Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, có độ cao trung bình từ 1.000m đến 1.600m so với mực nước biển. Đây là vùng cư ngụ của 17 dân tộc anh em.

Đất rộng, người thưa là đặc điểm chung của miền núi, nhưng không hẳn đúng ở đây! Cao nguyên đá rất hiếm mặt bằng, hiếm đất. Hiếm hoi mới có được một vạt nương chênh vênh, lổn nhổn những đá. Người Mông (cư dân chiếm đại đa số) năm này qua năm khác kiên nhẫn gùi đất leo cao hàng trăm mét đổ vào hốc đá để gieo ngô, khi bụi ngô mọc lên túm tụm, ngỡ như mọc trong miệng gùi. Đất đã hiếm, nước càng hiếm. Sau mỗi trận mưa, nước lặn hết vào lòng đá. Có những vùng rộng lớn không hề thấy nước. Nước chảy ngầm trong lòng đá, hiếm hoi mới nổi lên ở một nơi nào đó, gọi là mỏ nước. Người dân phải đi bộ hàng chục cây số để lấy nước. Mùa khô, có khi nước chỉ chảy ri rỉ, soong, nồi, ống bương, can nhựa xếp thành hàng dài chờ lấy nước. Có những em nhỏ chờ lâu quá, nằm ngủ trong bóng núi đá. Bộ đội ta có kinh nghiệm khi đi xếp hàng chờ lấy nước thường mang theo bàn cờ tướng, gọi là “chơi cờ chờ nước” cho đỡ nóng ruột!

Một ấn tượng không thể quên ở cao nguyên đá là những con đường. Một bên đá dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm, con đường như sợi dây ngoằn ngoèo bám vào vách đá, người ngồi trên xe yếu bóng vía không dám nhìn ra ngoài...

leftcenterrightdel
 Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: TRỌNG HẢI

Càng đi lên cực Bắc, đá càng nhiều và nhiều nhất là vùng Đồng Văn. Nếu là một nhà địa chất thì chắc sẽ dừng lại với đá lâu hơn, nhưng chúng tôi, những người lính trở lại Đồng Văn muốn tìm lại kỷ niệm của mình hơn 40 năm trước: Cột cờ Lũng Cú. Tôi nhớ vào ngày 15-3-1983, nhà văn Nguyễn Trí Huân và tôi từ Ban CHQS huyện Đồng Văn đi bộ lên đỉnh cột cờ. Có khách đến bất ngờ làm đồng chí Đồn trưởng lúng túng vì không biết lấy gì để đãi khách! Người ta khi muốn ăn uống giản dị thường nói “rau dưa cho qua bữa”, nhưng thời điểm chúng tôi đến, rau dưa là món hàng xa xỉ, bộ đội phải trông đợi hàng tuần mới có được. Nhớ hôm chúng tôi tới cao điểm 1911, mấy chàng lính nài “các thủ trưởng” ở lại vì buổi chiều sẽ có rau, còn mấy tuần liền chỉ có muối với rau dại nấu canh.

Ở Đồn Biên phòng Lũng Cú lúc ấy cũng vậy nên đồng chí Đồn trưởng lúng túng. Sau một lúc hội ý thì đồng chí phụ trách hậu cần tìm đường xuống bản, để hơn hai tiếng sau có một ít thịt ướp muối và bó rau cải trên vai. Món thịt muối mặn chát xào rau cải ít ỏi đó chỉ đủ cho cán bộ Đồn tiếp mấy khách văn nghệ, còn anh em vẫn cơm chan nước muối như mọi ngày. Khi phát hiện ra chuyện đó, nhà văn Nguyễn Trí Huân ngồi thừ ra, đôi đũa trên tay không nỡ gắp thêm chút rau nào nữa! Và đêm hôm đó, bên đống củi lửa xối rừng rực, chúng tôi đã ngồi nói chuyện với vài chục chàng lính trẻ biên phòng nhưng nước da xanh tái vì ăn uống thiếu thốn và giá rét kéo dài. Khi chúng tôi rời Đồn, một chiến sĩ nhờ mang giúp giò phong lan về tặng cô bạn là sinh viên ở Hà Nội. Giò phong lan ấy đã góp phần xe duyên cho hai người nên vợ nên chồng...

leftcenterrightdel
 Xuân về trên cao nguyên đá. Ảnh: QUYỀN HUY

Đến Lũng Cú hôm nay, tôi không thể nhận ra Lũng Cú xưa, nơi mình ngồi sưởi lửa. Cột cờ Lũng Cú hiện nay được xây dựng hơn 10 năm trước, to, cao, với lá cờ rộng 54m2. Cô gái dân tộc Lô Lô giới thiệu với du khách rằng, 54m2 của lá cờ tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam! Không mấy ai đến Lũng Cú mà không leo lên cột cờ, mặc dù gió thổi rất mạnh, nhưng leo lên tận cùng để cảm nhận được lòng tự hào Tổ quốc và nhẩm đọc câu thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...”.

