QĐND - Bà Huỳnh Thị Minh Tâm là con gái của nhà cách mạng Huỳnh Văn Một. Trong Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, người thân của bà cùng nhiều người trong dòng họ đã bị kẻ thù tàn sát dã man. Máu của các bậc tiền nhân dòng họ Huỳnh đã góp phần viết nên những trang sử về lòng kiên trung, khí phách cách mạng của một thế hệ, trở thành niềm tự hào, là tấm gương sáng của thế hệ hôm nay và mai sau...
 |
Nhà cách mạng Huỳnh Văn Một. Ảnh tư liệu |
Chúng tôi đến thăm bà Huỳnh Thị Minh Tâm trong ngôi nhà ấm cúng ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Nhắc về người cha, bà luôn dành tình cảm tôn kính và niềm tự hào sâu sắc. Với bà, từng câu chuyện, sự kiện về Nam Kỳ khởi nghĩa (NKKN) là khúc bi tráng của gia đình, dòng họ. Khi đó, cha của bà, đồng chí Huỳnh Văn Một (còn có tên gọi khác là Huỳnh Văn Tiếm) là chỉ huy nghĩa quân ở Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (tức Long An ngày nay). Địa bàn này là một trong những “túi lửa” của NKKN, tạo tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam thời bấy giờ. “Cha tôi là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Ông được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng từ năm 17 tuổi và công tác bí mật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Tần. