Sự phối hợp, hiệp đồng hiệu quả
Chúng tôi gặp Đại tá Khưu Ngọc Bảy trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19. Không một cái bắt tay gần gũi vì chúng tôi phải thực hiện nghiêm quy định "5K". Ở tuổi gần 90 nhưng ông còn minh mẫn. Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Ngày 23-10-1961, Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125, nay là Lữ đoàn 125, Bộ tư lệnh Vùng 2-Quân chủng Hải quân) được thành lập, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần và con người, chi viện cho chiến trường miền Nam. Gần một năm sau đó, ngày 19-9-1962, Đoàn 962 được thành lập với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các bến tiếp nhận vũ khí từ Đoàn tàu không số tại 4 điểm: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bà Rịa-Vũng Tàu... Từ các bến, Đoàn 962 tiếp nhận, vận chuyển vũ khí tới các Quân khu 7, Quân khu 8 và Quân khu 9. Lúc này, ông Bảy là cán bộ tham mưu thuộc Đoàn 962. “Nếu không được sự ủng hộ của nhân dân thì không làm bến được. Thứ nhất là dễ lộ bí mật. Thứ hai là không có chỗ để làm. Thứ ba nhân dân là những người bảo vệ, chở che mình tốt nhất. Tôi còn nhớ ở bến Vàm Lũng thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, gần 1.000 hộ dân đã tình nguyện di dời để làm bến”, ông Bảy cho biết.
Nếu gọi quá trình vận chuyển vũ khí vào Nam là hành trình sinh tử thì việc tiếp nhận cũng khó khăn, gian khổ không kém. Ở ngoài khơi, các tàu phải vượt qua sự kiểm soát gắt gao của hạm đội 7 Mỹ, hải quân và các trạm radar, máy bay trinh sát... của ngụy. Lực lượng tiếp nhận trên bờ phải tránh được tai mắt địch, nhận diện tàu bằng ký, tín, ám hiệu do không thể sử dụng phương tiện liên lạc gần bờ. Ông Bảy nhớ lại: “Để bảo đảm bí mật, cuộc gặp gỡ giữa nơi đến và nơi nhận buộc phải tiến hành vào ban đêm. Chúng tôi phải nắm chắc địa hình, quy luật thủy triều và lên phương án bảo vệ trong suốt quá trình dẫn dắt tàu ra vào bến, tránh để địch phát hiện hoặc tàu bị mắc cạn bởi các bãi bồi, luồng lạch nhỏ. Nhờ vậy mà các bến bãi tiếp nhận đều bảo đảm được bí mật, an toàn”.
"Chỉ trong hai đêm, với sự khẩn trương, nỗ lực không tưởng, hơn 72 tấn vũ khí đã được cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 bốc dỡ bằng tay giữa rừng ngập mặn, trong điều kiện không một tia sáng, không một phương tiện hỗ trợ...".
|
Trong hơn 13 năm (từ 1962 đến 1975), Đoàn 962 đã tiếp nhận 124 chuyến với 6.613 tấn vũ khí. Ngoài ra, còn có 43 chuyến chở cán bộ của Trung ương tăng cường cho miền Nam. “Quá trình vận chuyển người, vũ khí vào chiến trường Nam Bộ đã có 5 lần tàu của ta phải chiến đấu, hy sinh với phương án cuối cùng là hủy tàu để giữ bí mật. Trong đó có một lần đã bốc dỡ hàng xong thì bị mắc cạn, buộc phải hủy tàu và một lần khi quay ra biển thì đụng độ với địch. Tuy tàu không rơi vào tay giặc nhưng bị hư hỏng nặng, không thể tiếp tục hành trình ra Bắc được nữa”, giọng ông Bảy chùng xuống.
Cũng theo ông Bảy, dù chịu tổn thất, mất mát, hy sinh nhưng kết quả vận chuyển được xem là một thành công lớn trong việc chi viện chiến trường qua đường biển. Trong lúc các công binh xưởng miền Nam chỉ sản xuất được vũ khí thô sơ, số lượng hạn chế, không đủ phục vụ chiến đấu thì 6.613 tấn vũ khí mà Đoàn 962 vận chuyển đã góp phần quan trọng thay đổi cục diện, giúp quân dân Nam Bộ dần chiếm ưu thế trên chiến trường...
Những kỷ niệm với Đoàn tàu không số
Nhiều năm công tác tại Đoàn 962, đơn vị “bến” đảm nhiệm đón, đưa những con tàu không số, với Đại tá Khưu Ngọc Bảy, mối quan hệ khăng khít giữa “bến" và "thuyền” đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm không quên, đặc biệt là với con tàu mang số hiệu 69.
