Đại tá Phạm Văn Giới, Trạm trưởng Trạm Đo lường-Chất lượng giới thiệu: “Kể từ khi về công tác ở trạm từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Văn Sơn luôn là “cánh chim đầu đàn” trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) của trạm. Mỗi năm, anh đều có từ hai đến ba SKCTKT đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ”.

Tôi hỏi về cơ duyên đến với nghề, anh Sơn kể, năm 1996, tốt nghiệp phổ thông trung học, anh đăng ký rồi thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 2. Anh là một trong 50 học viên của khóa được quân đội cử sang Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh học tập. Tốt nghiệp Khoa Cơ khí-Động lực, chuyên ngành Ô tô, anh được phân công về Nhà máy Z157, Cục Xe-Máy. Sáng kiến đầu tiên ở xưởng sửa chữa của đơn vị ngày mới ra trường đến giờ anh vẫn nhớ.

Hồi đó, xưởng vốn chỉ sửa chữa xe chỉ huy. Hôm ấy, Quản đốc phân xưởng Lê Hoài Nam đã cho gọi anh lên để giao một nhiệm vụ hoàn toàn mới, đó là cải tiến băng thử công suất động cơ xe chỉ huy để lắp cho động cơ xe vận tải. Nhận nhiệm vụ anh lo lắng “toát mồ hôi”. Băn khoăn suy nghĩ tìm cách làm, xem xét, tính toán các thông số, kết quả chỉ 1,5 ngày sau, anh đã hoàn thành nhiệm vụ.

leftcenterrightdel

Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Sơn (ngoài cùng, bên trái) kiểm định thiết bị kiểm tra đèn pha ô tô. Ảnh: KHÁNH AN

Thành công này là động lực khiến anh hăng say tìm tòi. Với suy nghĩ, làm nghề thì phải biết làm tất cả các công đoạn, không thể vì không biết mà phải “bó tay” chờ sự hỗ trợ của đồng đội, anh lao vào học thêm nghề hàn, cắt, điện lạnh… Những ngày đầu học cầm máy hàn, vì chưa quen, đêm về hai mắt anh bỏng rát như có các tia lửa thiêu đốt, phải cầm hai cục đá lạnh gí vào mắt cho đỡ đau. Không nản chí, hôm sau, anh vẫn quyết tâm “chinh phục” chiếc máy ấy. Kết quả, một thời gian sau, anh đã sử dụng thành thạo máy hàn, máy tiện… Anh tích cực tham gia Tổ khoa học trẻ rồi Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, say sưa nghiên cứu khoa học, SKCTKT. Với rất nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao, anh đã trở thành một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu cấp tổng cục năm 2009.

Năm 2013, về nhận công tác tại Trạm Đo lường-Chất lượng lại là một thử thách mới trên bước đường công tác của anh. Nguyễn Văn Sơn vừa tìm cách thích nghi với môi trường mới, đồng thời vẫn tích cực tìm tòi nghiên cứu khoa học. Hơn 10 năm ở Nhà máy Z157, lúc ở tổ tháo, lúc ở tổ lắp, qua tổ chạy thử rồi lên phòng kỹ thuật… tưởng như anh đã quá quen thuộc với từng thiết bị trên ô tô. Vậy mà khi về trạm, trong chuyến công tác đầu tiên đi kiểm tra chất lượng xe xích ATS-59 ở đơn vị cơ sở, sau khi đấu nối các thiết bị, yêu cầu lái xe nổ máy thử, anh đã phải bỏ chạy vì… tiếng kêu quá to của động cơ. Chuyến ấy, anh đã tự cười mình mãi vì dù có chắc lý thuyết mà chưa sâu sát thực tế thì vẫn bị “giật mình” khi làm quen với loại xe mới. Từ đó, anh tự dặn lòng phải luôn tích cực học tập, trực tiếp nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ trước mỗi chuyến công tác.

Được biết anh là “cây sáng kiến” của đơn vị, chúng tôi tò mò hỏi anh kỹ hơn về quá trình cho ra đời những sáng kiến ấy. Như sáng kiến đoạt giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân của anh năm 2017: Thiết bị kiểm tra vật tư kỹ thuật (TK, tăng điện, tiết chế) cho các xe ô tô hệ 1. Nguyễn Văn Sơn bộc bạch: “Có lẽ chính bởi từ suy nghĩ, trước công việc thấy bất cập, hạn chế thì mình phải lao vào nghiên cứu, tìm cách “khai thông” nó”. Suy nghĩ ban đầu như anh nói đơn giản là vậy, nhưng chứng kiến anh vận hành thiết bị kiểm tra vật tư kỹ thuật (TK, tăng điện, tiết chế), chúng tôi mới thấy giá trị của công trình này. Trước đây, khi kiểm tra chất lượng vật tư của hệ thống điện phải đo một cách thủ công, đấu nối, kết hợp nhiều thiết bị, rất mất thời gian, thao tác phức tạp, năng suất không cao. Bên cạnh đó, mỗi lần đi kiểm định đòi hỏi phải có 3 người đi theo để vận hành, trong đó bắt buộc phải có một người có chuyên ngành ô tô. Nguyễn Văn Sơn đã quyết tâm tìm ra một thiết bị vừa nhỏ gọn hơn, vừa có thể thay thế công sức của 3 người. Và anh đã thành công sau hai tháng miệt mài sáng chế, vừa làm vừa tìm tư liệu, ra thị trường tìm các sản phẩm chế đi chế lại, lúc lại tìm các chuyên gia, nhờ đồng đội góp ý. Thiết bị kiểm định giờ đây rất nhỏ gọn, thao tác thuận lợi, nhanh chóng, chỉ cần một kiểm định viên xách tay theo mỗi lần đi thực hiện nhiệm vụ.

Rời trạm khi đã quá giờ nghỉ trưa, chúng tôi ấn tượng mãi với câu nói của Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Sơn: “Làm kỹ thuật luôn phải chịu khó, thấy bất cập phải “ấm ức” mà quyết tâm tìm tòi, đẩy lùi cái khó, như thế mới có được thành công”.

 PHẠM THU THỦY