Ký ức làm tôi liên tưởng đến một chiến tích thời bình của bộ đội hậu cần có liên quan tới Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hảo, ở số 45/21, Đường 20, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó cục trưởng Cục Sản xuất (nay đã sáp nhập vào Cục Quân nhu), TCHC.
Hội nghị “Diên Hồng... rau”
Ngày 20-11-1990, trên đất Cam Ranh (Khánh Hòa) diễn ra Hội nghị chuyên đề “Trồng rau trên đảo” do Cục Hậu cần Hải quân phối hợp với Cục Sản xuất, TCHC tổ chức. Đại tá Nguyễn Văn Đà, Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân (sau này là Thiếu tướng, Chủ nhiệm TCHC) chủ trì hội nghị.
“Hội nghị diễn ra sôi nổi, bắt đầu với một chung, hai khác...”-ông Hảo nhớ lại. “Một chung là, tất cả các đại biểu đều phấn khởi khi được bộ giao nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức cho bộ đội các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trồng rau xanh tại chỗ”. Hai khác là: Nhiều đại biểu băn khoăn về cách làm và kết quả. Ở đảo, suốt 15 năm qua, bộ đội đã từng mang giống rau ra trồng. Nhưng hạt gieo xuống chỉ thành cây non chứ không phát triển. Duy chỉ có cây rau sam là sống được. Đất ngọt được đưa ra đảo chỉ sau một năm lại trở thành đất mặn. Hạt giống cất giữ trên đảo thường chỉ được 2-3 tháng là bị mốc, thối...”.
    |
 |
Ông Hảo kể chuyện về trồng rau xanh ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: PHẠM XƯỞNG. |
Chia sẻ nỗi niềm với chỉ huy các đảo, ông Hảo với tư cách Phó cục trưởng Cục Sản xuất, trực tiếp giúp cấp trên chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tăng gia sản xuất trong toàn quân, cho rằng: Nhất định phải trồng rau tại chỗ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Lý do: Đây là hậu cần tại chỗ-một phương thức bảo đảm hậu cần đậm nét truyền thống của Quân đội ta. Từ đất liền chỉ có thể đưa các loại vật phẩm ra quần đảo Trường Sa khi “biển lặng, sóng yên”, khoảng tháng 4 đến tháng 10. Rau xanh ra đó không thể dự trữ quanh năm được. Hơn nữa, việc trồng rau ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là có cơ sở khoa học.
Ba việc thiết thực là: Chống nhiễm mặn cho đất trồng rau và rau bằng cách dùng các khay đất ngọt cách ly với nước biển; làm vườn có đáy bằng bê tông hoặc chất dẻo không thấm nước, xung quanh có vật chắn gió cao khoảng 1,5m trở lên. Làm bể tích trữ nước ngọt mùa mưa, xây hố tận thu các loại nước thải sinh hoạt phù hợp để tưới rau, kết hợp với phân bón. Trồng cây rau ngắn ngày ăn sống được là biện pháp cấp bách trước tình trạng thiếu, thèm rau... Giải quyết những yếu tố “nghiệp vụ” nói trên, cộng với quyết tâm của lính đảo, nhất định sẽ thành công.
Một số cán bộ chỉ huy đảo vẫn băn khoăn: “Về lý thuyết thì như thế...”. Lính đảo “ăn sóng nói gió”, việc gì cũng muốn mắt thấy, tay làm. Ông Hảo trả lời tâm đắc: “Đề nghị các anh cho chúng tôi làm thử tại đảo với những chiếc khay làm bằng gỗ cây bằng lăng (gỗ dùng đóng thuyền đi biển). Lượng “đất ngọt” sẽ được tính toán đủ theo số khay và số thùng, chậu đang được tận dụng ở các đảo chìm. Đưa các thứ rau dễ trồng, dễ sử dụng, nhanh được thu hoạch như cải các loại, dền, mồng tơi, muống ra thăm dò. Rau cải củ là mũi nhọn đột phá. Thành công, sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng đầu tư kinh phí bảo đảm”.
Những cánh thư báo tin vui
Ngày 20-4-1991, lần đầu tiên trên tàu ra đảo Trường Sa có thêm 4 mặt hàng đặc biệt: 20 tấn “đất ngọt” (do bà con huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cung cấp), 1 tấn hạt giống rau các loại, 300 khay gỗ bằng lăng và những bao phân bón giàu chất dinh dưỡng cho cây rau. Ông Hảo cùng hai kỹ sư nông nghiệp bồn chồn theo nhịp con tàu đi, mong nhanh tới đích.
