sinh hoặc bị thương, bị bắt. Nguyễn Tri Phương bị một mảnh đại bác văng vào bụng, bị thương nặng. Sau hơn một giờ chiến đấu, thành Hà Nội bị Pháp chiếm. Quân Pháp bắt được Nguyễn Tri Phương và lo chữa, điều trị vết thương, nhưng ông đã kiên quyết cự tuyệt, nêu cao tinh thần bất khuất, khiến kẻ địch phải khâm phục. Sau một thời gian tuyệt thực để quyên sinh, ông mất ngày 20-12-1873, tại dinh Tổng đốc thành Hà Nội.

Với cương vị Tổng đốc chỉ huy bảo vệ thành Hà Nội (1873), Nguyễn Tri Phương đã dồn tâm trí và năng lực chỉ huy quân dân, nâng cao quyết tâm chiến đấu chống lại đội quân xâm lược phương Tây có ưu thế về vũ khí và kỹ năng tác chiến. Xông pha giữa trận tiền chỉ huy quân dân đánh giặc, quyết giữ thành Hà Nội, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã để lại tấm gương trung nghĩa sáng ngời về lòng yêu nước, quyết tâm đánh Pháp đến cùng để bảo vệ độc lập dân tộc, sống mãi trong lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

(1) Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.83

(2) Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.156