QĐND - Thiếu tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lại Văn Hòa (Viện trưởng Viện 69, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), đã có thâm niên 36 năm canh giấc ngủ cho Người. Với ông, cảm giác lâng lâng hạnh phúc xen lẫn tự hào khi thấy những đoàn người vào Lăng viếng Bác mỗi ngày, luôn thôi thúc phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa thực hiện nhiệm vụ đặc biệt được giao, để đoàn người kia sẽ nối dài mãi mãi và ngày vui của dân tộc như luôn có Bác kính yêu…

Chuyên gia và cán bộ y tế Việt Nam pha chế lô dung dịch đặc biệt đầu tiên tại Viện 69, tháng 3-2004. Ảnh tư liệu.

Dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng Thiếu tướng Lại Văn Hòa vẫn mải miết với những lo toan, trăn trở khi đảm nhiệm trọng trách của người trực tiếp làm nhiệm vụ đặc biệt “giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ”. Từ những ngày đầu mới về đơn vị, khi ấy, cơ sở của Viện 69 chỉ có một ngôi nhà cấp 4 nằm sau Lăng Bác Hồ, trụ sở chính vẫn đặt ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Viện 108), điều kiện cơ sở vật chất eo hẹp, hầu hết công tác chuyên môn đều phải nhờ tới sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài. Đến nay, sau gần nửa thế kỷ với những bước đi vững chắc, ông đã cùng tập thể cán bộ y, bác sĩ của Viện 69 hoàn toàn có thể tự hào với những gì đã làm được.

Thiếu tướng Lại Văn Hòa nhớ, không có bất kỳ ngoại lệ nào khi về công tác tại Viện 69, những chữ vàng “Nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác” trong thực hiện công việc liên tục được các bậc tiền bối truyền đi, truyền lại và yêu cầu bắt buộc phải ghi nhớ. Ông kể: “Năm 1978 tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi cùng ba đồng chí nữa nhận quyết định về công tác tại Viện 69. Lúc đó chỉ biết đây là một đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn nhiệm vụ cụ thể thế nào hoàn toàn là bí mật. Khi được lớp đàn anh giới thiệu về công việc và đưa đến “gặp” Bác, tôi đã xúc động đến nghẹn lời. Dù chưa từng được gặp khi Bác còn sống nhưng như tất cả người dân Việt Nam, trong tôi, Bác luôn là người cha, người ông muôn vàn kính yêu. Ngay từ giây phút đó, tôi tự hứa với mình thực hiện đầy đủ những chữ vàng kia, cùng đồng đội học tập, làm việc tốt, xứng đáng với trọng trách được giao”.

Thiếu tướng Lại Văn Hòa (đứng thứ 4, từ trái sang) chụp ảnh cùng các viện sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va năm 1999. Ảnh Trung Ngọc.

Lại Văn Hòa được bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, hồi đó là Viện trưởng Viện 69 phân công trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm môi trường trong Lăng được vô trùng tuyệt đối, hỗ trợ các chuyên gia Nga và viện bảo đảm việc pha chế thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn theo định kỳ hằng năm. Ông ý thức rất rõ rằng, được chọn vào đội ngũ những người canh giấc ngủ cho Bác, ngoài tay nghề, những y, bác sĩ còn phải có tâm lý vững vàng, tình cảm sâu sắc bởi công việc này không chỉ được thực hiện bằng bàn tay và khối óc, mà phải bằng cả con tim kính trọng, yêu thương vô bờ bến dành cho Bác. Để hoàn thành nhiệm vụ, cách duy nhất là vừa học vừa hành. Bác sĩ Hòa sang Viện 108-nơi đầu tiên giữ gìn thi hài Bác Hồ học chuyên ngành Sinh-Hóa để hiểu và phân tích về các protein, enzym... của cơ thể cũng như các thành phần hóa học để bảo quản thi hài. Ngoài giờ học, ông vào Lăng làm bác sĩ phụ việc hoặc nghiên cứu tài liệu trên thư viện, thực nghiệm tại phòng thí nghiệm. Những ngày đó, thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại nhưng ông nhất định không nản lòng, e ngại. 

