Ông là con trai thứ ba của cụ Trần Đình Kiều và bà Nguyễn Thị Bình. Thuở nhỏ, ông có tên là Bằng, sớm thể hiện là cậu bé thông minh và say mê việc học. Tuy nhiên, qua hai kỳ thi Hương năm Mậu Thìn (1868) và năm Canh Ngọ (1870), ông chỉ đỗ tú tài và mang danh “Tú kép”. Là người có ý chí tiến thủ, đồng thời được sự động viên, giúp đỡ của thầy giáo Bùi Huy Chân, một nhà Nho thông minh, đức độ, ông vẫn say mê đọc sách, dùi mài kinh sử và khoa Bính Tý (năm 1876) đã đỗ cử nhân, rồi 3 năm sau triều đình lại mở ân khoa Kỷ Mão (năm 1879), ông đỗ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân.
|
|
Nhà thờ quan Đốc học Trần Đình Phong ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh do tác giả cung cấp |
Sau khi đỗ tiến sĩ, Trần Đình Phong không muốn ra làm quan mà chỉ muốn làm thầy dạy học ở quê nhà, nhưng vì quy định của triều đình, ông phải chấp hành. Đầu tiên ông được phong tước Hàn lâm sơ thụ, phụ trách biên tu lịch lý ở kinh đô, sau đó ít lâu được bổ làm Tri phủ Kiến An kiêm Lý cả phủ Bình Giang thuộc tỉnh Hải Dương. Với chủ trương khai dân trí phải đi đầu của ông, việc học hành ở hai phủ đã có sự phát triển nhanh chóng. Trường lớp đua nhau mở, các nho sĩ phấn khởi được trọng dụng, nhân dân rất vui mừng. Điều đặc biệt là với suy nghĩ bản thân mình cũng phải được học thêm, nghiên cứu thêm và với lòng say mê dạy học, nên quan phủ đã mở một lớp học ngay trong phủ để dạy kèm con em chuẩn bị thi cử. Kết quả của những tư tưởng và nỗ lực của ông cùng các thầy giáo trong vùng đã được đền đáp. Nhiều học trò trong hai phủ qua các kỳ thi sau đó đã đỗ đạt ở vị thứ cao.
Năm Ất Dậu (1885), mẹ ông qua đời. Nhân đó, ông xin về quê chịu tang và quyết định nghỉ một thời gian dài để thực hiện một số dự định, trong đó có việc mở trường học cho con em địa phương. Nhưng rồi tháng 7-1885, vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần vương kêu gọi nhân dân cả nước ra sức chống giặc Pháp. Cách quê ông không xa, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1830-1889) người làng Quần Phương, xã Lương Điền (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cùng một số sĩ phu trong vùng hưởng ứng chiếu Cần vương, tập hợp nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa. Là người có lòng yêu nước, ông đã nhiều lần qua làng Quần Phương trao đổi ý kiến với Nguyễn Xuân Ôn. Mặt khác, ở quê nhà, ông cũng hết lòng vận động nhân dân ủng hộ nghĩa quân. Trong thời gian xảy ra chiến sự giữa nghĩa quân với thực dân Pháp, được sự động viên, kêu gọi của Trần Đình Phong, nhân dân tổng Quỳ Trạch đã trở thành “hậu phương” trực tiếp của nghĩa quân. Lúc này, nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân coi ông như quân sư, thường qua lại nhà ông xin ý kiến về nhiều mặt hoạt động...
Vào những lúc rối ren như vậy nhưng ông không quên việc dạy học. Ít lâu sau, ông đã mở lớp học ngay tại nhà dạy học trò trong vùng. Nhờ tiếng tăm và đức độ của ông, các bậc thức giả ở xa cũng gửi con đến học. Ông không những say sưa giảng dạy, động viên, giúp đỡ họ mà còn không nhận của học trò bất cứ khoản đóng góp nào. Cũng thời gian này, ông đã viết một số cuốn sách, như: Trần tộc thế phả, Quỳ Trạch đăng khoa lục, Thanh Khê xã chí.
