Đây là địa danh gắn liền với sự ra đời và những chiến công vang dội của quân dân Khu 8, dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng tài ba Trần Văn Trà. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, di tích Bắc Chan hiện nay vẫn trong cảnh đìu hiu…

Tháng 3-1946, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo gấp rút củng cố lại Khu 8 trước sức tiến công ác liệt của giặc Pháp. Theo đó, đồng chí Trần Văn Trà, Chính trị ủy viên (chính trị viên) Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa được điều về giữ chức Khu bộ trưởng, thay đồng chí Đào Văn Trường; đồng chí Nguyễn Văn Vịnh là Chủ nhiệm chính trị bộ. Sau khi đi các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Chợ Lớn nắm tình hình, đồng chí Trần Văn Trà triệu tập một hội nghị ở Bến Kè (nay thuộc thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Hội nghị quyết định xây dựng Đồng Tháp Mười thành căn cứ địa, giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trí phụ trách xây dựng; thống nhất lực lượng vũ trang các tỉnh để xây dựng Khu 8. Từ hai trung đội được trang bị mạnh do đồng chí Trần Văn Trà dẫn về, lực lượng vũ trang của khu được xây dựng thành Chi đội 14.

leftcenterrightdel
Di tích Bắc Chan hiện tại chỉ có một nhà bia tưởng niệm khá sơ sài.

Việc tìm và lựa chọn được một địa điểm để lập căn cứ của khu và xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng và cấp bách. Kế thừa những kinh nghiệm lịch sử quý báu về căn cứ địa chống Pháp của các bậc tiền bối như Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều trên đất Tháp Mười những năm 1864-1866, với sự giúp đỡ tích cực của ông Nguyễn Văn Lại, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Mộc Hóa, Nguyễn Văn Trí đã nghiên cứu thực địa và đề xuất chọn vùng Bắc Chan, xã Tuyên Thạnh làm căn cứ. Tương truyền, địa danh Bắc Chan được đọc trại từ chữ Trpach (chỉ cái đầm to rộng) của người Khmer xưa kia. Nơi đây có nhiều vườn cây rậm rạp, tràm mọc thành rừng và sẵn các kênh rạch như: Rạch Cá Rô, rạch Cát, rạch Cả Sậy, rạch Gò Ớt… Đặc biệt là rạch Bắc Chan chạy dài từ Vàm Cỏ Tây đến cống Biện Minh (Hậu Thạnh), nối liền với kênh Dương Văn Dương, tạo thành tuyến giao thông thủy cực kỳ lợi hại, bảo đảm an toàn trong thế tiến thoái cơ động của lực lượng cách mạng.

Nhằm tạo dựng tiềm lực trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, để giúp trụ vững và kháng chiến lâu dài trên Chiến khu Đồng Tháp Mười, Khu bộ Khu 8 huy động mọi nỗ lực của tập thể và cá nhân để xây dựng tại Tuyên Thạnh một số cơ sở vật chất thiết yếu cho vùng căn cứ địa. Đó là bệnh viện, công binh xưởng, cơ quan khu bộ. Một bệnh viện gồm 3 dãy nhà được dựng lên bằng những cây tràm, lợp bằng đưng, một loại cây mọc ở đầm lầy và lác, tọa lạc trên đất nhà ông Võ Hữu Chí, do y sĩ Võ Tấn Ca học bên Pháp về làm Bệnh viện trưởng. Bệnh viện này đã phục vụ khá tốt cho chiến trường Khu 8. Văn phòng của Khu bộ trưởng Trần Văn Trà cũng đóng ở Bắc Chan để tiện việc quán xuyến, lãnh đạo, chỉ huy.

Trên đất nhà bà Võ Thị Dọn và Nguyễn Văn Tắc, để phục vụ cho công tác hành chính của khu bộ, một xưởng sản xuất giấy cũng được hình thành, đi vào hoạt động. Với nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào như: Bàng, tràm, đưng, lác…, anh chị em công nhân đã kỳ công chế biến ra được một loại giấy có thể dùng để viết và in ấn. Tại căn cứ Bắc Chan có hai bộ phận của công binh xưởng, đó là xưởng rờ-sạc (recharge) chuyên tái chế, nhồi lại đạn, sửa chữa súng và bộ phận tiện nguội, gò, hàn… Xưởng rờ-sạc được dựng bằng cây tràm, lợp lá, trên khu đất rộng hơn 3.500m2 của nhà ông Trần Văn Viễn, ấp Bắc Chan 2. Khi có biến động, anh em có thể nhanh chóng hạ xuống và ngụy trang các thiết bị theo phương châm “tiểu quy mô, cơ động linh hoạt, dễ di chuyển” phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Bộ phận đốt than, tiện nguội, lò rèn nằm trong cơ ngơi của ông Lâm Văn Mười, cùng ấp. Từ đây, Xưởng rờ-sạc Bắc Chan trở thành nơi cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Khu 8 hoạt động trên chiến trường, đồng thời góp phần khai sinh ngành quân giới Nam Bộ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Không chỉ có các cơ sở vật chất phục vụ kháng chiến, Bắc Chan còn là nơi tập trung luyện quân chiến đấu. Các đơn vị đóng quân trong khuôn viên nhà ông Lâm Văn Ngô. Dựa chắc vào dân, xây dựng thế trận lòng dân được Khu 8 vận dụng sáng tạo từ rất sớm. Một số đơn vị được huấn luyện ở Bắc Chan trở về đã đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu như trận kênh 12, diệt gọn một lực lượng quân Pháp tiến xuống từ ngã tư Lơ-grăng (Lagorange)…

Di tích Bắc Chan là nơi ghi dấu nhiều sự kiện hào hùng của Khu 8 nói chung, của Mộc Hóa-Tân An nói riêng trên Chiến khu Đồng Tháp Mười thời 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là điểm son sáng chói và là minh chứng cho tinh thần yêu nước, quật cường, tự lực tự cường của quân dân Khu 8, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ. Hơn 70 năm đã trôi qua, di tích Bắc Chan đang có nguy cơ rơi vào quên lãng. Trao đổi với đại diện lãnh đạo xã Tuyên Thạnh, chúng tôi hiểu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân ở đây rất mong mỏi khu căn cứ địa nổi tiếng một thời được phục dựng và tôn tạo, để “giữ lửa” cho muôn đời con cháu mai sau. Hiện tại, nơi đây chỉ có một tấm bia tưởng niệm sơ sài mới được dựng đầu năm 2016 trên một vuông đất nhỏ nhoi. Lực bất tòng tâm, việc phục dựng và tôn tạo nằm ngoài tầm của địa phương. Rất mong sự vào cuộc quyết liệt của Quân khu 7, của Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, của các bộ, ngành Trung ương… để có một Bắc Chan xứng tầm lịch sử.

Bài và ảnh: NGỌC MINH