Sau 10 năm kiên trì học tập, thực nghiệm, làm nghiên cứu sinh và trợ lý hỗ trợ-đứng xem các chuyên gia Nga pha chế thuốc, bác sĩ Hòa đã tường tận những công dụng của thuốc với các tế bào, cũng như thành thạo các công đoạn làm thuốc để bắt đầu cho lần đầu tiên trực tiếp làm thuốc trên cơ thể Người. Khi đó, ông vừa được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Sinh-Hóa của viện. Ông xúc động kể: “Trước giờ làm thuốc, đồng chí Viện trưởng Đỗ Văn Dai gặp và động viên phải bình tĩnh, tự tin, động tác phải chuẩn mực. Tôi dù trước đó đã từng nhiều lần thử nghiệm nhưng cũng không tránh khỏi xúc động lẫn lo lắng. Lúc này, tôi đang được gần Bác hơn bao giờ hết, một cảm giác ấm áp lạ thường… Sau hai tiếng đồng hồ, tôi đã hoàn tất công việc trước sự chứng kiến, quan sát của tổ chuyên gia Nga”.

Sau lần đó, ông chính thức đảm nhiệm công việc làm thuốc trực tiếp trên thi hài Bác. Đến nay vừa tròn 26 năm, dù đang ở cương vị người đứng đầu Viện 69, Thiếu tướng Lại Văn Hòa vẫn hằng tuần trực tiếp làm thuốc chăm sóc thi hài Bác. Tuy đã quen việc nhưng Tiến sĩ Hòa chưa một giây phút nào lơ là công việc. Luôn có những trăn trở cần được giải quyết như: Làm thế nào để sự chiếu sáng, môi trường xung quanh không ảnh hưởng đến cơ thể Bác, nhất là vào những dịp lễ, Tết, thời gian chiếu sáng kéo dài khi hàng nghìn lượt người vào Lăng? Phải làm sao để khuôn mặt, làn da, chòm râu, mái tóc của Bác Hồ vẫn giữ được nét đặc trưng như khi Người còn sống trong điều kiện mỗi năm phải làm thuốc trên cơ thể hàng trăm lần?… Từ những trăn trở này, ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài khoa học, trong đó đưa ra những giải pháp thiết thực, khắc phục ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên lên thi hài Bác Hồ. Thành công của các đề tài này không những có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn đánh dấu bước phát triển của Viện 69. Nhất là sau ngày 29-4-1995, khi các chuyên gia y tế thường xuyên của Liên bang Nga kết thúc thường trực tại Việt Nam, mọi công việc làm thuốc định kỳ và làm thuốc thường xuyên chăm sóc thi hài Bác do Viện 69 hoàn toàn đảm nhiệm.

Trong thời điểm khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện 69 đã chủ động cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va, cơ sở giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác từ những ngày đầu, đề nghị giúp đỡ. Kết quả là, không những tiếp tục giúp đỡ chúng ta đầy đủ về trang thiết bị, vật tư, hóa chất mà bạn còn từng bước bồi dưỡng, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trong Viện 69 nắm chắc hơn công nghệ ướp, bảo quản lâu năm về mặt sinh hóa, hình thái học, môi trường. Đồng thời, sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2004, Viện 69 đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va pha chế thành công lô dung dịch đầu tiên tại Việt Nam đủ tiêu chuẩn phục vụ việc chăm sóc thi hài Bác Hồ. Đến nay, sau 11 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt phục vụ nhiệm vụ làm thuốc thi hài Bác, cùng với việc chú trọng quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ với 100% cán bộ, nghiên cứu viên của viện có trình độ đại học và sau đại học; 50% kỹ thuật viên có trình độ đại học và sau đại học. Nhiều cán bộ, nhân viên có 2-3 bằng đại học, sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ; quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại…, có thể khẳng định: Từ pha chế dung dịch đến việc làm thuốc hằng tuần đối với thi hài Bác, vận hành các thiết bị để giữ nhiệt độ, độ ẩm hay các nghiên cứu bảo vệ thi hài lâu dài, giờ đã được các nhà khoa học, bác sĩ, cán bộ của Việt Nam chủ động thực hiện. “Với tấm lòng thành kính với Bác, tập thể cán bộ, y, bác sĩ Viện 69 chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trạng thái tốt nhất để con cháu Người luôn được quây quần quanh Bác, nhất là trong những ngày vui của đất nước”-Thiếu tướng, Viện trưởng Lại Văn Hòa khẳng định.

VIỆT TÙNG – TRUNG NGUYÊN