Giọng ông Hảo trầm trầm: “Trưa 23-4-1991, tàu tới địa phận đảo Nam Yết. Tôi cùng hai sọt bí xanh làm quà theo xuồng con do các chiến sĩ hải quân trên đảo ra đón. Bất ngờ một chàng lính trẻ thản nhiên bỏ quả bí xanh to bằng cổ chân vào trong ngực áo. Tôi lặng lẽ để ý anh này. Vào nhà, quả bí ngay lập tức được cắt thành 7 khúc. Cả 7 anh lính đảo ăn bí sống sồn sột. Đã qua nửa đời người mà tôi chưa nhìn thấy cái sự ngon miệng như thế bao giờ. Bị “bắt quả tang”, cả 7 anh lính đứng lặng nhìn tôi, thú tội: “Con thèm quá, bố ơi! Chúng con đã lỡ miệng rồi! Đến bữa, chúng con sẽ không ăn món bí, để cho đồng đội ăn!”. Tôi bước đi mà không sao cầm được nước mắt”-ông Hảo vừa thuật chuyện vừa dụi dụi mắt.
    |
 |
Chiến sĩ đảo Tiên Nữ chăm sóc vườn rau. Ảnh: TUẤN TÚ. |
Hôm ấy, vừa ăn cơm chiều xong, ông Hảo đến thăm một phân đội, tặng họ hạt giống rau cải củ và “mở lớp” tập huấn 15 phút về cách trồng, chăm bón... Ngay sau đó, trong khi chờ xem buổi chiếu phim ngoài trời (chỉ khi tàu ra mới có), lính ta hò nhau làm đất gieo hạt. Chiến sĩ Quân người Thái Bình hớn hở nói với ông: “Ở nhà, con đã ăn rau củ cải non, ngon và bùi lắm. Gieo hạt sớm một đêm sẽ có rau ăn sớm hơn một ngày!”.
Sáu ngày sau, những cây rau đã cao được chừng 5cm, xanh tươi, đều tăm tắp. Ông Hảo rộn lên trong lòng niềm vui khôn tả. Cảm xúc ấy cùng những tư liệu mới mẻ mà ông chứng kiến trong 20 ngày khảo sát, thực nghiệm tiếp sau ở các đảo, lâng lâng theo ông về đất liền…
Trung tuần tháng 5-1991, trên cơ sở những dữ liệu mà ông Hảo báo cáo trước hội nghị, lãnh đạo TCHC quyết định xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất ở Trường Sa, ưu tiên chương trình rau xanh, nhấn mạnh: Kết quả đến đâu nhân nhanh đến đấy. Tuyệt đối không để bộ đội mất niềm tin. Tháng 11-1993, đề tài “Trồng rau trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa” do Đại tá, kỹ sư Nguyễn Hữu Hảo làm chủ nhiệm được nghiệm thu, đạt loại xuất sắc, nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng. Cùng với đó là những đợt vận chuyển vật tư, nguyên liệu ra Trường Sa để xây bể chứa nước ngọt, làm các vườn rau theo tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trong đề tài…
Năm 1995, ông Hảo ra quần đảo Trường Sa nắm tình hình thực hiện đề tài, tận mắt thấy số lượng rau tăng gấp bội, tính bình quân theo đầu người/ngày, đảo Nam Yết đạt 140g. Đảo chìm Đá Tây đạt ngang với các đảo nổi: 100g. Nhiều vườn rau không kém ở đất liền, có cả rau cải Đông Dư muối dưa ngày Tết. Bí xanh, bí đỏ, mướp cùng các loại rau xen kẽ theo mùa làm phong phú thêm bữa ăn hằng ngày. Đảo Song Tử Tây đã có cây đu đủ. Ở các đảo chìm còn có những khay rau sam để phòng khi giông bão, các thứ rau khác bị tàn phá, thì vẫn còn cây rau sam “cành tím hoa vàng” bên chàng lính đảo thân thương! Kết thúc chuyến đi ấy, ông Hảo hãnh diện cài trên ngực áo tấm Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” do Bộ tư lệnh Hải quân tặng. Năm 1997, đề tài “Trồng rau trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa” được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
PHẠM XƯỞNG