Bình minh trên xứ sở bạch dương

Trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà nằm trên phố Miếu Hai Xã (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), những kỷ vật liên quan đến nước Nga được ông đặt trang trọng trong chiếc tủ kính, xung quanh là những tác phẩm hội họa, phù điêu về cánh rừng bạch dương, Quảng trường Đỏ ở Moscow, trận đánh Stalingrad... do chính tay ông vẽ, sưu tầm từ thời còn học tập, sinh sống tại nước Nga. 

Ông kể: Phải thế hệ những người trải qua năm tháng khó khăn ấy mới cảm thấu được nước Nga hào phóng, phát triển hùng cường tới nhường nào. Ngày ấy, tôi học năm thứ hai Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự (ở Bình Đà, Thanh Oai, Hà Sơn Bình, nay thuộc Hà Nội) thì được nhà trường chọn đi học chuyển tiếp năm thứ ba tại Liên Xô. Tháng 6-1984, đoàn hơn 100 sinh viên (trong đó Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự-nay là Học viện Khoa học Quân sự có 14 sinh viên) chúng tôi lên chuyến bay IL-86 để tới Moscow. Ngay khi chuẩn bị hạ cánh, tôi đã nhìn thấy một bầu trời sao sáng rực, cả thành phố lung linh dưới mặt đất. Thú thực đến lúc ấy, như vẫn còn đang mơ, tôi hít sâu không khí vào lồng ngực để bừng tỉnh đưa mình trở về cõi thực. Chúng tôi dừng chân tại Moscow hai ngày. Tranh thủ cơ hội này, các sinh viên tham quan thành phố. Quảng trường Đỏ, Lăng Lênin, Bảo tàng Quốc gia, Trung tâm Thương mại Moscow, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov... là những nơi chúng tôi tới thăm. Cứ như vậy, tôi tha hồ “nạp” những hình ảnh của thành phố trong mơ, rồi tự nhủ sẽ cố gắng học tập để đem những văn minh ấy về xây dựng đất nước.

leftcenterrightdel
Đại tá Trần Quốc Huy (thứ ba, từ trái sang) cùng cán bộ của Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow. Ảnh: HUY ĐẠT

Sau hai ngày lưu lại Moscow, chúng tôi lên xe lửa đi Minsk (thủ đô của nước Cộng hòa Belarus) học tại Trường Đại học Sư phạm Gorky. Chúng tôi đi xuyên qua những vạt rừng bạch dương, những vườn táo chín lựng đẹp đến nao lòng và cảm nhận thấy sự văn minh của từng người dân khi táo chín đỏ nhưng không có ai tự ý vặt. Những cánh rừng bạch dương, rừng sồi như những lá phổi lớn thanh lọc không khí cho thành phố, mà ngay lúc ấy chúng tôi điềm nhiên chỉ thấy nó đẹp vì khái niệm ô nhiễm không khí chưa bức bách như bây giờ. Tôi đã học được ở nước bạn từ những bài học nhỏ nhất.

Một ngày mùa đông năm 1984, tôi đứng chờ ở bến xe, có một phụ nữ người Nga chừng 50 tuổi, thấy tôi không có khăn quấn cổ, bà liền hỏi: Sao cậu không quàng khăn cổ? Khi tôi chưa kịp phản ứng gì, bà đã cởi chiếc khăn trên cổ mình quàng cho tôi và dặn hãy quàng khăn ấm khi ra ngoài kẻo bị viêm họng vì lạnh. Chính việc làm này cho tôi hiểu được tình cảm của nhân dân nơi đây dành cho Việt Nam và nó trở thành động lực để tôi rèn luyện, học tập và phấn đấu. Sự quan tâm của họ dành cho chúng tôi càng ngày càng sâu đậm, khi một người trong số chúng tôi bị mắc bệnh u não phải mổ, nằm viện hàng tháng trời, được đội ngũ y, bác sĩ nước bạn chăm sóc tận tình, chu đáo như người thân ruột thịt. 

Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Sư phạm Gorky, chúng tôi được đi thực tế tại một số nhà máy, nông trại của nước bạn. Những lần đi thực tế, chúng tôi đã chứng kiến hoạt động sản xuất theo quy trình tự động hóa, bán tự động hóa tại Nhà máy Sản xuất Máy kéo Minsk. Còn tại một nông trại chăn nuôi, cung cấp thịt gà, thì quy trình khép kín từ khâu ấp trứng đến khi cung cấp sản phẩm thịt gà ra các cửa hàng nhà nước phục vụ người dân chỉ sau 1,5 tháng nuôi công nghiệp... Liên Xô cách nay hơn 30 năm đã đạt đến trình độ phát triển như vậy và lứa học viên chúng tôi đón “ánh bình minh Xô viết” năm ấy sau khi về nước, mỗi người trên một cương vị công tác đã nghiên cứu, vận dụng được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trở lại nước Nga

Tháng 9-2013, trên cương vị Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Phòng Khoa học Quân sự) Quân khu 3, tôi tham gia đoàn cán bộ của Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng sang thăm và làm việc với đối tác Liên bang Nga. Không còn Liên bang Xô viết, nước Nga vẫn là một cường quốc có sức mạnh về khoa học công nghệ vượt trội, nhất là khoa học quân sự.

Trong chuyến đi này, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga. Tôi chia sẻ với họ về thực tại công cuộc đổi mới, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” và cả tương lai phát triển của đất nước. Tôi nói với họ rằng đất nước cần các bạn, quê hương mong chờ các bạn, hãy đem khoa học, công nghệ về chấn hưng đất nước...

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên và 7 năm từ ngày trở lại Nga, tuy giờ đã không còn công tác, nhưng tôi vẫn dõi theo từng bước phát triển của đất nước Nga-nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, nơi cho tôi nhiều kiến thức khoa học, công nghệ, truyền thống lịch sử, văn hóa. Mới đây nhất, khi Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố điều chế thành công vaccine phòng, chống Covid-19, trong tôi đã dấy lên niềm vui về một sự trở lại, về sự “thức giấc” của một nước Nga hùng cường, thân thiện và chính nghĩa.

BÌNH MINH - Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Quốc Huy, nguyên Phó trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 3