Tôi tin rằng người Hà Nội yêu thiết tha thủ đô của mình và họ thích thú khi những vị khách thể hiện sự quan tâm không chỉ đối với đời sống hiện tại và cả cuộc sống thời quá khứ. Giờ đây tôi đang hồi tưởng về thời gian đó như một giấc mơ xa xôi.
Đúng 1.000 năm trước (tác giả viết bài này năm 2010-ND), vua Lý Thái Tổ đã chuyển thủ đô từ Hoa Lư về Thăng Long (hiện là Hà Nội). Theo truyền thuyết, tại đó, nhà vua đã nhìn thấy một con rồng trên trời, điều này là điềm lành. Thăng Long có nghĩa là “rồng bay”. Đối với người Việt Nam, đây là một linh vật và đã khá nhiều lần ẩn hiện phù hộ cho Hà Nội. Qua hàng thế kỷ, nơi đây đã diễn ra những trận chiến khốc liệt với kẻ thù và thắng lợi luôn thuộc về nhân dân Việt Nam bất khuất. Ở Hà Nội có khá nhiều địa danh lịch sử. Chẳng hạn như gò Đống Đa. Trên đỉnh gò là bức tượng vị tướng Nguyễn Huệ chiến thắng giặc ngoại xâm ở cuối thế kỷ 18.
Đến thế kỷ 20, nước Việt Nam anh hùng đã giành được những thắng lợi rực rỡ trước quân xâm lược Pháp, Nhật và Mỹ. Và Hà Nội đứng ở trung tâm những thử thách to lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần kể với tôi rằng, Trung đoàn Thủ Đô đã được thành lập để giáng trả sự tấn công của thực dân Pháp. Nhưng lực lượng không cân sức, trung đoàn đã rời Thủ đô. Mỗi chiến sĩ được trao một bức phù điêu bằng đồng hình Tháp Rùa-biểu tượng của Hà Nội. Sau 9 năm, các chiến sĩ đã thắng lợi trở về thành phố thân yêu vào ngày 10-10-1954 là ngày giải phóng Hà Nội khỏi quân xâm lược Pháp. Thế chân quân Pháp là các lực lượng vũ trang Mỹ, những kẻ quyết trừng phạt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng bất cứ giá nào, biến nước này "trở về thời kỳ đồ đá” và hợp pháp hóa chế độ ngụy quân Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam.
Khi còn là phóng viên thường trú của TASS và Báo Sự thật Thanh niên tại Việt Nam từ tháng 5-1967 đến tháng 5-1971, rồi sau đó là phóng viên đặc biệt vào các năm 1972-1973, cùng các đồng nghiệp, tôi đã chứng kiến những tội ác man rợ của quân xâm lược, đã viết về sự quả cảm và kiên cường của dân tộc Việt Nam, về tình đoàn kết anh em của Liên Xô và tất cả bạn bè đối với Việt Nam. Cảnh tượng về những tiếng nổ rền vang của bom và tên lửa chớp lóa như sấm sét thỉnh thoảng vẫn hiện lên trong tâm trí tôi. Một phần bởi tôi nhớ tới cuộc chiến tranh Vệ quốc của dân tộc chúng tôi chống quân phát xít Đức. Khi đó là mùa đông năm 1943, cha tôi đã hy sinh tại Stalingrad, còn mẹ tôi thì bị thương nặng bởi mảnh bom. Vì thế mà đối với tôi cũng như hàng nghìn người Xô viết đã làm việc ở đất nước này, Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thân thương thứ hai.
Cuộc chiến tranh phá hoại vẫn diễn ra bên dòng sông Hồng. Hà Nội bị đào xới ngổn ngang bởi những trận bom. Những khu dân cư, xí nghiệp, bệnh viện, trường học đã bị tàn phá. Nhiều người Hà Nội đã trải qua những năm chiến tranh. Đó còn là nỗi đau bởi sự mất mát người thân, phải chia tay với những người con trai đi nhập ngũ, rồi lo chuyện đi sơ tán.
Nhưng người Hà Nội biết che giấu những cảm xúc của mình. Dân tộc đáng tự hào này có sự tự chủ tuyệt vời. Trên khuôn mặt của người Hà Nội, bạn không bao giờ nhìn thấy sự bối rối. Thậm chí, trong những giờ máy bay ném bom Mỹ gầm rú và tiếng súng phòng không dồn dập gần thành phố, họ vẫn bình thản thật đáng ngưỡng mộ. Chính trong những giờ phút nguy hiểm, tính kỷ luật và tổ chức của Hà Nội được thể hiện rõ ràng. Ai cũng làm việc của mình, người dân cùng các con ở trong hầm tránh bom, dân quân có mặt tại nơi trực chiến, những đội cứu thương ở những điểm quan sát của mình.
"Chiến tranh đã tôi luyện tính cách của người Hà Nội, làm cho họ đặc biệt kiên cường. Chính những tên không tặc đã bị thuyết phục hơn hết về sự kiên trung của thành phố bên sông Hồng".
