QĐND - Sự kiện và Nhân chứng, đặc san (sau này gọi là nguyệt san) của Báo Quân đội nhân dân phát hành số đầu tiên vào năm 1994. Công tác viết bài, biên tập của ấn phẩm này lúc đầu được “chia” cho các phòng biên tập trong tòa soạn đảm nhiệm. Mãi đến năm 1998, Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng mới chính thức được thành lập do Đại tá Lê Liên làm Trưởng phòng. Hai biên tập viên đầu tiên của phòng là Thượng tá (sau là Đại tá) Nguyễn Hải Đức từ Phó trưởng phòng Thư ký Tòa soạn chuyển về và tôi từ phóng viên Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính chuyển đến.
 |
Biên tập viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng được chụp ảnh với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Ảnh: Hải Đức.
|
Khi mới ra đời, Sự kiện và Nhân chứng trở thành “sự kiện” trong làng báo bởi số lượng phát hành tăng vùn vụt. Có những số sau khi phát hành rồi, lại phải in thêm vì nhu cầu của bạn đọc. Nhưng vài năm sau, số lượng phát hành giảm dần do phần lớn các sự kiện lớn, các nhân chứng đặc sắc đã được giới thiệu. Từ đồng chí Trưởng phòng tới các phóng viên, biên tập viên trong phòng trăn trở tìm cách đổi mới ấn phẩm này để lấy lại độc giả. Đúng lúc đó, tôi và anh Hải Đức tình cờ gặp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã dạy chúng tôi cách viết, cách làm cho Sự kiện và Nhân chứng hay hơn, đúng hơn.
Đó là một ngày giáp Tết Kỷ Mão (năm 1999), tôi cùng anh Nguyễn Hải Đức đến làm việc với nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An tại nhà riêng của ông ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) về các nhân chứng lịch sử liên quan đến bức ảnh nổi tiếng: Bác Hồ tại Mặt trận Đông Khê năm 1950. Mấy bác cháu đang say sưa trao đổi thì chuông điện thoại réo vang. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An nghe điện thoại xong, nói với chúng tôi:
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chuẩn bị đến đây.
Nghe thấy thế chúng tôi xin ở lại để được gặp vị Đại tướng huyền thoại. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đồng ý. Một lát sau, chúng tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đến. Bác An giới thiệu chúng tôi với Đại tướng. Đại tướng bắt tay từng người và nói:
- Tôi thường xuyên đọc Báo Quân đội nhân dân. Tôi hoan nghênh Báo Quân đội nhân dân có thêm ấn phẩm Sự kiện và Nhân chứng. Phần lớn các bài viết trên Nguyệt san này đều sinh động và có tác dụng giáo dục tốt, nhất là giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho bộ đội và học sinh, sinh viên. Các đồng chí cố gắng làm hay hơn, hấp dẫn hơn nhé. Cần lưu ý là cũng có những địa danh, tư liệu, số liệu các đồng chí đưa vào ấn phẩm này chưa được chính xác đâu.
Nghe Đại tướng nói, chúng tôi thấy ấm lòng. Anh Hải Đức mạnh dạn thưa:
- Báo cáo Đại tướng, chúng tôi rất muốn làm Sự kiện và Nhân chứng hay hơn, hấp dẫn hơn, nhưng sau gần 5 năm, các sự kiện lớn và nhân chứng lịch sử quan trọng đều đã được giới thiệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười:
- Các sự kiện lớn bao gồm nhiều sự kiện nhỏ. Mỗi sự kiện dù lớn nhỏ đều có các nhân chứng. Mỗi nhân chứng có thể nhớ những chi tiết làm nên sự kiện. Báo chí hấp dẫn bạn đọc bởi các chi tiết hay. Các đồng chí cứ khai thác theo cách này thì chẳng bao giờ cạn sự kiện, cạn nhân chứng. Đó là chưa kể các sự kiện mới.
Tôi nói thêm:
- Thưa Đại tướng! Thực tế biên tập bài của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, cháu thấy, có khi cùng một sự kiện, cùng một trận đánh, nhưng có nhân chứng nói thế này, có nhân chứng lại nói khác. Trong trường hợp đó thì xử lý như thế nào ạ?
Đại tướng trả lời:
- Đồng chí hãy tưởng tượng trong một chiến dịch, lực lượng công binh mở đường sẽ nhớ rõ được diễn biến xảy ra khi mở đường, lực lượng pháo binh sẽ nhớ rõ được thời điểm bắn pháo. Nếu anh pháo binh mà kể lại chuyện công binh thì phải đối chiếu với lời kể của công binh. Nếu công binh mà kể về pháo binh cũng phải đối chiếu với lời kể của pháo binh. Mũi chính diện mà kể chuyện về mũi vu hồi thì cũng phải đối chiếu. Thời gian làm cho một số người quên đi các chi tiết của từng trận đánh, từng sự kiện, các đồng chí hãy gợi cho các nhân chứng nhớ lại và đối chiếu với lịch sử của từng địa phương, đơn vị. Nếu “vênh” nhau thì cần phải trao đổi lại với các nhân chứng.
Hôm ấy, tôi và anh Hải Đức còn được Đại tướng và Phu nhân tặng quà Tết, đó là thiệp Chúc mừng năm mới có chữ ký của hai vợ chồng Đại tướng và hai thanh sô-cô-la.
Sau khi gặp Đại tướng, tôi và anh Hải Đức đã báo cáo lại nội dung lời dạy của Đại tướng với Trưởng phòng Lê Liên, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Phạm Huy Khảo (người được Đảng ủy và Ban biên tập phân công phụ trách Nguyện san Sự kiện và Nhân chứng). Ngay trong cuộc họp chi bộ đầu Xuân Kỷ Mão (năm 1999), nhân kỷ niệm 5 năm Ngày ra đời Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, anh Lê Liên, trên cương vị Bí thư chi bộ đã chính thức xây dựng đề án đổi mới Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng theo định hướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
ĐỖ PHÚ THỌ