    |
 |
Đại tá Khưu Ngọc Bảy và vợ. |
Từ năm 1963, Tàu 69 đã nhiều lần cập bến Cà Mau, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy nhưng chưa một lần lỗi hẹn. Ngày 15-4-1966, đơn vị của ông Bảy nhận tin Tàu 69 rời Hải Phòng để đi vào Cà Mau và nếu không gặp sự cố thì trong khoảng một tuần sẽ đến nơi. Cũng như mọi lần, một tuần trôi qua thật lâu trong cảm xúc hồi hộp chờ đợi xen lẫn lo lắng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962. Đến giờ hẹn, được tin con tàu đã vào vùng không phát sóng liên lạc có nghĩa là đang chuyển hướng vào bờ. 1 giờ, 2 giờ... rồi 5 giờ sáng, mọi ánh mắt hướng ra khơi nhưng vẫn không nhận được một tín hiệu nào. Không khí căng thẳng đến nghẹt thở bao trùm lên khắp đơn vị. “Khả năng tàu đụng độ với địch sớm bị loại bỏ, bởi trong đêm không nghe bất cứ tiếng súng nào trên biển, có thể tàu đã cập nhầm bến. Ngay lập tức, đơn vị chia quân thành những tốp nhỏ đi dọc tuyến ven biển, luồng lạch để tìm tàu, nhưng mãi đến gần tối cùng ngày mới phát hiện Tàu 69 đang nằm tại lạch Vàm Hố. Lý do là địch tuần tra liên tục, tàu phải luồn lách, tránh né nên cập nhầm bến rồi đành nằm lại chờ thời cơ”, ông Bảy cho biết. Ngay trong đêm đó, hai đơn vị đã bí mật cho tàu vào cảng Bực Lỡ để dỡ hàng. Và chỉ trong hai đêm, với sự khẩn trương, nỗ lực vượt bậc, hơn 72 tấn vũ khí, trang bị đã được cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 bốc dỡ bằng tay giữa rừng ngập mặn, trong điều kiện không một tia sáng, không một phương tiện hỗ trợ.
Chưa kịp mừng vui sau khi bốc hàng xong thì cán bộ, chiến sĩ phát hiện tàu bị hỏng chân vịt, không thể cơ động xa. Giữa bốn bề sông nước, không có phương tiện kê đỡ con tàu nặng hàng trăm tấn lên khỏi mặt nước để sửa chữa là bài toán vô cùng khó. “Chúng tôi đã di chuyển con tàu đến một con rạch nhỏ, khá yên tĩnh. Đợi thủy triều lên, anh em chặt cây chàm làm giá đỡ dưới bụng tàu, phía trên dùng dây cột thăng bằng. Đến khi thủy triều xuống, toàn bộ thân tàu nằm trên giá đỡ. Sau đó chúng tôi huy động đắp đập ngăn nước xung quanh, tạo thành một xưởng sửa chữa có một không hai”, ông Bảy hồ hởi kể.
Không điện, không gió đá, chỉ với 4 cây đèn khò và một tuần lễ làm ban đêm, con tàu đã được sửa chữa, chuẩn bị cho cuộc hải trình đầy gian nguy trở lại miền Bắc. Nhưng khó khăn lại liên tiếp ập đến, sau sự kiện Vũng Rô, địch chú ý đến tuyến đường biển huyết mạch này. Chúng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát nên mãi đến đêm 1-1-1967, Tàu 69 mới có cơ hội rời bến. Tuy nhiên đi được khoảng 40 phút thì bị địch phát hiện, chúng huy động 4 tàu chiến cùng máy bay yểm trợ tấn công Tàu 69. Trong cuộc chiến không cân sức, ta hy sinh 1 thủy thủ, 2 báo vụ và 1 y tá bị thương. Toàn bộ tàu bị hư hỏng nặng, buộc phải quay lại bờ trong sự yểm trợ hỏa lực của lực lượng trên bến. “Tuy không rơi vào tay địch, nhưng vì không đủ năng lực sửa chữa nên tàu 69 phải nằm lại vĩnh viễn nơi đất rừng phương Nam trong sự tiếc nuối của cán bộ, chiến sĩ. Trong lòng chúng tôi, con tàu và cả những người lính hy sinh đã hoàn thành sứ mệnh một cách đặc biệt xuất sắc”, ông Bảy rưng rưng.
Rồi nhiều câu chuyện khác được ông kể trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai đơn vị. Lúc đậm chất sử thi anh hùng, lúc bi tráng đẫm lệ khiến vị đại tá từng kinh qua trận mạc, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng phải bật khóc như một đứa trẻ. Nhiều con tàu và thủy thủ đoàn đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 đã hy sinh cho nhiệm vụ này. Giây phút xúc động, ông đọc tặng chúng tôi mấy câu thơ:
“Nước triều lên Vàm Lũng lại dâng đầy/ Có con tàu chiều nay vĩnh viễn không về bến/ Anh ngồi khóc và anh lần tay nhẩm/ Chép vào lòng tên những bạn bè anh.../ Anh đắp lên giữa rừng những nấm mộ vô danh/ Trên bùn nhão viết tên đồng đội/ Trong vốc nước mặn tê đầu lưỡi/ Ngỡ có máu bạn bè chảy về tận nơi đây.../ Nếu anh còn qua hết cuộc chiến tranh này/ Anh sẽ gói phù sa mang về khắp trong Nam, ngoài Bắc/ Những người ngã xuống vì Tổ quốc/ Chẳng thể nào vô danh...".
Bài và ảnh: THÚY AN