QĐND - Cách đây 3 năm, vào ngày 28-5-2010, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tòa án Nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án Lu Minh Cheng (Lữ Minh Trình) cùng đồng bọn về hành vi vận chuyển hơn 8 tấn nhựa cần sa qua biên giới, Hội đồng xét xử đã tuyên 5 bị cáo với mức án tử hình, khép lại vụ án. Vì sao các đối tượng và số lượng ma túy trên chỉ “quá giang” qua đất Việt Nam trong một thời ngắn và được ngụy trang tinh vi, vậy mà vẫn bị Công an Việt Nam triệt phá?
Nghi vấn từ 2 container quần bò

Đại tá Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (PCTPMT) Cảnh sát biển kể lại: Đầu tháng 2 năm 2008, xuất phát từ nguồn tin của đặc tình thuộc Phòng PC47 Quảng Ninh cung cấp: Một người đàn ông tên Quang-là thành viên của băng đảng tội phạm xã hội đen, hiện đang định cư ở Hồng Công (Trung Quốc), liên lạc bằng điện thoại đặt vấn đề thuê đặc tình tìm một công ty làm tạm nhập vào Việt Nam, tái xuất sang Trung Quốc một lô hàng 2 container quần bò có nguồn gốc từ Pa-ki-xtan. Hắn cũng đề nghị công ty này làm các thủ tục tạm nhập tái xuất ở Móng Cái và có trách nhiệm dẫn chủ hàng đến Việt Nam nhận hàng đồng thời chịu trách nhiệm phiên dịch và bảo vệ chủ hàng khi lô hàng trên về đến Móng Cái. Lô hàng sẽ được vận chuyển từ Hải Phòng về Móng Cái bằng đường bộ.

Lực lượng phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển Việt Nam, Phòng PC47 Quảng Ninh và tang vật thu được từ vụ án.

Nhận được thông tin trên, Phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục C47, Phòng PCTPMT Cục Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành xác minh, thấy rằng: Trong thương vụ này có rất nhiều điểm bất minh về xuất xứ nguồn gốc và trái với quy luật thương mại. Trung Quốc là nước có truyền thống xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, Pa-ki-xtan không phải là nước sản xuất và xuất khẩu quần áo may sẵn, trong đó có quần bò. Qua tổng hợp những nguồn tin thu thập được, ta nhận định: Nghi vấn một tổ chức tội phạm ma túy quốc tế gồm nhiều đối tượng là người Hồng Công, Trung Quốc hoạt động xuyên quốc gia, với thủ đoạn lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy hoặc hàng cấm với số lượng lớn vào Việt Nam và trung chuyển sang nước thứ 3.

Cất vó

Từ nhận định trên, ngay sau đó, Ban chuyên án 408-P được thành lập: Đại tá Nhâm Ngọc Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, làm Trưởng ban chuyên án. Trong lãnh đạo ban chuyên án còn có Đại tá Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng PCTPMT Cảnh sát biển là phó trưởng ban.

Đêm 22-4 rạng ngày 23-4-2008, hàng đã về đến cảng Chùa Vẽ. Tổ công tác của Phòng 4/C47 và Phòng PCTPMT Cảnh sát biển đã tổ chức đón hàng và thực hiện giám sát 24/24 giờ, đồng thời đề phòng chủ hàng sẽ xuất hàng theo đường biển không đúng như lộ trình đi đường bộ Móng Cái.

Cả một cầu cảng rộng lớn tập kết container. Để tìm ra số hiệu container bằng quan sát mắt thường trên thực tế là rất khó khăn, khi đã phát hiện ra, anh em phải căng mình thay nhau giám sát, phải kỳ công, vất vả như vậy với lý do: Không thông báo cho Hải quan Hải Phòng biết kế hoạch của ta, đề phòng mối quan hệ bạn hàng hoặc có vấn đề tiêu cực trong nội bộ.

Một tổ công tác của Phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ tại Móng Cái, tiến hành điều tra về Công ty VH và các đối tác đến nhận hàng tại Móng Cái thì phát hiện: Ngày 23-4-2008, Uông Huệ Lan (nữ) đến Móng Cái qua đường bộ từ Trung Quốc, tiếp đó, ngày 25-4-2008 có 3 người đàn ông từ Hồng Công đến Việt Nam qua sân bay Nội Bài và ra Móng Cái gặp Lan. Tổ công tác đã xác định được 3 người đàn ông đến đi cùng Uông Huệ Lan là Lu Minh Cheng (Lữ Minh Trình), Ngan Chiu Kuen (Nhan Chiêu Quyền) và Ieong Chi Kai (Dương Trí Giai).

Tang vật của vụ án.

