QĐND - "Điện Biên Phủ", tổ hợp địa danh gồm đủ 3 từ này, xuất hiện hoàn chỉnh về mặt từ ngữ-với nghĩa là "phủ giữ vững biên cương"-vào năm 1841. Còn, hoàn chỉnh về địa bàn-gồm đủ 4 châu: Ninh Viễn, Tuần Giáo, Lai Châu và Quỳnh Nhai thì vào năm 1850.
Cơ sở và trung tâm của cái "Phủ", mang tên gọi với ngữ nghĩa "giữ vững biên cương" này, là khu vực "Mường Then". Và, địa bàn của khu vực "Mường Then" này, thì chính là "thành phố Điện Biên", cộng với "huyện Điện Biên", cùng với một phần "huyện Điện Biên Đông" bây giờ.
Các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra nhiều luận điểm về ngữ nghĩa và ngữ âm của hai từ "Mường Then". Trong khi thống nhất coi "Mường" là tên gọi của một hình thức tổ chức và đơn vị cư trú-hành chính cổ truyền đặc trưng của người Thái, thì "Then" lại được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng "Then" là biến âm của "Theng", mà âm gốc đọc là "Thêng", với nghĩa là "mặt ghế". Mường Then (Mường Theng, Mường Thêng) vậy là "Mường mặt ghế", tức: "Vùng đất đai bằng phẳng".
|
Một góc thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Ảnh: Minh Trường.
|
Nhiều người hơn, cho rằng "Then" trong tiếng Thái, là "Trời" ở tiếng Việt. Mường Then nghĩa là "Mường Trời", và được biến âm thành "Mường Thanh". Thời gian cùng nguyên nhân của biến âm này, được giải thích theo sự tích (huyền thoại) về "Khun Bó Rôm", thì đó là: "Then Luông" (Trời Lớn, Đấng tối cao) từ trên trời, thấy: Sau một cơn đại hồng thủy, loài người chết hết, mới cho người con út của ngài là Khun Bó Rôm và hai người vợ xuống trần gian dựng mường. Được một thời gian, Khun Bó Rôm đã tạo ra và cai quản được cả một vùng rộng lớn, dân cư đông đúc, gọi là Mường Then. Nhưng vì con người ăn ở với nhau có va chạm, hay kêu ca, réo gọi tên Then, nên Khun Bó Rôm không hài lòng. Vì sợ thế là trái ý Then Luông, nên mới đổi chữ Then thành chữ Thanh. Do đó, Mường Then có tên là Mường Thanh.
Na ná như thế, nhưng có một cách giải thích lại quy về sự tích "Cụ Ngu Hầu-Lò Lẹt", được cho là sống ở thế kỷ 13: Cụ Ngu Hầu khi ấy thấy Mường Then vốn là tên chỉ cõi ở của tổ tiên thiêng liêng, nếu con cháu cứ luôn nói mãi cái tên này, e tổ tiên sẽ nóng tai, mường bản sẽ không được yên, nên đặt ra lệ kiêng cữ, gọi Mường Then là Mường Thanh...
Huyền thoại vậy là đã tham gia chủ yếu vào việc giải thích địa danh ở Điện Biên Phủ. Cho nên, huyền thoại cũng sẽ (đã) là chủ lực của việc giải thích lịch sử ở miền đất và người "giữ vững biên cương" này.
Ngược về tới tận thời "tạo thiên lập địa" ở đây, cùng lúc với sự tích Khun Bó Rôm, còn có những sự tích rất hay về quả bầu của Then và các hoạt động khai phá kỳ vĩ của Ải Lậc Cậc.
Truyện Quả Bầu (Mak Tấu Pung) kể rằng, chính Then là người đầu tiên đã thả xuống vùng Mường Then một quả bầu. Quả bầu này, ngày nay đã hóa đá, để lại dấu tích ở bản Tấu Pung, xã Nà Tấu. Nhưng lúc mới được thả xuống, nó tươi tắn và khổng lồ đến mức chứa được cả "ba trăm ba mươi giống Xá, ba trăm ba mươi giống Thái, ba trăm ba mươi giống người khác, ba trăm ba mươi giống lúa dưới ruộng, ba trăm ba mươi giống cá dưới nước...". Then lấy chiếc dùi nung đỏ chọc thủng vỏ quả bầu để con người và loài vật lần lượt chui ra. Người Xá chui ra trước tiên, cọ phải nhọ than ở lỗ dùi, nên da có màu đen. Người Thái, người Mông, người Kinh... theo nhau chui ra sau, không bị dính nhọ than ở lỗ dùi nữa, nên da có phần trắng hơn.
