Ngày đầu thành lập, lực lượng của sư đoàn chủ yếu được điều động từ các quân khu, quân đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia về. “Trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và Thủ đô còn gặp rất nhiều khó khăn, đơn vị không có doanh trại. Các lực lượng phải đóng quân trong nhà dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện, chiến đấu đều vô cùng thiếu thốn”-Đại tá Cao Kính, nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 301, là một trong những cán bộ đầu tiên của sư đoàn, nay đã ở tuổi gần 90, đến giờ vẫn không sao quên được những ngày ấy…
    |
 |
Huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn Bộ binh 692, Sư đoàn Bộ binh 301. |
Những cán bộ của sư đoàn lúc bấy giờ như: Sư đoàn trưởng Phạm Quốc Minh, Chính ủy Thông Sơn, Phó chính ủy Đào Toán, Phó sư đoàn trưởng Cao Kính... đã đồng sức, đồng lòng với tập thể đơn vị giải quyết từng mặt, từng khâu, từ dễ đến khó, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xác định nhiệm vụ của đơn vị là tuyến đầu phòng thủ bảo vệ Thủ đô đối với từng cán bộ, chiến sĩ. Đại tá Cao Kính kể rằng, sau chưa đầy hai tháng thành lập, đầu tháng 4-1979, sư đoàn được lệnh cơ động lên tuyến phòng thủ sông Cầu triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ cửa ngõ phía bắc Thủ đô Hà Nội. Ông nhớ lại: “Nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân, chỉ trong thời gian ngắn, sư đoàn đã xây dựng đầy đủ hệ thống doanh trại, đưa bộ đội ra đóng quân tập trung để có điều kiện xây dựng đơn vị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh”.
Phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của LLVT Thủ đô, từ năm 1979 đến 1986, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sư đoàn còn cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho tuyến trước và hai lần điều lực lượng lên làm đường quân sự trên tuyến biên giới phía Bắc. “Giai đoạn này đã có 2 tập thể là Trung đoàn 12 (nay là Trung đoàn Bộ binh 692 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 (nay là Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh 692) và 3 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày nay, Trung đoàn Bộ binh 692 cũng luôn là đơn vị đi đầu trong các hoạt động, phong trào thi đua của sư đoàn. Đơn vị nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội” -Thượng tá Lưu Nam Tiến, Chính ủy sư đoàn tự hào cho biết.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 301 tham gia khắc phục hậu quả dông, lốc trên địa bàn TP Hà Nội, năm 2015. Ảnh: XUÂN VÂN |
Trong tình hình mới hiện nay, sư đoàn tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và sức mạnh chiến đấu, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, nắm chắc tình hình địa bàn, mục tiêu đảm nhiệm để kịp thời chấn chỉnh, xây dựng lực lượng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. “Chính vì thế, khi phải đảm nhiệm những nhiệm vụ mới, thậm chí lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng triển khai như: Diễn tập tác chiến phòng thủ MB-17; diễn tập thực binh xử lý tình huống A2 năm 2018 hay diễn tập phòng thủ dân sự năm 2019… sư đoàn chúng tôi đều được cấp trên biểu dương, khen thưởng”-Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 301 tiếp nối câu chuyện với chúng tôi.
Anh Hạnh cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng mà đơn vị đang thực hiện là bảo đảm an ninh, an toàn, xử lý các sự cố môi trường trên địa bàn Thủ đô. Trong vòng 5 năm gần đây, sư đoàn đã thực hiện 88 đợt trực cao điểm, có đợt trực dài ngày hơn một tháng, kịp thời huy động gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 400 lượt phương tiện tham gia phòng, chống cháy, nổ, lụt bão, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn, xử lý môi trường. Tiêu biểu như khắc phục hậu quả trận mưa lịch sử năm 2008 tại Trạm bơm Yên Sở (huyện Thanh Trì), ngập úng năm 2018 tại Nam Phương Tiến, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), cháy tại trạm điện Ba La, vụ nổ tại Văn Phú hay thu gom hàng tấn cá chết ở Hồ Tây... Và một trong những tập thể điển hình thường xuyên được lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn nhắc tới là Tiểu đoàn Thông tin 18. Trong 5 năm liên tục, tiểu đoàn đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Được Thượng tá Nguyễn Hồng Dương, Phó chính ủy sư đoàn dẫn đường đến thăm Tiểu đoàn Thông tin 18, chúng tôi chứng kiến một không khí làm việc nghiêm túc, nền nếp. Thiếu tá Trần Viết Đoàn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thông tin 18 tiếp chúng tôi trong niềm phấn khởi vì đơn vị vừa được tuyên dương “Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm tại buổi lễ do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Là người chỉ huy có nhiều năm gắn bó với đơn vị, Thiếu tá Trần Viết Đoàn có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong đó có sự kiện cứu dân trong vụ cháy ở khu chung cư Xa La, Hà Đông, tháng 10-2015. Đúng vào lúc các lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã tản ra hết thì anh thấy một mảnh khăn trắng đang vẫy vẫy ở phía một chung cư cao tầng. Ngay lập tức, anh và một đồng đội lao lên tầng 14 của tòa nhà, nơi ấy có 3 bà cháu đang hoảng loạn vì sợ hãi. Nhanh chóng trấn an họ cũng như phá cửa sắt đang bị khóa trái, anh cùng đồng đội đã đưa được 3 bà cháu ra ngoài an toàn. Khi được hỏi tại sao không chờ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp để tránh nguy hiểm cho bản thân, anh cười dung dị: “Lúc ấy đâu có nghĩ đến chuyện thiệt hơn, chỉ là thấy có người đang kêu cứu thì phải bằng mọi cách tiếp cận cứu thoát cho bằng được. Chúng tôi luôn xác định việc giữ gìn sự bình yên, an toàn cho người dân Thủ đô là tình cảm, trọng trách thiêng liêng của mình”...
Trước khi kết thúc chuyến đi thực tế tại Sư đoàn 301, chúng tôi đến tham quan phòng truyền thống của đơn vị. Đúng dịp này, các đơn vị trực thuộc sư đoàn cũng đang đón chiến sĩ mới sau 3 tháng huấn luyện tân binh và tổ chức cho các chiến sĩ học tập truyền thống. Trò chuyện với Binh nhất Lê Bá Hoàng, chúng tôi hiểu hơn về cách “rèn binh” ở đây. Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hoàng tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về sư đoàn. Ban đầu chưa quen với tác phong của người lính, Hoàng thấy mệt mỏi, thậm chí chán nản. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, được cán bộ hướng dẫn tận tình, nghiêm túc trong huấn luyện nghiệp vụ, lại như người anh, người chị luôn lắng nghe tâm tư để động viên, khích lệ kịp thời nên Hoàng đã nhanh chóng hòa nhập, tự tin với các nhiệm vụ được giao. “Sống trong môi trường quân ngũ ở một đơn vị có bề dày truyền thống, tôi được tôi rèn để ngày một trưởng thành hơn, cũng như thấy được niềm vinh dự, trách nhiệm của bản thân khi được đứng trong hàng ngũ những người lính bảo vệ Thủ đô”-Binh nhất Lê Bá Hoàng tự hào nói.
DUY THỦY