QĐND - Sau khi khánh thành (tháng 5-2015), Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào ở Pắk Soòng (Chăm-pa-sắc, Lào) liên tục đón nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta và nước bạn Lào đến dâng hương. Nhiều hoạt động sôi nổi của nhân dân các bộ tộc Lào cũng diễn ra tại đây.

Tôn tạo di tích của tình hữu nghị

Trong Hội nghị Quân chính Quân khu 5 cuối năm 2013, sau khi nghe đồng chí Thiếu tướng Trần Quang Phương (hiện nay là Trung tướng), Chính ủy Quân khu 5 triển khai chỉ thị của Bộ Quốc phòng về tôn tạo di tích trên từng địa bàn hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2014), Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào, đơn vị có nhiệm vụ xây dựng kinh tế-quốc phòng trên đất bạn Lào đã nêu ý tưởng tu tạo Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào tại huyện Pắk Soòng. Đài tưởng niệm được bạn xây dựng từ năm 1984 nhưng quy mô thấp, nhỏ, tường rào gỗ đơn sơ, không có khuôn viên hay cổng ngõ. Ý tưởng trùng tu lại di tích được Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhất trí thông qua và báo cáo lên Tổng cục Chính trị.

Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Tại buổi làm việc tháng 3-2014 giữa đoàn đại biểu Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Việt Nam do Trung tướng Đào Duy Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn, với đoàn đại biểu Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào, do Thiếu tướng Vị Lay Lạ Khăm Phong, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu, hai bên nhất trí sẽ nâng cấp Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào ở Chăm-pa-sắc cùng với đài tưởng niệm ở 3 tỉnh khác phù hợp với truyền thống văn hóa và tương xứng với sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từ dự án nhỏ ban đầu, công trình ở Chăm-pa-sắc được nâng cấp lên gấp nhiều lần với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào là người có ý kiến quan trọng nâng cấp tượng đài cả chiều cao, chiều rộng lên gấp rưỡi như hiện nay. Được khởi công trong tháng 8-2014, trên diện tích hơn 4ha, bao gồm 13 hạng mục, gồm hai trụ tháp bút cao 11m, đường kính 13m, một cụm phù điêu cao 4,5m, rộng 9m, một nhà điều hành, một nhà trưng bày, cùng nhiều hạng mục sân vườn, hệ thống điện nước… Đài tưởng niệm đã trở thành quần thể đẹp, xanh tươi và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong khuôn viên, có nhà trưng bày hình ảnh về tình hữu nghị giữa hai nước do Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 thiết kế, thu hút rất đông khách đến tham quan. Hiện nay, Xí nghiệp 261 của Công ty 206 tiếp tục dự án cải tạo với các công trình xây dựng hồ nước, vườn hoa, trồng cây bóng mát và ăn trái. Không bao lâu nữa, nơi đây sẽ là trung tâm tham quan của tỉnh Chăm-pa-sắc và là địa chỉ đỏ của nước bạn Lào.

Tình đồng chí trên cao nguyên Bô-lô-ven

Đại úy Bun Xu Sủn Thon Thăm Ma Vông, quyền Chỉ huy trưởng quân sự huyện đội Pắk Soòng là người nhiều năm nay đồng hành cùng Đội K53, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum tìm hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn. Ông có vốn tiếng Việt kha khá để có thể bày tỏ cảm xúc của mình: "Tượng đài được bộ đội Việt Nam tôn tạo đẹp, ai cũng phấn khởi. Chúng tôi được UBND huyện giao trông giữ, bảo vệ, chủ trì các hoạt động dâng hương của các đoàn đến đây. Có ngày đón cả chục đoàn từ các nơi trong nước và từ Việt Nam đăng ký thăm. Huyện đội cũng tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hoạt động hữu nghị vào ngày 20-1, thành lập Quân đội nhân dân Lào, ngày 22-12, thành lập QĐND Việt Nam, hay các ngày Tết của hai nước. Lúc ấy không khí rộn ràng lắm”.

Ông Bun Xu In Xỉ Xiêng Pon, Phó chủ tịch Hội CCB huyện kể lại kỷ niệm sâu sắc với Quân tình nguyện Việt Nam khi là chiến sĩ của Huyện đội Pắk Soòng. Đó là thời điểm 1966-1967 vô cùng ác liệt. Ông dẫn đường cho một đại đội quân tình nguyện, không nhớ phiên hiệu, chỉ nhớ bác Tài là người chỉ huy (sau này đã hy sinh) tấn công nhiều mục tiêu trên địa bàn giáp ranh huyện Lầu Ngăm và Pắk Soòng. Ngày đó chỉ có rau rừng, khoai bắp qua bữa cùng với loại môn rừng phải ngâm tro một ngày mới nấu ăn được. Có lần cả đơn vị đi chiến đấu về đói quá, không kịp ngâm tro mà nấu ăn luôn, mọi người đều say lả, tưởng không qua khỏi. Giọng ông Bun Xu In Xỉ Xiêng Pon nghèn nghẹn: “Bộ đội Việt Nam đã vì nhân dân Lào mà chịu gian khổ, hy sinh. Tình cảm ấy làm sao chúng tôi quên được. Hôm dâng hương tại Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào, tôi chỉ niệm ước được một lần gặp lại những người bạn chiến đấu năm xưa”.

Có mặt ở đài tưởng niệm hôm chúng tôi đến là một vị khách đặc biệt từ Việt Nam. Đó là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5. Từng là Đại đội trưởng trinh sát của Sư đoàn 2, chiến đấu ở cao nguyên Bô-lô-ven năm 1971, ông đã tự tay chôn cất nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị mình ngã xuống ở đất này. Với tiếng Lào thành thạo và trí nhớ tốt của một cán bộ trinh sát, ông có hàng chục chuyến đi tìm hài cốt đồng đội bên đất bạn, tuy nhiên vẫn chưa thể nào đưa hết các anh về quê hương. Như ông nói, hành trình đi tìm liệt sĩ vẫn còn tiếp diễn.

Tại Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào, những cây chăm-pa do các đồng chí lãnh đạo hai nước trồng đã bắt đầu đơm hoa. Nhiều du khách đến đây không khỏi ngạc nhiên khi vùng này xứ lạnh mà cây vẫn bén rễ xanh tươi. Như tình hữu nghị giữa hai nước vượt qua bao thử thách vẫn nồng nàn và bền sâu…
Bài và ảnh: HỒNG VÂN