Sáng 26-4-2008, Lan cùng với Lữ Minh Trình đến Công ty VH để làm việc. Lan đưa cho Công ty VH 300.000 đô-la Hồng Công đề nghị được nhận hàng. Do không thỏa mãn được các yêu cầu về pháp lý, tất cả các vận đơn hàng hóa khi xuất trình không có giấy tờ gốc, các văn bản chỉ phô tô và nhận qua bản fax và email nên ta chỉ đạo không giao hàng.

Ngày 29-4-2008, do không thương lượng được với Công ty VH, Lan lấy lại 200.000 đô-la Hồng Công cùng 3 người đàn ông trên từ Móng Cái về Hạ Long, đến sáng 30-4-2008, Lan cùng đồng bọn rời Hạ Long đi Nội Bài, xuất cảnh về Hồng Công, đặt cọc làm tin đối với Công ty VH là 100.000 đô-la Hồng Công và hẹn sau 1 tuần sẽ quay lại nhận hàng với đầy đủ giấy tờ gốc.

Ngày 8-5-2008, Lan đến Việt Nam bằng cửa khẩu Đông Hưng còn 4 người đàn ông là Lữ Minh Trình, Trần Quốc Quang, Dương Trí Giai và Nhan Chiêu Quyền từ Hồng Công đến Việt Nam bằng cửa khẩu Nội Bài, sau đó tất cả về nghỉ tại khách sạn Lợi Lai, thành phố Móng Cái.

Ngày 9-5-2008, Lan cùng với Quang đến gặp Công ty VH đặt vấn đề nhận lô hàng. Tiếp đó, họ thỏa thuận sơ bộ với VH cho hàng nhập kho và làm thủ tục chuyển 2 container hàng trên sang Trung Quốc. Họ sẽ chọn lại 400 kiện hàng sau đó thuê Công ty VH mua quần áo thể thao đóng vào container, dán mẫu mã hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam đưa vào TP Hồ Chí Minh gửi sang Ca-na-đa qua hãng tàu biển OOCL đến cảng Halifax, Ca-na-đa.

Ngày 11-5-2008, theo kế hoạch, lô hàng này sẽ được chuyển từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng ra Móng Cái do Công ty VH thực hiện dịch vụ. Phương án “Vận chuyển có kiểm soát” đã được thực hiện chính xác và nghiêm ngặt trong toàn bộ hành trình do nhiều lực lượng tham gia đã bảo đảm an toàn tuyệt đối với 2 container này.

Sáng ngày 12-5-2008, khi hàng đến Móng Cái, ta gọi Quang và Lan đến viết giấy cam đoan mình là chủ hàng, đặt tiền bảo đảm và kiểm tra lô hàng, theo sự phân công thì tên Quyền đứng ở cổng Công ty VH có nhiệm vụ cảnh giới, tên Trình cầm 50.000USD tiền đặt cọc, Quang và Lan đến kho của Công ty VH xem 2 container còn nguyên kẹp chì hay không.

Thời cơ đã đến, đúng 9 giờ ngày 12-5-2008, Trưởng ban chuyên án ra hiệu lệnh đồng loạt các tổ trinh sát bất ngờ áp sát, khống chế đối tượng đồng thời tiến hành kiểm tra 2 container theo thủ tục hải quan. Kiểm tra container thứ nhất đều là thùng các-tông đựng quần bò, kiểm tra container thứ hai có 200 thùng quần bò ở bên ngoài, có 400 thùng các- tông ở mặt trên và dưới đáy được ngụy trang bằng 4 chiếc quần bò, ở giữa là những bánh chất dẻo màu nâu hình chữ nhật có in chữ La-tinh và chữ Tây Á.

Toàn bộ chất dẻo có tổng trọng lượng hơn 8 tấn nhựa cần sa và các loại tiền, tài sản trị giá hơn 4 tỷ đồng cùng nhiều tài liệu chứng minh tội phạm. Ban chuyên án lập tức bắt khẩn cấp 5 đối tượng gồm: Wang Hue Lan (Uông Huệ Lan), Lu Minh Cheng (Lữ Minh Trình), Chan Kwok Kwong (Trần Quốc Quang), Ieong Chi Kai (Dương Trí Giai), Ngan Chiu Kuen (Nhan Chiêu Quyền) đều có quốc tịch Trung Quốc.

Lúc tra tay vào chiếc còng số 8, cả nhóm tội phạm sừng sỏ của đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia vẫn còn chưa hết bàng hoàng, trước sự xuất hiện của lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy Công an Việt Nam. Những nỗ lực của Trình và đồng bọn đã kết thúc bằng một dấu chấm thảm bại. Ngay đêm 12-5-2008, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, 5 đối tượng cùng vật chứng của vụ án được chuyển về Cục C47-Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền.

Bài và ảnh: GIA LINH