Ra đời trong gian khó
Sau Tết Mậu Thân 1968, Long An là một trong những chiến trường cực kỳ ác liệt. Mỹ-ngụy ra sức đánh phá làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Cuối năm 1968, Trung đoàn 320 được lệnh của chỉ huy Miền, xuống chiến trường Long An chiến đấu giành dân, giữ đất. Ở mảnh đất này, nhiều địa phương trắng cơ sở như ở huyện Tân Trụ, nơi Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320 đứng chân. Những ngày tháng 6-1970, lực lượng địch kết hợp với trực thăng, pháo bầy càn dọc bờ sông từ thôn Cây Tài, xã Quê Mỹ Thạnh đến bến Ba Dừa, xã Nhơn Thạnh Trung khiến bộ đội hy sinh nhiều. Lúc này, xã Quê Mỹ Thạnh trở thành xã trắng trong khi xã Nhơn Thạnh Trung còn lại đồng chí Hai Bê, Bí thư xã nhưng cũng bị thương. Địa hình thì bị địch càn quét, phát quang, đốt cháy hết lá dừa nước hai bên sông. Nơi ăn ở của bộ đội không còn, quần chúng cách mạng thì hoang mang, nao núng.
Để củng cố lực lượng, đơn vị cho bộ đội chia thành từng tổ 2-3 người bám trụ trên ruộng lúa và dần dần móc nối, tuyên truyền vận động cơ sở làm hầm trong đống rơm rạ hoặc đống gạch để nuôi giấu bộ đội. Một thời gian ngắn, thấy bộ đội kiên định vững vàng bám trụ, nhiều cơ sở rất yêu mến, tạo điều kiện ăn ở và nuôi giấu như chị Chín Thắng, Bảy Cao, Năm Hớn, Sáu Hiền, Bảy Đừng…
    |
 |
Nữ du kích mật Sáu Hường và Nguyễn Thị Ngọc Hồng (bên phải). Ảnh: BIỆN VĂN |
Đến khoảng tháng 8-1970, theo chủ trương của Phân khu 3, Tiểu đoàn 5 đóng chốt, nằm vùng tại xã Quê Mỹ Thạnh để xây dựng phong trào cách mạng. Anh Đinh Văn Nguyên (Ba Nguyên), quê ở thôn Thiệu Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa, Đại đội phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320 trực tiếp làm Bí thư xã và Xã đội trưởng. Khi nhận nhiệm vụ mới, anh Ba Nguyên đã quán triệt anh em trong đơn vị và cơ sở chuyển phương thức hoạt động, tích cực xây dựng tổ chức lực lượng cách mạng hợp pháp tại chỗ.
Căn cứ vào tình hình chiến trường, đội du kích mật được trang bị vũ khí để tuần tra canh gác, dẫn đường cho bộ đội chiến đấu, nắm bắt tình hình, theo dõi hoạt động của địch cung cấp cho bộ đội và cán bộ cách mạng. Ngoài ra, các du kích mật còn chuyển giao thư từ, tài liệu, tin tức đến cơ sở, may cờ giải phóng và làm công tác binh vận. Du kích mật còn là lực lượng quan trọng để vận động quần chúng cung cấp, ủng hộ lương thực, thuốc men, tiền để mua sắm quân trang cho bộ đội. Với mục đích là không để lộ bí mật nên ban ngày, đội du kích mật làm thường dân, ban đêm thì nhận vũ khí để đi công tác đến 3-4 giờ sáng hôm sau.
Những chiến công thầm lặng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời tuổi xuân hăng hái xông pha lửa đạn vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ của mỗi nữ du kích. Hằng năm, vào ngày 30-4, các cô vẫn họp mặt để ôn lại truyền thống hào hùng và mừng ngày chiến thắng.
Cô Nguyễn Thị Hường (Sáu Bìm Bịp) xúc động khi nhớ về thời kỳ ác liệt của năm 1972. Vào đêm 18-3-1972, khi đang cùng bộ đội đi từ ấp 3 sang ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh thì gặp hơn 20 tên lính ngụy chơi trong một đám cưới. Cách khoảng 200m, chúng thấy bộ đội nên dùng súng bắn bị thương 6 đồng chí. May mắn vì đêm tối nên chúng không dám lại gần, các nữ du kích vội băng bó vết thương cho các chiến sĩ rồi dùng xuồng chuyển sang bên kia sông Vàm Cỏ Tây.
Những ngày chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Paris, địch ở chi khu Tân Trụ vẫn tăng cường càn quét tiêu diệt lực lượng của Tiểu đoàn 5. Trước tình hình đó, đội nữ du kích cùng bộ đội Tiểu đoàn 5 đã ngoan cường chiến đấu chống lại kẻ thù.
Ngoài việc chiến đấu, đội nữ du kích mật còn tham gia làm công tác binh vận, bao vây bắt gọn đội phòng vệ dân sự ở ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh. Mặt khác, để lấy thanh thế cách mạng, đội nữ du kích mật đã mở rộng địa bàn hoạt động sang các xã trắng lân cận như Mỹ Bình, Bình Chánh, Nhơn Thạnh Trung, Lạc Tấn, An Nhật Tân.
    |
 |
Ông Nguyễn Văn Lạc (bên trái) ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh đội Long An là nhân chứng cung cấp nhiều thông tin về đội du kích. |
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hồng, sinh năm 1954, ở ấp 2, xã Quê Mỹ Thạnh vẫn nhớ như in những ngày cùng đội du kích mật hoạt động. Vốn sinh ra trong một gia đình có cha tham gia bộ đội chủ lực Miền, nhà của cô trở thành cơ sở cách mạng và từ nhỏ, cô cũng được các cán bộ giao cho đưa thư, liên lạc, nắm bắt tình hình báo về cho các chú, các bác.
Nằm trong vùng địch nên những hoạt động của cô gặp nhiều khó khăn. Ban ngày, địch cho 2-3 tên xuống ở trong nhà cô, đến tối mới rút về căn cứ. Bọn chúng rất hống hách, ngang ngược, thấy gà, lợn của dân, chúng rút súng bắn chết và bắt bà con làm thịt để ăn nhậu. Tuy nhiên, để che mắt quân địch, gia đình cô vẫn tiếp đãi bọn chúng đàng hoàng.
Có lần, cô Hồng cùng 4 chiến sĩ và đồng chí Ba Nguyên vừa cột xuồng lên bờ thì pháo ở chi khu Tân Trụ bắn tới tấp ở bờ bên kia sông. Sau khi công tác xong trở lại xuồng thì thấy mảnh pháo văng tứ tung trên xuồng. Mọi người nhìn nhau, biết rằng bản thân đã may mắn thoát chết trong gang tấc.
Đến cuối năm 1973, cô Hồng bị chỉ điểm và bị quân ngụy bắt lên xã, lên Ban 2, Tân Trụ để lấy lời khai. Mặc dù bị quây giữa những tên khét tiếng về độ gian ác, hung bạo nhưng cô vẫn bình tĩnh trả lời: “Nhà tôi gần sông, Việt Cộng lên bắt tôi đi theo thì tôi phải đi. Không đi, họ bắn tôi thì sao? Còn các ông vào bắt tôi thì tôi cũng phải nghe lời. Tôi là dân có quyền gì mà chống cự lại. Bây giờ mấy ông bắt tôi bỏ tù thì tôi cũng đành phải chịu”.
Bằng sự khôn khéo của cô, chúng không moi được thông tin nên chuyển cô lên nha cảnh sát Long An rồi lại chuyển về trại giam Cần Đốt để tiếp tục thẩm vấn, tra khảo. Ở trại giam Cần Đốt, quân ngụy thẩm vấn cô từ phòng thứ nhất đến phòng thứ 10 bằng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến đánh đập, chích điện nhưng vẫn không moi được tin.
Nỗi niềm của cô Út Đừng
Một thời hào hùng của đội du kích mật giờ chỉ còn trong ký ức, đến cái tên cũng do các chiến sĩ Trung đoàn 320 đặt cho các nữ du kích hoạt động bí mật. Còn chính danh của đội du kích mật thì vẫn chưa được công nhận. Và còn có những nữ du kích trong đội vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như cô Nguyễn Thị Đừng. Cô Đừng sinh năm 1944, ở ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh, là một người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để theo tiếng gọi của cách mạng làm du kích mật.
Thành tích nhiều nhưng đến khi tuổi đã “gần đất xa trời” mà việc làm chế độ, chính sách lại gặp trắc trở. “Nhiều lần khai hồ sơ, lúc thì cơ quan chức năng báo bị mất, lúc bị trả về không cho biết lý do để bổ sung, hoàn thiện. Điều này khiến cô Đừng chán nản và cảm thấy không tha thiết gì đối với việc làm các chế độ, chính sách cho mình”-anh Huy, cháu ruột cô Đừng, người thay mặt cô đi làm hồ sơ chia sẻ.
Những đồng đội đang sinh sống ở phía Bắc như cựu chiến binh Phạm Thế Nghĩa, Nguyễn Văn Lạc từng được cô Đừng nuôi giấu, cứu sống vẫn đang mong chờ từng ngày cô Út Đừng được vinh danh, hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Với mong muốn trả nghĩa chiến trường xưa, ông Lạc đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm nhân chứng là các cựu chiến binh và trực tiếp là anh Đinh Văn Nguyên để chứng minh đội du kích mật là có thật.
Qua tiếp xúc nhiều tài liệu là những bản xác minh của các cựu chiến binh và những du kích mật trở thành cán bộ trong quân đội thì đội du kích mật là có thật, trong đó có những cống hiến của cô Út Đừng. Vì vậy, rất nhiều người cũng đang mong chờ một ngày cô Út Đừng được vinh danh xứng đáng, để người nữ du kích già không chồng, không con được an ủi phần nào.
VĂN CƯỜNG