|
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 36 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tìm tên anh trai Lê Đỗ Khôi tại văn bia liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh chụp năm 2004, do nhân vật cung cấp.
|
Truyện Ải Lậc Cậc nói về một người khổng lồ, cũng do Then sai xuống, lấy sức mạnh vô biên của mình mà khai phá đất đai: "Đường cày của Ải đủ để ngựa phi, ruộng cấy của Ải đủ chỗ cho hai chục con trâu lồng. Có lần Ải gánh than tro, hai bên gánh bị đổ, thành ra hai trái núi chính là "Pú Thán" ở Mường Phăng (huyện Điện Biên) và "Pú Tau" ở Mường Bắc (huyện Thuận Châu) ngày nay. "Pú Khẩu Chí" (ngọn núi hình nắm xôi) nay thuộc xã Sam Mứn ở huyện Điện Biên là nắm xôi đang ăn dở, Ải Lậc Cậc dùng để ném trâu phá lúa. Quãng giữa của dòng sông Nậm Rốm ở thành phố Điện Biên Phủ bây giờ không có sỏi đá, đó là do Ải làm nơi hòn đá (đánh) lửa, nên lấy chân gạt sỏi đá ở chỗ này, dồn về hai đầu sông để tìm. Rặng núi ở phía bắc thung lũng Mường Thanh (lòng chảo Điện Biên) ngày nay, là những xá cày còn dang dở của Ải. Bốn cánh đồng rộng lớn và tiêu biểu của cả miền Tây Bắc: "Nhất Thanh, nhì Lò, ba Than, bốn Tấc" đều là do công khai phá của Ải: Lấy Mường Then làm đất gieo mạ, đem đi cấy ở Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Than (Than Uyên), Mường Tấc (Phù Yên), vẫn thừa. Để cấy nốt chỗ mạ thừa đó, Ải lấy chân chà vào các miền đất, từ Mường Quai (Tuần Giáo) xuống Mường La (Sơn La), tới tận Mường Vạt (Yên Châu), tạo thành các vạt ruộng ở ven chân núi tại những nơi này.
Sau thời khai phá bằng những sức mạnh thiên nhiên kỳ vĩ được nhân cách hóa như thế, khu vực Mường Then trở thành một cõi địa đàng, có thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, có ba dòng sông Nậm Rốm, Nậm Núa, Nậm U phủ phù sa màu mỡ và tắm tưới phì nhiêu cho ruộng đồng. Thêm kỹ thuật dẫn thủy nhập điền: "Mương-Phai-Lái-Lịn" giỏi giang, nên: "Con người kiếm ăn dễ dàng, làm ít ăn nhiều, lúa hết lúa khắc về nhà, cá hết cá tự vào niêu; muốn gieo lúa, lúa tự bay vào ruộng mạ; muốn ăn quả, quả hiện ra trên cành...".
Cả đến những con vật cũng biết đến giúp loài người chuyện ăn ở trong cuộc sống thần tiên ấy. Chuyện kể rằng, người Thái Đen ở Mường Then xưa làm nhà, đến chỗ hai cái mái hồi thì không biết phải làm thế nào nữa. Đã định lên hỏi Then, thì bỗng có con rùa mách: Cứ theo hình cái mai của tôi mà làm! Thế là nhà người Thái Đen đến nay vẫn có hai mái hồi giống hình mai rùa. Còn người Thái Trắng, thường làm nhà ở ven sông, khi đang uốn cây để buộc mái hồi, chẳng may cây bật mạnh, làm một người ngã xuống sông chết. Thành ra phải dừng việc làm nhà để lại định lên hỏi Then. Nhưng đã có một con cua đến bảo: Cứ theo hình cái mai của tôi mà làm! Thế là từ đấy, nhà người Thái Trắng có hai đầu hồi hình mai cua...
Tuy nhiên, cuộc sống thuận tiện và hồn nhiên ở Mường Then xưa như thế, cũng lại khiến nảy sinh nhiều chuyện tranh giành, thèm khát chiếm đoạt cái xứ sở thần tiên này.
