QĐND - Đã 75 năm trôi qua, cùng với sự tàn phá của chiến tranh, quá trình khai phá đất đai của nhân dân đã làm cảnh quan khu vực Giồng Cám (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thay đổi rất nhiều. Những thông tin về trận phục kích tiêu diệt hai tên tay sai Quản Nên và Bếp Nhung của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23-11-1940, cùng những bằng chứng về tội ác thảm sát của thực dân Pháp đối với đồng bào ta tại đây không còn nhiều..
 |
Bia tưởng niệm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn trong Khu di tích Giồng Cám.
|
Chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh Long An với mong muốn tìm hiểu về di tích Giồng Cám, một địa danh đã đi vào lịch sử Nam Bộ trong cao trào cách mạng Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11-1940. Tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Phương Thảo, Trưởng phòng Nghiệp vụ của bảo tàng chia sẻ: “Tỉnh Tân An-Chợ Lớn cũ, tức Long An ngày nay là một trong những địa phương trọng điểm diễn ra Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam thời bấy giờ. Tuy nhiên, những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc khởi nghĩa còn lưu lại đến hôm nay rất ít. Các nhân chứng thời đó giờ đã không còn, vũ khí trang bị của ta thô sơ nên theo thời gian đã thất lạc nhiều”.
Đúng như lời chị Thảo, không gian tư liệu, hiện vật về Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Long An chỉ vỏn vẹn một góc nhỏ của phòng trưng bày. Những tài liệu ghi lại lịch sử sưu tầm hiện vật hay cuộc kháng chiến vùng đất Chợ Lớn - Tân An xưa cũng được ghi chép từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Thật tình cờ và cũng may mắn khi tại đây, chúng tôi được gặp ông Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An, một người có hơn 10 năm nghiên cứu về Khởi nghĩa Nam Kỳ. Do đặc thù tính chất công việc, ông Bình đã gặp được nhiều nhân chứng, ghi lại những câu chuyện của họ về cuộc kháng chiến của quân và dân Long An, trong đó có một số nhân vật trong Khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11 là ông đến bảo tàng tỉnh để nhớ lại ký ức hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó trận phục kích của nghĩa quân Long An diệt tay sai, ác ôn ở Giồng Cám, huyện Đức Hòa là một điểm nhấn.
Ngày 23... khó quên
Giồng Cám là một khu gò đất cao thuộc ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Theo các cụ già ở địa phương, ngày xưa, khi ông bà ta đến vùng này thấy có gò đất cao, mọc nhiều cây cám nên đặt tên cho nơi đây là Giồng Cám. Ngày 23-11-1940, Giồng Cám đã đi vào lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trên đất Long An khi lần đầu tiên các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa tiêu diệt hai tên tay sai ác ôn của giặc Pháp là Quản Nên (Trần Văn Nên) và Bếp Nhung.
 |
Ông Đỗ Thanh Bình kể lại kỷ niệm với những nhân chứng Khởi nghĩa Nam Kỳ.
|
Tháng 4-1984, ông Đỗ Thanh Bình đã tìm gặp được Dương Ngọc Long (một thành viên của nghĩa quân, nay đã mất) kể lại về trận phục kích này. Theo đó, đêm 22 rạng 23-11-1940, do kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ ngay từ đầu nên việc giành chính quyền ở quận Đức Hòa (cũ) đã không thực hiện được. Vì vậy, Ban chỉ đạo khởi nghĩa quận Đức Hòa đã quyết định dùng kế “điệu hổ ly sơn”, dụ địch ra khỏi quận lỵ để tiêu diệt, đoạt vũ khí. Ban chỉ đạo khởi nghĩa xác định đối tượng chủ yếu cần tiêu diệt là tên Quản Nên (Trưởng đồn Cảnh sát bảo vệ quận Đức Hòa) và Bếp Nhung-tên tay sai rất trung thành với chính quyền thuộc địa. Địa điểm phục kích tiêu diệt địch được nghĩa quân chọn là một đoạn đường hẹp, lầy lội tại Giồng Cám, cách quận lỵ Đức Hòa khoảng 1,5km.