Mùa xuân cao nguyên cũng là mùa lễ hội nên chúng tôi rủ nhau tìm về Mèo Vạc. Đường trên cao nguyên đá vốn đã cheo leo và hiểm trở nhất nước ta, nhưng ấn tượng hơn cả là đoạn đường từ thị trấn Đồng Văn sang Mèo Vạc. Đường vắt trên vách núi đá dựng đứng, đi ô tô mà tưởng mình đang ngồi trên cáp treo!

Ở cao nguyên đá Đồng Văn có hai địa danh cổng trời. Bất cứ đoàn du lịch nào đến hai nơi này đều dừng lại ngắm phong cảnh và chụp ảnh. Ở cổng trời Quản Bạ, ranh giới giữa hai huyện Quản Bạ và Yên Minh, khách thường dừng lại để chiêm ngưỡng núi Cô Tiên tít dưới thung xa với hai ngọn núi cân xứng, mơn mởn như hai “trái đào” của trinh nữ. Ở cổng trời Mã Pì Lèng, cái mà du khách chăm chú nhất lại là dòng sông Nho Quế mảnh như sợi chỉ dưới thung xa, nơi mà những ngọn gió cao nguyên lỡ sa sẩy xuống đó thì tưởng như khó lòng thoát lên được bởi bộn bề vách đá!

Đoàn chúng tôi lúc đầu nhiều người cũng sợ, nhưng rồi quen dần nên mọi người đều vào quán ngồi sau khi đã chụp nhiều kiểu ảnh nước non hùng vĩ. Trong quán không chỉ có các loại nước giải khát và bánh kẹo... mà đặc sắc nhất là tiết mục văn nghệ của một chàng trai người Mông. Chàng trai đội mũ nồi, mặc áo chàm khuy vải, quần chàm đen rộng ống, say sưa nhảy múa và thổi khèn. Tiếng khèn bè âm âm u u, người nghe có cảm giác như khi lên đèo, lúc xuống lũng và có khi chìm hẳn vào trong hẻm núi. Tôi đã từng nhiều lần được nghe tiếng khèn bè, nhưng thú thật, chưa ở đâu bị hút hồn như ở đỉnh Mã Pì Lèng!

leftcenterrightdel
 Tác giả bên hoa ban đỏ Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: TRÍ HUÂN

Đoàn nhà văn về đến Mèo Vạc đúng hôm Hội chọi bò khai mạc. Chúng ta chỉ quen với Hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, còn chọi bò trong nước thì chưa từng nghe nói đến. Thế mà một huyện miền núi lại sinh ra ngày hội này, dù ở đây, tìm được mặt bằng để có thể làm sân chọi không hề đơn giản. Địa phương đã san lấp rất tốn công sức mới có được một khoảnh đất tương đối bằng, rộng xấp xỉ sân bóng đá, nằm sát những ngọn núi đá dựng đứng đổ bóng che mát khán giả ngồi xem. Khác với chọi trâu, những con bò chọi không được “chuyên nghiệp hóa” mà quanh năm vẫn làm nhiệm vụ kéo xe hay cày đất. Những con to khỏe, cân nặng từ 5 tạ đến 8 tạ, gần ngày hội mới được nghỉ công việc, bồi dưỡng ít hôm rồi vào hội thi đấu, vui là chính, giải thưởng chẳng là bao. Tôi nhập vào đám đông chen chúc để nhìn cảnh, nhìn người, lắng nghe âm thanh rắn chắc và âm thầm khai sinh từng câu thơ:

Mũ nồi đen

Áo chàm, khuy vải

Những chủ bò Giàng A..., Giàng Mí..., Sùng Mí...

Hồn nhiên nụ cười

Dắt bò cắt đường đi chợ Khâu Vai

Về phía có nhiều người.

 

Sân đấu

Núi đá nghiêng bóng che

Từng cặp đối thủ

U dựng vai núi

Vào trận

Tiếng đầu lao

Tưởng đá lở

Sừng va nhau

Như tiếng rìu chặt gỗ nghiến núi đá

Cho người nhiều tiếng reo...

Ở Hội chọi trâu Đồ Sơn, sau hội chọi, trâu thắng hay thua đều bị giết thịt, nhưng ở Hội chọi bò này, bò thắng hay thua đều được chủ dắt về nhà, để hôm sau lại tiếp tục công việc kéo xe, cày đất quen thuộc...

Nói về mùa xuân cao nguyên đá, không thể không nhắc tới hoa ban đỏ. Từ Yên Minh đến Mèo Vạc, du khách được ngắm không biết bao nhiêu cây hoa ban đỏ “mãn khai”-nở hết mình. Hoa ban đỏ của cao nguyên đá nở vào tháng Ba âm lịch, mà rộ nhất, chỉ toàn hoa, không một chiếc lá sót lại là vào dịp phiên chợ tình Khâu Vai ngày 27 tháng Ba âm lịch. Trên đất nước ta và có lẽ cả trên thế giới, khó tìm được nơi nào có phiên chợ tình đầy chất nhân văn như ở Khâu Vai, nơi dành cho những người từng yêu thương nhau nhưng không nên vợ nên chồng, đúng ngày này hằng năm tìm về đây mà tâm sự, thở than... trong khi người bạn đời của mình không hề ghen tuông!

Thật còn bao điều lạ, mời bạn ngược Bắc về với mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn!

VƯƠNG TRỌNG