QĐND - Thủ đô Hà Nội có duy nhất một quận không mang tên là địa danh như: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình… mà mang tên nhân danh: Quận Hai Bà Trưng. Sở hữu tên gọi này bởi vì quận Hai Bà Trưng có trong địa bàn của mình ngôi đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng.

Đền Đồng Nhân và cả làng Đồng Nhân nữa, vốn gốc gác là ở ngoài đê, trên bãi Đồng Nhân Châu, sát mé nước sông Hồng, thuộc phường Bạch Đằng ngày nay. Vì thế, theo truyền tụng, vào đời vua Lý Anh Tông, năm 1142, làng mới vớt được tượng Hai Bà, ngát hương và tỏa sáng mà trôi trên sông, đưa vào đền thờ. Đến đời vua Nguyễn Gia Long, năm 1819, đất bãi sông bị lở, đền thờ và phần lớn dân làng nhờ được đất Võ Sở của triều Lê ở phía trong đê, lúc này bị bỏ trống, mới di dời vào, nhưng vẫn giữ tên gọi cũ. Tượng của Hai Bà ở tư thế đưa ngang hai tay ra trước mặt, xưa trôi trên sông và được thờ ở ngôi đền ngoài bãi sông như thế nào thì nay được thờ ở hậu cung ngôi đền Đồng Nhân (mới) như thế. Chỉ cặp tượng voi của Hai Bà, với những đôi ngà của voi thật và tượng các nữ tướng của Hai Bà là mới có từ khi chuyển đến và dân từ ngoài bãi vào, để ngày càng được tôn tạo hoành tráng hơn mà thôi.

Nhưng mối liên hệ mật thiết giữa hai ngôi đền Đồng Nhân-xưa ở ngoài bãi, nay ở trong đê-thì vẫn còn được bảo lưu và thể hiện ở lễ tiết Rước Nước ngày chính tiệc mồng 5 tháng Hai âm lịch của lễ hội đền Hai Bà trước đây: Cờ quạt, kiệu võng, voi ngựa, phường bát âm… tưng bừng và trang trọng diễu hành từ ngôi đền ở trong đê ra chỗ dấu tích ngôi đền xưa ở ven sông, múc nước thiêng ở giữa sông, đưa về làm lễ Mộc Dục (tắm rửa tượng).

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Tú.


Từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến những năm đầu thời Giải phóng miền Nam, thống hất đất nước, lễ hội mồng 5 tháng Hai âm lịch, thờ Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân (số nhà 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) kết hợp với sự kiện “Ngày Quốc tế Phụ nữ” (8-3) dương lịch, luôn được cử hành trọng thể, bao giờ cũng có sự hiện diện của lãnh đạo phong trào và Hội Phụ nữ Thủ đô cùng Trung ương.

Gần đây, sự hiện diện ấy, cùng với việc xây dựng-tôn tạo nguy nga, đồ sộ nơi thờ phụng Hai Bà, mới dần chuyển về ngôi đền Hạ Lôi ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, và từ năm 2008 thì sáp nhập về Hà Nội.

Ngôi đền Hạ Lôi này, vẫn theo truyền tụng, được xây dựng cũng từ thời vua Lý Anh Tông (giữa thế kỷ 12), ở trên đất đóng đô của Hai Bà: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh…” (Đại Nam quốc sử diễn ca). Gần đây, có người còn cho rằng, đây là “nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên”, và: “Về thời vua Lý Anh Tông, trời hạn hán, Hai Bà Trưng báo mộng, nhà vua làm lễ cầu đảo được mưa, bèn truyền lập đền thờ Hai Bà tại cố hương”.