Sáng 23-11-1940, theo kế hoạch, nghĩa quân cử người đến quận báo tin: “Có Cộng sản về Giồng Cám” và bố trí hai thiếu niên, một phụ nữ ra đón đường làm hiệu, dẫn dụ địch vào ổ phục kích. Bọn địch mắc mưu nên đã cho Quản Nên, Bếp Nhung dẫn theo lính đi xe đạp vào Giồng Cám. Đến gần trận địa phục kích của nghĩa quân, vì đường lầy lội nên bọn địch phải di chuyển rất vất vả. Chớp thời cơ, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Yến đã nổ súng bắn trúng Quản Nên và Bếp Nhung, xung phong đánh bị thương hai tên lính, thu được 5 khẩu súng. Riêng hai tên lính bị thương, ta giáo dục rồi thả. Nghĩa quân rút về Mỹ Hạnh và Nhơn Hòa để chuẩn bị đánh vào quận lỵ. Tuy nhiên, kế hoạch này không thực hiện được, lực lượng khởi nghĩa phải rút về Tây Ninh.
Hay tin mấy tên tay sai bị giết, địch đưa lực lượng về Đức Hòa đàn áp dữ dội. Chỉ riêng tại khu vực Giồng Cám, giặc Pháp đã đốt cháy hơn 40 căn nhà, bắt giam 30 người, bắn chết 17 người, ném thi thể xuống con mương cạnh nhà ông Lê Văn Khách. Khắp nơi trong quận Đức Hòa, đâu đâu cũng thấy cảnh tang thương. Mặc dù vậy, Đảng bộ và nhân dân Đức Hòa vẫn giữ vững tinh thần bất khuất, không hề nao núng. Nhiều chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa ở Đức Hòa đã anh dũng hy sinh trước mũi súng của thực dân Pháp, để lại cho đời những tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm và lòng yêu nước như: Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Dương, Lê Văn Lao...
Về Giồng Cám hôm nay
Từ TP Tân An theo Quốc lộ 1 đến thị trấn Bến Lức, rồi đi theo đường tỉnh ĐT830, ĐT824 sẽ đến được di tích Giồng Cám. Hào khí của Khởi nghĩa Nam Kỳ, những chiến công oanh liệt của quân và dân Đức Hòa Thượng qua các cuộc kháng chiến đã minh chứng sự kiên cường dũng cảm của đất và người nơi đây. Tuy Giồng Cám đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 518/UB-QĐ ngày 1-2-2000 nhưng nơi đây mới chỉ có công trình bia tưởng niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn (cũ) vừa được xây mới, còn những dấu tích về trận phục kích năm xưa khá mờ nhạt. Cây cám, loại cây chiếm đa số trong vùng ngày xưa giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Khu vực trận địa nay là ruộng vườn của dân. Chị Hồ Phan Mộng Tuyền, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích văn hóa tỉnh Long An, cho biết: “Lực lượng chức năng của tỉnh và huyện vừa phối hợp thực hiện cuộc khảo sát toàn diện khu vực này để có phương án tôn tạo, bảo tồn di tích Giồng Cám lâu dài. Theo phân cấp, khu vực này thuộc quyền quản lý của huyện nên chờ huyện lập phương án cụ thể sẽ tiến hành thực hiện”.
 |
Góc trưng bày Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Bảo tàng Long An.
|
Ông Nguyễn Văn Suốt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Hòa Thượng cho biết: Truyền thống và những chiến công oanh liệt của quân và dân xã Đức Hòa Thượng là nền tảng vững chắc, được phát huy trên trận tuyến mới - trận tuyến xây dựng quê hương phát triển về kinh tế, xã hội, vững mạnh về quốc phòng-an ninh. Những cựu chiến binh luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục truyền thống, tiên phong trong các phong trào thi đua ở địa phương. Những chương trình về nguồn của cựu chiến binh, hay giáo dục truyền thống cho học sinh, chúng tôi đều đến Giồng Cám. Hằng năm, đến ngày 23-11, một số gia đình cũng về đây thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Nam Kỳ.
Đến đây, chúng tôi lại nhớ đến chuyến công tác tìm hiểu về Khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Vào ngày 23-11 hằng năm, cũng có vài gia đình đến cúng giỗ cho liệt sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa tại khu di tích nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ (9-1940) thuộc xã Xuân Thới Đông. Dần dần, chính quyền địa phương quan tâm tổ chức thành lễ giỗ tập thể chiến sĩ Nam Kỳ quy mô lớn, tạo thành nét văn hóa đặc trưng của khu vực 18 thôn vườn trầu ngày xưa. Hy vọng rằng, sau khi được tôn tạo, nâng cấp, khu di tích Giồng Cám sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” không những trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn góp phần phát huy giá trị cao quý của đất và người Đức Hòa, Long An trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Bài và ảnh: LÊ HÙNG KHOA