Mười chín đời chúa Lự đã rất công phu huy động dân chúng Mường Then, đắp nên tòa thành Sam Mứn (Tam Vua) chứa được đến ba vạn người (hoặc có ba vạn cái cối đá giã gạo nuôi quân) ở trung tâm cánh đồng Mường Thanh. Thế mà cũng không đủ sức chống lại bọn "giặc Phẻ" đến từ phía tây. Bọn giặc này rất hung ác, đánh nhau với quân của chúa Lự, khiến chết chóc hàng vạn người. Thây chết chất cao như núi, người sống chôn không xuể. Chúa Lự phải sai dùng sọt múc đất hất đổ lên trên đống thây để lấp. Thế là thành quả đồi "Pom Lót" (đồi Sọt Nhỏ) ngày nay. Lại sai xây chùa trên đồi để cầu cúng cho linh hồn người chết. Chính là ngôi chùa "Vạt Bua Hom" đang thấy trên đồi Pom Lót bây giờ.
Cánh đồng Mường Thanh còn nhiều dấu tích nữa của cuộc chiến gây ra từ bọn "giặc Phẻ". Bãi "Tông Khao" (ở cạnh quả đồi Độc Lập) là nơi bọn giặc này dồn trẻ em xuống rồi tháo nước vào cho chết ngập. Đến khi nước rút đi, trơ ra những đống xương trắng, vì thế mà thành tên "Tông Khao" (cánh đồng Xương Trắng). "Hồng Cúm" nguyên là một khe núi mà khi chạy bọn "giặc Phẻ", người ta đã phải vứt bỏ lại ở đấy những cái "cúm" (rương đan bằng mây để đựng đồ) mà thoát thân cho nhanh. "Khoong Ma Nao" lại là địa danh đánh dấu một chuyện bi hài: Có bà mẹ địu con chạy "giặc Phẻ" vội quá nên vơ nhầm con chó mà địu, đến chỗ này mới biết là nhầm, nên bỏ chó lại mà chạy...
Những cuộc chiến giữa các chúa người Lự và chúa người Thái ở một thời. Huyền thoại xưa cũng để lại nhiều sự tích và dấu tích trên đất Mường Then, trong đó "Pú Nang Non" (núi "Nàng Nằm") thuộc bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên gợi lại câu chuyện về vợ chúa Lự, khi chúa thua trận chúa Thái chạy trốn về Sìn Hồ (Lai Châu), đã theo chồng bôn tẩu đến chỗ này thì kiệt sức, phải nằm lại, rồi chết và hóa đá thành một dáng núi đẹp mà ngày nay, đứng trên cầu Pak Nậm, nơi con sông Nậm Rốm hòa nước cùng dòng Nậm Núa ở đầu cánh đồng Mường Thanh, nhìn về các dãy núi quanh hồ U Va, ai cũng phải ngây người nhìn ngắm...
Nhân vật và nhân thần Lạng Chượng, được cho là vị chúa đất Mường Then lừng lẫy nhất ở các thế kỷ 11 và 12, đa đoan mà lưu lại cũng nhiều sự tích và dấu tích ở miền "phủ giữ vững biên cương" này.
Nơi Lạng Chượng đóng dinh có tên là "đồi Lạng Chượng", chính là quả đồi A1 ở trung tâm thành phố Điện Biên bây giờ. Lạng Chượng có một mối quan hệ đầy thân thiết và ngang trái với người vợ của mình là nàng Ho Quảng. Chiều vợ, Lạng Chượng đã từ Mường Thanh, cho người đi lập cả một trạm dịch để nghe ngóng tin tức của cậu em vợ-chúa động (nghĩa là "Mường Nghe ngóng")-nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt Chỉ huy sở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng vì tham vọng làm chúa độc tôn vùng Mường Then, Lạng Chượng đã cho bí mật phục kích giết chết bố vợ là Ăm Poi-chiến tướng nổi danh ở trong miền. Vô tình để lộ chuyện tày trời khi trong đêm tối ngồi kể lể, khóc than người con trai bỗng tự nhiên chết, Lạng Chượng bị vợ hận thù. Nàng Ho Quảng lìa chồng ra ở riêng trên một quả đồi cạnh đồi Lạng Chượng. Vị chúa đất Mường Then này vẫn quyến luyến vợ, thường từ dinh cưỡi ngựa đi thăm. Trong một lần dọc đường thăm viếng ấy, Lạng Chượng đã bị một mũi tên độc bắn trúng tim. Nàng Ho Quảng trả thù xong đã cho mai táng Lạng Chượng ở một quả đồi gần nhà. Đó là đồi Pom Loi ("đồi Khâm Liệm"), nay có tên là "đồi Cháy"...
Đấy là những địa danh và địa điểm một thời nghìn xưa huyền thoại của Điện Biên Phủ, mà ở đó, 60 năm về trước đã "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra những chiến công kỳ vĩ của một đại thắng Điện Biên Phủ huyền thoại, ở thời hiện đại của chúng ta.
GS LÊ VĂN LAN