Đợt trùng tu-tôn tạo lớn nhất đền Hạ Lôi được tiến hành vào thập niên đầu thế kỷ 21: “Xây dựng hệ thống các công trình phục vụ tham quan, du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông nội tuyến-ngoại tuyến, tu bổ, tôn tạo 3 tòa đền chính, sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 tòa, tu bổ toàn bộ nội thất đền, dịch chuyển nhà tả mạc-hữu mạc để nới rộng không gian đền, cải tạo hồ bán nguyệt và sân đền trước nhà tiền tế, xây dựng (mới) hệ thống đền thờ thân phụ mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ mẫu ông Thi Sách, đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà…” đã khiến đền Hạ Lôi trở thành “ngôi đền có quy mô hoành tráng bậc nhất trong hệ thống các di tích thờ Hai Bà Trưng trên cả nước hiện nay” (theo sách Hà Nội, danh thắng và di tích, NXB Hà Nội, 2011).

Và từ ngày được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt”, gần đây, quy mô cùng tiến độ xây dựng-tôn tạo đền Hạ Lôi càng được đẩy mạnh hơn, thậm chí còn tính cả đến việc biến nơi đây thành lễ trường và diễn trường “kỷ niệm sinh nhật” của Hai Bà Trưng nữa.

Trong khi đó, cũng cùng đợt được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” gần đây, nhưng ngôi đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (thuộc tỉnh Hà Tây trước đây), mới trở thành đất Hà Nội từ năm 2008, lại ít rầm rộ hơn việc trùng tu-tôn tạo. Tuy nhiên, ngôi đền Hát Môn này lại sở hữu chắc chắn, ít nhất là hai điều quan trọng và có gốc gác đích thực, liên quan đến Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo và chủ đề cùng tín ngưỡng các nữ anh hùng của dân tộc.

Thứ nhất, như tên gọi Hát Môn, với nghĩa là “cửa sông Hát” (tức Sông Đáy)-nơi sông Đáy giao nước cùng sông Cái (sông Mẹ, sông Hồng), ngôi đền Hát Môn đã được xây dựng đúng trên một địa điểm lịch sử và chiến lược, thường được truyền tụng là nơi Hai Bà tự trẫm mình mà hy sinh, khi “Chị em thất thế phải liều với sông…” (Đại Nam quốc sử diễn ca), nhưng thực chất thì địa điểm này chính là nơi Hai Bà đã tổ chức lễ xuất quân đánh giặc, vào mùa xuân năm Canh Tý, năm 40 sau Công nguyên, với 4 lời thề đặc sắc mà về sau, sách “Thiên Nam ngũ lục” đã ghi lại được:

"Một, xin rửa sạch quốc thù

Hai, xin khôi phục nghiệp xưa nhà Hùng,

Ba, kẻo oan ức lòng chồng

Bốn, xin vẻn vẹn (trọn vẹn) sở công lênh (sự nghiệp cá nhân) này”.

Thứ hai, có một đặc điểm dễ nhận thấy, nhưng không phải ai cũng hiểu là: Các đồ thờ ở đền Hát Môn đều tuyền một màu đen, không vàng son rực rỡ như ở các nơi khác. Chỉ khi các cụ cố lão làng Hát Môn giải thích, thì mọi người mới rõ được manh mối: “Dân chúng tôi sơn đen các đồ thờ, vì kiêng màu đỏ là màu máu, vì Hai Bà xưa đã chết đổ máu!”.

Đây là một “tín hiệu chìm” nhưng rất có giá trị, truyền qua lịch sử nghìn năm: Sự thực là những người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã không được chết mát mẻ trong dòng nước quê hương như nhiều người mong muốn và kể lại, mà đã hy sinh rất anh hùng, nhưng thảm khốc, trên chiến trường: “Chết đổ máu”, đúng như lời xưa đã truyền qua lịch sử ở Hát Môn.

Dù sao thì cả ba ngôi đền chính, ba tòa chính cung thờ Hai Bà Trưng của cả nước, giờ đây đã thuộc cả về Thủ đô. Thành phố Hà Nội có vinh dự và trách nhiệm, thay mặt cả nước, thờ phụng các nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc, ở những di tích lịch sử-văn hóa giá trị hàng đầu ấy.

VĂN LANG