Năm 1888, vua Đồng Khánh ra chỉ dụ triệu ông vào kinh nhậm chức Giám khảo thi Hương ở Hà Nam nhưng vì không muốn hợp tác với vị vua do thực dân Pháp dựng lên, ông đã lấy lý do đau yếu để từ chối. Ba năm sau, năm 1891, vua Thành Thái lại cử ông đi làm Giám khảo thi Hương ở Hà Nam. Chấm thi xong, ông được bổ làm Tri phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bên cạnh công việc lo ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, chống nạn nhũng nhiễu ức hiếp dân..., ông rất quan tâm chăm lo cho trẻ nhỏ được học hành.
Nhờ mẫn cán và công tâm trong việc quan, lại hết lòng chăm lo mở mang việc học, năm Giáp Ngọ (1894), ông được thăng làm Thị giảng học sĩ tước Quang lộc tự thiếu khanh. Bốn năm sau (1898), ông được bổ làm Đốc học Quảng Nam (gồm cả Quảng Nam và Quảng Ngãi). Ông rất phấn khởi vì công việc hợp với sở nguyện của mình. Năm 1905, ông được thăng làm Tế tửu Quốc tử giám và được phong Quang lộc tự khanh. Ông đã chấn chỉnh lại đội ngũ tư nghiệp kết hợp với Sùng chính viện và Thư viện quốc gia biên soạn lại giáo trình, cải cách lối học và từ năm 1906 đưa các môn học mới như: Cách trí, toán pháp... vào chương trình học.
Như vậy, vừa là thầy giáo trực tiếp giảng dạy, vừa làm nhiệm vụ quản lý với tư tưởng cải cách đổi mới, quan Quang lộc tự khanh đã có công lớn đưa nền giáo dục tiến lên những bước mới. Quá trình giảng dạy của ông cũng góp phần đào tạo cho đất nước nhiều trí thức ưu tú, tài năng, yêu nước như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Phạm Liễu (thượng thư), Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến...
Do tuổi tác đã cao và điều kiện sức khỏe, từ năm Mậu Ngọ (1908), ông xin thôi làm Tế tửu mà chỉ giữ chức Biên tu Quốc sử. Lúc này, ông dành thời gian khảo cứu trước tác và biên soạn một số cuốn sách rất có giá trị như: Quốc triều luật lệ toát yếu với nội dung tóm tắt đầy đủ ý tứ của bộ luật nhà Nguyễn được soạn từ thời Gia Long; sách Quốc triều toát yếu sử, gồm hai tập Tiền biên và Chính biên, ghi lại toàn bộ lịch sử triều Nguyễn từ đầu cho đến thời điểm đó.
Quan Đốc học Trần Đình Phong không chỉ để lại cho đời những học trò tài đức vẹn toàn mà còn nuôi dưỡng, giáo dục những người con nối chí cha làm rạng danh cho gia đình và dòng họ. Ông có hai người vợ. Người vợ đầu là Phan Thị Tiêu, sinh được hai người con gái thì bà ốm nặng và mất ở tuổi ngoài 30. Cả hai người con của bà đều đỗ tú tài. Người vợ kế là Hồ Thị Uẩn, sinh được 12 người con (9 trai, 3 gái), tất cả đều được ăn học chu đáo, đều đỗ tú tài và cử nhân. Trong số 14 người con của các ông bà có nhiều người thành đạt, tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, như: Cử nhân Trần Đình Diệm là đại biểu dân biểu xứ Trung Kỳ; cử nhân Trần Đình Phiên là thư ký tòa soạn (16 năm) Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trị sự; ông Trần Đình Quán là nhiếp ảnh gia đầu tiên ở thành phố Vinh; ông Trần Đình Nam là bác sĩ Đông Dương, là bạn của Nguyễn Tất Thành (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời đi học)...
Năm Kỷ Dậu (1909), Trần Đình Phong mất tại Huế, khi đang còn làm việc. Triều đình truy tặng ông chức Lễ bộ thị lang. Ông là quan yêu nước thanh liêm, chính trực, luôn say mê nghề dạy học và khảo cứu viết sách. Đồng thời, ông là một bậc thầy cao hiền, đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Ông cũng đã góp phần đào tạo cho đất nước nhiều trí thức ưu tú, giàu tài năng để rồi tên tuổi của họ nổi bật trên những trang sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước nửa đầu thế kỷ 20. Ông là người thầy để lại trong tâm trí học trò những tình cảm sâu nặng và tư tưởng của ông đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời họ.
NGUYỄN TÂM CẨN