Đại lộ Hồ Chí Minh dài 3km, nằm ở quận Rais Hamidou, trên trục đông-tây của thành phố. Con đường tuyệt đẹp này trở thành nơi gặp gỡ của những người Việt Nam xa xứ trong mỗi dịp lễ, tết...
Đầu mùa hè năm 2010, tôi có may mắn đi cùng đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch nước dẫn đầu đến thăm đất nước Algeria tươi đẹp. Ở đây, chúng tôi được chào đón vô cùng nồng hậu. Các bạn Algeria coi chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Cuộc tương phùng diễn ra vượt qua mọi nghi lễ thông thường. Chúng tôi cùng đi một xe, cùng làm việc, ăn, nghỉ trong những ngôi biệt thự nhỏ nhắn, xinh đẹp hai tầng, nằm núp bóng trong một cánh rừng rộng lớn giữa trung tâm thủ đô Algiers. Một người bạn ở Bộ Ngoại giao Algeria nói với tôi: “Ở Algeria, khi nhắc đến Việt Nam, mọi người đều coi đất nước các bạn là một mẫu mực trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Việt Nam chính là bản huyền ca sống động nhất mà người Algeria lấy đó làm tấm gương soi chiếu. Đất nước Algeria có được như ngày nay là nhờ bắt nguồn từ cảm hứng Việt Nam”.
Tại sao các bạn Algeria đối với người Việt Nam lại cởi mở, đón tiếp chu đáo, thịnh tình như thế? Trả lời câu hỏi này, chúng ta nên biết chút ít về đất nước Algeria. Lịch sử Algeria có nguồn gốc từ ít nhất hàng vạn năm trước với sự xuất hiện đầu tiên của người Berber sinh sống dọc bờ biển Địa Trung Hải. Trải qua hàng nghìn năm chiến tranh tạo lập ảnh hưởng, chiếm đoạt đất đai giữa các bộ tộc và đế chế La Mã, rồi liên miên trong các cuộc chiến tranh tôn giáo, người Algeria chưa bao giờ bình yên. Vào khoảng thế kỷ 14-15, Algeria được đế chế Ottoman gộp vào do anh em nhà Khair ad-Din lãnh đạo và lập ra biên giới phía bắc châu Phi, biến bờ biển nước này thành môi trường thuận lợi cho những tên cướp biển hoạt động. Chính vì lý do cướp bóc các tàu buôn qua lại trên biển, năm 1830, Pháp chính thức xâm chiếm Algeria, biến Algeria thành một phần lãnh thổ của mình. Bắt đầu từ đó, cũng như ở Việt Nam thời thuộc Pháp, người dân Algeria sống trong cảnh nô lệ bần cùng, bị bóc lột tận xương tủy. Hàng triệu người dân phải sống tha phương cầu thực, màn trời chiếu đất, không có nhà cửa ruộng vườn. Rất nhiều cuộc nổi dậy nổ ra do các nhân sĩ, trí thức yêu nước và tướng lĩnh người Algeria lãnh đạo chống lại thực dân Pháp nhưng đều thất bại trước sự đàn áp khốc liệt của chủ nghĩa thực dân. Cũng vào giai đoạn này, ở Việt Nam, thực dân Pháp áp đặt chế độ thuộc địa cai trị tàn bạo kéo dài suốt từ năm 1884 cho đến năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tuy Pháp đã thừa nhận Việt Nam là nước tự do trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, nhưng chiến tranh vẫn nổ ra. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại. Đó là chiến thắng của lương tri và phẩm giá Việt Nam. Một chiến thắng lịch sử chưa từng có của các dân tộc thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới, chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam, đồng thời nó cảnh báo sự suy tàn của chủ nghĩa đế quốc; gióng lên hồi chuông làm thức tỉnh mạnh mẽ tất cả các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Bắt nguồn từ cảm hứng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, cảm hứng Việt Nam, năm 1954, tại Algeria, Mặt trận Giải phóng Quốc gia ra đời bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập cho đất nước này. Trong suốt thời gian từ năm 1954 đến 1962, người Algeria đã vùng lên chiến đấu và họ đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, xây dựng nhà nước cộng hòa độc lập theo thể chế dân chủ...
Một buổi tối trò chuyện cùng cựu chiến binh Abdelkrim Hassani, tôi như được sống trong không khí hào hùng của ý chí và tinh thần sục sôi cách mạng. Ông Abdelkrim Hassani nói chuyện say sưa, nhiệt tình, sôi nổi như không thể dứt. Ông nói về lịch sử của Việt Nam-Algeria, về mối quan hệ chân tình truyền thống, về “những người cùng chiến hào”, chiến đấu vì lương tâm và phẩm giá của mỗi dân tộc. Trong câu chuyện, ông không ngớt lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông khẳng định: Nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ thì không thể có Algeria dân chủ và độc lập ngày nay. Mà không phải chỉ ở Algeria, nhiều nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latin... cũng giành được độc lập. Chính bắt nguồn từ cảm hứng Việt Nam mà các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới dám đứng lên làm cách mạng lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân giành độc lập cho Tổ quốc.