Sergey Afonin
|
Chiến tranh đã tôi luyện tính cách của người Hà Nội, làm cho họ đặc biệt kiên cường. Chính những tên không tặc đã bị thuyết phục hơn hết về sự kiên trung của thành phố bên sông Hồng. Bọn chúng đã trút bom xuống Hà Nội hòng gây ra sự hoảng sợ và bối rối trong dân chúng nhưng chính những tên giặc lái mới là những kẻ phải sợ hãi khi thú nhận đã bị tiêu diệt. Chúng tuyên bố, Hà Nội có một hệ thống phòng không rất hiệu quả. Chúng tôi nói thêm rằng, sức mạnh của hệ thống này đã được nhân lên gấp nhiều lần bởi sự kiên cường, không chịu khuất phục của những người bảo vệ thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tôi đã thấy hoạt động phối hợp chiến đấu của pháo thủ, tên lửa, lực lượng dân quân. Khiêm nhường trong cuộc sống thường ngày, trong chiến đấu, người Hà Nội lại không khoan nhượng đối với kẻ thù. Quân xâm lược đã làm dấy lên trong tim họ ngọn lửa căm thù, chúng phải trả giá đắt vì những tội ác đẫm máu của mình. Trong các cuộc không kích Hà Nội, không quân Mỹ đã bị mất đi hàng trăm chiếc máy bay. Đó là câu trả lời kiên quyết đối với bọn không tặc đã xâm phạm thô bạo chủ quyền và an ninh của đất nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Hà Nội thể hiện tính nhân đạo đối với các phi công xâm lược Mỹ khi ngay sau đó, họ đã cho phóng thích một số phi công Mỹ.
Những người bảo vệ Hà Nội tin vào sức mạnh, vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, vào những người bạn của mình. Họ đang bảo vệ những lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Tôi còn nhớ cuộc gặp mặt tại một nhà máy cơ điện nổi tiếng ở Hà Nội bởi thành quả lao động và những truyền thống vẻ vang. Gần đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, theo quyết định của Đảng ủy nhà máy, một cuộc thi đua hoàn thành kế hoạch đã được phát động. Và rồi đất nước đã nhận được sản phẩm tuyệt hảo cần thiết cho các ngành khác nhau của nền kinh tế quốc dân. Những đội xuất sắc nhất nhà máy đã được tặng danh hiệu “Rạng đông”, “Tấn công cung điện Mùa Đông”. Công nhân đã đề nghị chuyển lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến nhân dân Liên Xô anh em, những lời nói trân trọng và biết ơn đối với Tổ quốc của Lênin. Những tình cảm chân thành này đối với những người bạn thủy chung của mình là một trong số những tính cách sâu đậm nhất của người Hà Nội.
Thành phố bên bờ sông Hồng được gọi là trái tim của đất nước. Chủ nghĩa yêu nước của người Hà Nội không chỉ là lời nói. Tôi đã thấy được sức mạnh của người Hà Nội. Họ còn dành sự hỗ trợ lớn lao cho đồng bào mình ở miền Nam Việt Nam. Hàng nghìn thanh niên đã tình nguyện ra mặt trận, vào các đội xây dựng-sửa chữa. Sự gắn kết giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam là bền vững và không thể phá vỡ.
... Sau đó, tôi đã tham quan nhiều cuộc triển lãm ở Hà Nội, nhưng điều đặc biệt làm tôi ấn tượng là những tác phẩm của các họa sĩ nghiệp dư được thực hiện trong lúc tạm ngưng giữa các trận đánh, một số trong đó vẫn chưa được hoàn thành.
Năm 1973, những đội quân Mỹ sau khi thừa nhận thất bại của mình đã rút khỏi mảnh đất Việt Nam. Sau đó vào ngày 30-4-1975, với sức mạnh vô song của cả dân tộc, Việt Nam đã lật đổ chế độ Sài Gòn. Từ đó, theo như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, vững bước đi theo con đường dân chủ và phồn vinh. Hà Nội, trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước đã được chọn là thủ đô của quốc gia mới có chủ quyền: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiền đồn vững chắc của hòa bình và tiến bộ của Đông Nam Á.
Sau này, trong thành phần của nhiều đoàn đại biểu khác nhau, tôi còn có vài lần đến Việt Nam và Hà Nội, được dự hội nghị quốc tế nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5-2010. Kỷ niệm về thành phố tuyệt vời, dũng cảm, yêu lao động, lạc quan và sôi động, thủ đô với nền văn hóa độc đáo hàng nghìn năm sẽ vẫn luôn luôn ở trong trái tim tôi. Tôi vui mừng vì UNESCO đã công nhận Hà Nội là “Thành phố hòa bình”.
SERGEY AFONIN (Cựu phóng viên quân sự Nga tại Việt Nam. Bài đăng trên Báo Cựu chiến binh-Nga, 2010)
BÍCH NGUYỄN (trích dịch)