Vươn lên trong bóng tối

Năm 1973, chàng thanh niên Huỳnh Văn Lực tham gia du kích xã tại địa phương, vừa hoạt động cách mạng, vừa phụ mẹ nuôi 6 người em để ba yên tâm công tác ở căn cứ. Những năm đó, quê hương ông còn nằm trong vùng kìm kẹp của địch. Cho đến một ngày tháng 10-1974, khi đó ông đang giữ chức Ấp đội trưởng ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ-“Chúng tôi kết hợp với bộ đội địa phương Châu Thành và Tiểu đoàn Tây Đô 3 đánh tiểu đoàn 480 ngụy thuộc Chi khu Một Ngàn. Sau 7 ngày đêm ta chiếm giữ, Chi khu Một Ngàn cho pháo 105mm dập sập hầm, tôi và ba đồng chí khác bị thương, tôi gãy tay và chấn thương ở đầu”, ông Hai nhớ lại.

leftcenterrightdel
Ông Hai Lực (bên trái) thường xuyên đến tặng quà gia đình hội viên nghèo.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hai Lực được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Năm 1990, khi xã Nhơn Hòa sáp nhập vào xã Nhơn Nghĩa, lãnh đạo huyện đề nghị ông giữ chức Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa nhưng ông từ chối, vì ông cảm thấy di chứng của trận pháo địch dập sập hầm năm xưa đang cựa mình và nguồn sáng từ đôi mắt ông dần lịm tắt. Từ đó, người cựu chiến binh này bắt đầu làm quen với cảm nhận bằng đôi tay. Để trang trải cuộc sống gia đình, vợ ông cùng hai con lớn phải lên vùng Tân Hiệp (Kiên Giang) cắt lúa mướn, để con trai út ở nhà với ông. Trước hoàn cảnh này, đã có lúc trong ông nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. “Đi chỗ nào nó cũng đụng, chân tay, đầu trán sưng húp. Có lúc tôi muốn uống thuốc tự vẫn. Nhưng nghĩ lại các con còn nhỏ, mình không thấy đường cũng phải cố gắng vươn lên làm cột làm kèo để vợ con từng bước vượt qua khó khăn”, ông Hai nói.

Con trai út Huỳnh Thanh Bình mới 12 tuổi chưa thể hiểu được nỗi đớn đau trong lòng cha. Ông Hai cũng không thể giải thích cho con hiểu về hậu quả của chiến tranh đã cướp đi ánh sáng của mình. Tất cả ông cố giấu vào trong. Và chính sự vất vả của vợ ở nơi xa, tiếng cười hồn nhiên của con là động lực để ông vững bước trên con đường phía trước còn lắm gian truân.

Năm 2002, chính quyền địa phương động viên ông giữ chức Chủ tịch Hội Người mù huyện Châu Thành A. Từ đó, ông xây dựng kế hoạch thực hiện ước mơ bấy lâu ấp ủ của mình là góp chút công sức đền đáp cái nghĩa, cái tình của người dân đã hết lòng giúp đỡ bộ đội, bảo vệ cán bộ cách mạng trong chiến tranh. Điều ông xác định đầu tiên là hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khiếm thị. Bởi ông hiểu rõ thiệt thòi của họ và muốn họ xóa bỏ mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội.

Hết lòng với công tác thiện nguyện

Từ năm 2014 đến nay, ông Hai đã lập 3 dự án cho 55 lượt hội viên vay từ 10 đến 20 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện. Ví như 5 công đất trồng dâu của ông Huỳnh Văn Tới, ngụ tại ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, mỗi năm thu hoạch từ 60 đến 70 triệu đồng. Hay bà Nguyễn Thị Bông bị bệnh mắt từ năm 1999, được ông Hai hướng dẫn làm thủ tục vay 10 triệu đồng. Ban đầu làm chuồng nuôi heo nhưng không hiệu quả, bà quyết định vay thêm 10 triệu đồng để khai phá 1.000m2 vườn tạp trồng cam sành. Dần dần, bà tiết kiệm được nguồn vốn và mở rộng thêm diện tích 3.000m2, cho thu hoạch mỗi năm gần trăm triệu đồng.

Ông Hai mừng cho những người vượt qua nghèo khó, nhưng lo nhất là những hội viên không còn khả năng lao động, đang sống phụ thuộc vào gia đình và trợ cấp của Nhà nước. Vậy là ông dò dẫm đến với họ, khi thì túi gạo, lúc thì lon sữa để họ vững tin rằng cộng đồng vẫn quan tâm đến những cảnh đời không may. Ba năm gần đây, ông Hai đã vận động được hơn 10 tấn gạo cùng 2.300 phần quà tặng các hội viên nghèo; xây tặng 10 căn nhà và sửa chữa 9 căn nhà với tổng kinh phí gần nửa tỷ đồng. Đặc biệt, ông đã quyên góp hơn 1,5 tỷ đồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những hộ nghèo vươn lên khấm khá. Đến nay, tổng số 102 hội viên hội người mù của huyện đã thoát nghèo. Qua đó góp phần không nhỏ vào phong trào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Hai hiểu rõ ánh sáng sẽ không trở lại với ông, nhưng nếu đôi mắt của ai còn có khả năng phân biệt màu sắc thì ông tiếp tục đi vận động, quyên góp để giúp đỡ họ. Mỗi năm, ông cùng với các hội của huyện tổ chức cho hàng trăm trường hợp mổ đục thủy tinh thể, khám và chữa các bệnh về mắt miễn phí. Để có tiền hỗ trợ những việc làm thiện nguyện ấy, ông Hai phải tích cực đi vận động, mà đâu phải ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Có một số doanh nghiệp chưa hiểu hoàn cảnh của người mù nên từ chối. Nhưng rồi khi thấy việc ông làm chỉ để “mỗi người mù được giúp đỡ là thêm một nụ cười và mỗi người mù có việc làm là giảm đi gánh nặng cho xã hội”, dần dần họ đã nhiệt tình đóng góp. “Khi biết ba vận động xây nhà tình thương, nhu yếu phẩm tặng một số hộ nghèo trên địa bàn, gia đình rất lo lắng vì ba đi lại bất tiện. Nhưng mỗi lần đi về thấy ba rất vui và phấn khởi nên gia đình luôn ủng hộ việc làm của ba”, con trai út Huỳnh Thanh Bình hiện đang công tác ở Bộ CHQS TP Cần Thơ chia sẻ.

Kể câu chuyện về ông Hai Lực, ông Hồ Hoàng Ưng, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành A tỏ ra khá tâm đắc: “Anh Hai có đạo đức tốt, lề lối làm việc nghiêm túc, tạo được uy tín để giúp đỡ những cảnh đời gặp khó khăn trong xã hội. Có lúc tôi nghĩ những người sáng mắt chưa chắc làm được như ảnh, nếu thiếu cái tâm. Có thể nói ảnh là một trong những người tiêu biểu, gương mẫu trong Cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Châu Thành A”.

Một điều ít ai ngờ rằng 3 công đất vườn sau nhà trồng các loại bưởi da xanh, quýt, mãng cầu, măng cụt, tiêu sọ... là do bàn tay của ông Hai Lực gây dựng. Ông nói rằng chủ yếu trồng cho con, cho cháu. Nhưng để nó sai quả, trĩu cành là cả quá trình thấm đẫm mồ hôi và cả máu của ông. “Không thấy đường thì làm việc cũng khó khăn, nhưng mình phải cố gắng vươn lên để vơi đi mặc cảm đối với xã hội”, ông Hai nói vậy.

Bài và ảnh: HỒ KIÊN GIANG