QĐND - Năm 1966, trong khi nhiều đoàn xe của ta trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn bị không quân địch đánh phá ác liệt, Bộ Quốc phòng nhận được bức thư của một thương binh là lái xe Đoàn 559. Anh bị thương, mất hai chân và đang điều trị tại một trạm quân y phía Nam. Trong thư, anh xót xa kể rằng do ta chưa trang bị loại đèn có khả năng ngụy trang ánh sáng nên đã bị máy bay Mỹ phát hiện, rồi anh khẩn thiết đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo ra loại đèn phù hợp, để những đồng đội của anh không phải chịu thương vong. Bức thư được chuyển đến Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện và Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Từ bức thư này, một “công trình bí mật” đã được cấp trên giao cho Cục Quản lý xe…

Kỹ sư Phạm Gia Nghi bên chiếc “đèn rùa” do ông tham gia nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: Quang Huy.

Để đáp ứng tiếng gọi từ Trường Sơn và triển khai nhiệm vụ cấp trên giao cho Cục Quản lý xe máy, Cục trưởng Vũ Văn Đôn trực tiếp chỉ đạo nhóm kỹ sư của cục gồm: Thiếu úy, kỹ sư Phạm Gia Nghi, Đại úy, kỹ sư Trần Văn Hải nghiên cứu thiết kế, chế tạo một loại đèn đặc dụng; trong quá trình nghiên cứu công trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện và Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đại Nghĩa.

Năm 1966, Cục Quản lý xe sơ tán về Chùa Hà, đóng quân trong khu Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Hằng ngày, chúng tôi làm việc tại chùa, khi màn đêm buông xuống, nhóm công trình lại trở về khu nhà để xe ô tô của Tổng cục Hậu cần trong Thành Hà Nội để đo đạc, thử nghiệm các loại đèn. Trước đó, các lái xe Trường Sơn thường sử dụng những loại đèn ngụy trang do nước ngoài viện trợ. Song, những loại đèn này đã không còn che mắt được các thiết bị trinh sát, oanh tạc của máy bay hiện đại. Họ từng nghĩ ra mẹo: Lấy ống bơ sữa bò, đưa vào đó một bóng đèn rồi lắp dưới gầm xe. Xe chạy theo quầng sáng của “bơ đom đóm” ấy và được gọi là “đèn gầm”, nhưng loại đèn này chỉ phát huy tốt trên đường bằng bởi khi lội suối, đèn bị nước làm hỏng, khi leo dốc, đèn lại hắt sáng lên trời và bị máy bay địch phát hiện. Nhóm đã khảo sát tất cả các loại đèn quân sự, kể cả đèn hồng ngoại dùng trên xe tăng. Trải qua hàng trăm lần thử nghiệm, chúng tôi đã chế tạo 10 mẫu đèn tại Nhà máy Z157 rồi đưa lên Trường Lái xe Quân đội 255 để lắp đặt lên 10 xe ô tô chạy trên vùng đồi núi Đá Chông, Ba Vì. Xe chạy thành đoàn, qua nhiều đoạn dốc cao và dài, xe nọ cách xe kia 20m. Đầu và cuối đoàn là hai xe bật đèn pha để báo hiệu chiều dài cần khảo sát. Cùng lúc đó, một máy bay quân sự chở Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ cùng một số cán bộ, kỹ sư đã bay hai giờ liền để quan sát. Kết quả là máy bay đã không hề phát hiện được ánh sáng từ 10 chiếc xe có lắp đèn đặc dụng.

Sau khi thử nghiệm thành công, đèn tiếp tục được đưa vào kiểm chứng tại chiến trường. Năm ấy, đợt thử nghiệm được tổ chức vào đúng dịp Tết Đinh Mùi (1967). Ngoài 10 chiếc đèn mang theo, Cục Quản lý xe đã chọn một xe ô tô GAZ-63 mới nguyên, lắp đèn đặc dụng vào để tự thử nghiệm trên đường vào Trường Sơn. Đoàn khảo sát gồm tôi và các anh: Đỗ Ngọc Trọng, Đỗ Hiền Hưởng, Nguyễn Công Hoa, Đỗ Trọng Tường, Nguyễn Công Ngân… sau một tuần chạy thử nghiệm, vượt qua nhiều trọng điểm có đủ loại máy bay Mỹ sục sạo, đánh phá mà vẫn không bị chúng phát hiện ra. Mờ sáng mồng 5 Tết Đinh Mùi, đoàn vào đến Bộ tư lệnh Trường Sơn, mang niềm vui đến cho cả chiến trường. Tại đây, Bộ tư lệnh lại tiếp tục giao cho Binh trạm 1 tổ chức lắp và chạy thử nghiệm trên 5 xe ô tô của Tiểu đoàn 52 và 5 xe ô tô của Tiểu đoàn 102, những địa bàn địch đánh phá ác liệt nhất. Đêm đến, 10 xe thử nghiệm đã băng qua các trọng điểm một cách an toàn. Tôi và các thành viên trong đoàn khảo sát đã chia nhau ngồi trên các xe, cùng vượt qua các trọng điểm, cùng chấp nhận nguy hiểm với các chiến sĩ lái xe và giúp họ tin tưởng rằng: Xe có thể chạy an toàn mà không bị máy bay địch phát hiện.

Sau đợt khảo sát thành công, đoàn chúng tôi được lệnh ra Hà Nội báo cáo kết quả để cấp trên cho phép sản xuất hàng loạt. Tháng 10-1967, hàng trăm nghìn chiếc đèn đã được sản xuất để sử dụng cho tất cả các đơn vị vận tải trên đường Trường Sơn. Chín nhà máy, cơ sở trong và ngoài quân đội được trưng dụng sản xuất suốt ngày đêm. Cục Quản lý xe đã tổ chức lắp cho tất cả các xe điều vào Trường Sơn ngay tại kho của đội tiếp nhận trực thuộc cục ở Lạng Sơn. Từ đó, chiếc đèn đặc dụng đã được gọi với các tên: “Đèn rùa”, “đèn ngụy trang ánh sáng”, “đèn C35”… Toàn bộ chiến trường từ Khu 4 trở vào đều sử dụng “đèn rùa” và các đoàn xe đã tạo nên những “dòng sông trăng” dập dềnh, cần mẫn, len lỏi khắp mọi nẻo đường. “Đèn rùa” được lính lái xe Trường Sơn ví như “chiếc đèn thần”, “chiếc đèn cứu sinh” giúp họ tránh thương vong.

Do những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến, năm 2005, nhóm tác giả của công trình đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Cũng từ năm 2005, “công trình bí mật” năm xưa đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để phục vụ khách tham quan, cũng là để chúng tôi và các chiến sĩ lái xe Trường Sơn có dịp nhớ lại một thời từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

PHẠM GIA NGHI (Nguyên Chủ nhiệm công trình “Thiết kế, chế tạo đèn đặc dụng”-Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005)