Còn Tiến sĩ Abdelmadjid Chikhi-cũng là một cựu chiến binh nổi tiếng-khi trò chuyện cùng chúng tôi, ông khẳng định: Algeria đã vận dụng thành công phương pháp cách mạng của Việt Nam mà Việt Nam đã tiến hành từ năm 1945. Ông nói: “Chúng tôi luôn ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người anh em của đất nước Algeria và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người dân Algeria không bao giờ quên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Đó là chiến thắng của tất cả các dân tộc thuộc địa. Ở Algeria, người Pháp cũng từng tìm cách chia cắt, song chúng tôi đã noi gương Việt Nam chiến đấu đến cùng và giành độc lập”. Chính ông Chikhi cũng là tác giả của công trình nghiên cứu đồ sộ về hệ thống đấu tranh cách mạng của Việt Nam, tổng kết và so sánh cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của hai dân tộc. Ông khẳng định: “Vô cùng khâm phục nhân dân Việt Nam. Các bạn là nguồn cảm hứng để chúng tôi chiến đấu và chiến thắng thực dân...”.
Thời gian chuyến thăm Algeria không dài, nhưng ở đâu tôi cũng được nghe các nhà nghiên cứu, nhà báo và nhiều nhân sĩ, trí thức Algeria nói về Việt Nam và Hồ Chí Minh với tất cả tấm lòng chân thành và tôn kính nhất. Với Bác Hồ, họ khẳng định đó là “người đàn ông có bộ óc vĩ đại”. Người biết cách kết hợp những lý tưởng vĩ đại của thế giới với bản sắc Việt Nam, sử dụng một cách thông thái và tài tình tất cả những gì sẵn có của Việt Nam để mang lại độc lập và tự do cho dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc bầu chọn các nhân vật tiêu biểu nhất thế kỷ 20 của Tạp chí Times (Mỹ), trong số 100 người được chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xếp vào nhóm 20 nhà lãnh đạo có uy tín nhất thế giới. Có một nhận xét chung của giới sử học, các chính trị gia trên thế giới đều thống nhất: “Hồ Chí Minh là hiện thân của khát vọng độc lập và tự do của những người bị áp bức”. Trong tình hình phức tạp của thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám với nhiều hệ ý thức đa dạng, Hồ Chí Minh đã xác định được tư tưởng riêng của mình. Đó là tư tưởng chống lại bè phái, phe nhóm cực đoan. Đặt lợi ích quốc gia trên hết, lấy tinh thần quốc gia làm đòn bẩy mạnh mẽ và độc đáo, nhưng Người không chỉ dừng lại ở đó mà vượt ra ngoài các nước thuộc địa. Người quan tâm sâu sắc đến các dân tộc thuộc địa, những thân phận thiệt thòi, yếu đuối trên toàn thế giới. Chính vì lý do này mà các dân tộc thuộc địa trên thế giới coi Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954 và Hồ Chí Minh là “biểu tượng của chủ nghĩa chống thực dân”.
Trong thời gian ở Algeria, chúng tôi còn có dịp ghé thăm Bảo tàng Cách mạng Quốc gia. Bảo tàng là nơi trưng bày rất nhiều hình ảnh và hiện vật quý giá về cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm của Algeria (1954-1962). Có một điều đặc biệt thú vị trong bảo tàng là các bạn Algeria dành hẳn một góc trang trọng trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho đến tận ngày nay, trong mọi cuộc tiếp xúc và gặp gỡ Việt Nam-Algeria, các bạn vẫn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm chân thành và lòng cảm phục sâu sắc nhất. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đến Algeria luôn được sưởi ấm bởi ngọn lửa của lòng yêu nước. Đó thực sự là niềm tự hào mà các thế hệ cha ông đã làm nên trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông Abdelkader Bensalah, Chủ tịch Thượng viện, nói với chúng tôi: “Thế hệ chúng tôi thời trẻ tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập, nay tóc bạc cả rồi. Việt Nam khi đó là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi. Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã khích lệ, cổ vũ mạnh mẽ chúng tôi. Vì vậy, mỗi khi gặp lại các bạn, quá khứ hào hùng lại trỗi dậy. Ngày nay, hơn ai hết, chúng tôi luôn khao khát được nhìn thấy Việt Nam bước sang trang sử mới để xây dựng một đất nước thịnh vượng, giàu đẹp. Trái tim chúng tôi đập cùng các bạn, khắc ghi sự ủng hộ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và mãi mãi ghi nhớ công ơn của các vị lãnh đạo tiền bối. Việt Nam, chúng tôi luôn hướng về các bạn...”.
Vâng! Tình cảm và sự tri ân của nhân dân Algeria đối với Việt Nam là thế. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi xin mượn lời trong một bài báo đăng trên tờ báo lớn nhất ở Algeria nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ của tác giả Larab: Hồ Chí Minh là biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Người đã sử dụng thiên tài, văn hóa và tư tưởng của mình để phục vụ cho cuộc đấu tranh của những người bị áp bức của các nước và hơn thế nữa. Các dân tộc phải chịu đựng sự đau đớn của chủ nghĩa thực dân tưởng nhớ đến Người. Người đã để lại cho nhân dân Việt Nam và cho toàn nhân loại một công trình đạo đức và chính trị đồ sộ, trong đó Người tôn vinh sự đoàn kết, công bằng, bình đẳng, tình hữu nghị, hiểu biết, hợp tác và tình anh em giữa các dân tộc...
“Chính bắt nguồn từ cảm hứng Việt Nam mà các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới dám đứng lên làm cách mạng lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân giành độc lập cho Tổ quốc”.
Abdelkrim Hassani
|
TRẦN THÁI PHƯƠNG