Đội Nhân tên thật là Đặng Đình Nhân (1880-1908), vì giữ chức đội trong hàng ngũ lính khố đỏ của Pháp nên mọi người thường gọi ông là Đội Nhân. Vốn có tinh thần yêu nước, lại bất mãn trước sự phân biệt đối xử giữa lính Pháp và lính Việt, đặc biệt là việc thực dân Pháp dùng lính Việt đi đánh nghĩa quân người Việt, ông đã cùng các đồng chí của mình thực hiện cuộc bạo động nhằm phối hợp với nghĩa quân Yên Thế (do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo) dự định đánh về Hà Nội, ngày 27-6-1908. Các tài liệu lịch sử gọi đây là cuộc “Hà thành đầu độc”. Tuy nhiên, mưu sự không thành, các nhân vật chủ chốt của cuộc binh biến đều bị bắt. 13 người trong đó có Đội Nhân đã bị đưa ra xử chém.

Tháng 10-2014, tôi tình cờ gặp ông Đặng Đình Nghĩa (tức Đặng An Ninh) khi dự lễ tiếp nhận hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong buổi lễ này, ông Đặng Đình Nghĩa đã trao tặng bảo tàng 3 tấm bưu thiếp do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng khi đang hoạt động cách mạng tại Lào. Đồng thời, ông cũng chia sẻ câu chuyện về bản thân và gia đình. Nghe ông nói, tôi không khỏi giật mình. Hóa ra, ông là hậu nhân trực hệ của cụ Đội Nhân-người đứng đầu nhóm binh lính, đầu bếp trong quân đội Pháp, cùng các thầy đồ, thầy lang... tham gia cuộc binh biến chấn động “Hà thành đầu độc” năm nào.

leftcenterrightdel
Ông Đặng An Ninh kể chuyện về cụ Đội Nhân. Ảnh: TUẤN TÚ.

Ngay sau đó, tìm đến căn nhà tập thể cũ ở số 31 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), tôi được ông Đặng An Ninh cho xem nhiều tài liệu quý, đồng thời kể thêm những chi tiết ít người biết về bác mình và cuộc binh biến xảy ra hơn 100 năm trước. Thời điểm năm 2014, ông Ninh đã 82 tuổi. Ông là con trai của ông Đặng Đình Giao-kỹ sư nhà máy đèn, con út trong gia đình có 3 người con, mà cụ Đội Nhân là anh cả, kế tiếp là ông Đặng Đình Mẫn, quê ở làng Tương Mai, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Nhờ nguồn thu nhập từ nghề thuốc của cha mẹ nên anh em Đặng Đình Nhân được cho sang Pháp du học. Sau đó, ông Nhân gia nhập quân đội Pháp. Mặc quân phục khố đỏ nhưng ông Đặng Đình Nhân lại bí mật kết giao với những người yêu nước có tư tưởng kháng Pháp như ông đồ Đỗ Văn Đàm, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên và các bạn lính là Đội Bình (Nguyễn Chí Bình), Đội Cốc (Dương Bê hay còn gọi là Nguyễn Văn Cốc)... Đặc biệt, quán cơm ở nhà số 20 phố Cửa Nam của cô Sáu Nhiêu (Nguyễn Thị Ba) chính là nơi họ đã gặp gỡ, trao đổi và bàn bạc, lên kế hoạch đánh đổ bộ máy cai trị thực dân. Phương án thống nhất là sử dụng cà độc dược để các đầu bếp người Việt bỏ vào thức ăn của quân Pháp. Sau đó, các nhóm cai đội, binh lính yêu nước sẽ chiếm kho vũ khí, rồi bắn pháo hiệu cho các toán quân ngoài thành ập vào cùng đánh chiếm đầu não thực dân Pháp. Đội Nhân chỉ huy nhóm đánh vào phủ toàn quyền Đông Dương, Đội Bình dẫn nhóm đánh bộ tham mưu Pháp và Đội Cốc sẽ dẫn đầu đánh tòa thống sứ Bắc Kỳ... Ban đầu, kế hoạch được xác định thực hiện vào năm 1907, nhưng phải hoãn lại nhiều lần vì thời cơ không thuận lợi. Có lẽ chính vì vậy mà mật thám Pháp phần nào “đánh hơi” được và tổ chức khám xét nhiều nơi. Dù không có kết quả rõ ràng nhưng chúng vẫn nghi ngờ, đề phòng.

Tối 27-6-1908, những người yêu nước bắt đầu thực hiện kế hoạch. Nhóm đầu bếp đã bỏ cà độc vào thức ăn. Khoảng 200 binh lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh số 9 và trung đoàn pháo binh số 4 trúng độc bất tỉnh nhưng không chết vì lượng chất độc yếu. Vụ việc đang tiến hành dở dang thì một người lính tên Trương trong cơ công binh pháo thủ số 9 đã vội xưng tội với linh mục. Tin đến quan Pháp. Chúng lập tức cho bắt ngay binh lính và các đầu bếp Việt khi họ chưa kịp nổ pháo hiệu báo cho nghĩa quân ngoài thành tiến vào. Cuộc binh biến bất thành. Đội Nhân là một trong những người đầu tiên bị quân Pháp bắt. Để trấn áp tinh thần những người yêu nước, chưa đầy 10 ngày sau, thực dân Pháp đã xử chém 3 người là Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc.

24 năm sau cuộc binh biến, người cháu ruột Đặng An Ninh mới ra đời. Ngay từ tấm bé, cha ông Ninh thường kể cho con nghe câu chuyện về người anh Đặng Đình Nhân của mình, bồi đắp lòng yêu nước cho các con từ những việc nhỏ như luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Ông Đặng Đình Giao đã kể với con, khi Đội Nhân bị bắt, quân Pháp truy sát hai em trai của ông khiến họ phải lánh nạn qua Campuchia, Lào, rồi sang Anh. Thân sinh của họ là ông Đặng Đình Tín và bà Thành Thị Phương thì bị đày lên vùng Đoan Hùng (Phú Thọ), rồi qua đời khi không có người thân bên cạnh. Riêng vợ ông Đội Nhân khi ấy đang mang thai con gái đầu lòng kịp lánh nạn về quê, rồi cũng sớm mất vì buồn đau, để lại con gái Đặng Đình Đức. Sau này, bà Đức làm nghề bốc thuốc nổi tiếng ở ngõ 105 Bạch Mai, nhưng không lập gia đình cho đến khi qua đời. Ông Ninh kể: “Mỗi lần nghe cha kể chuyện là mỗi lần ông bồi đắp tư tưởng dân tộc trong chúng tôi. Nhờ đó mà tôi đến với cách mạng, làm người lính tình báo thầm lặng cho đến ngày giải phóng. Chúng tôi rất tự hào khi ngày nay tại Hà Nội có con phố mang tên người thân của mình”.

BẢO LINH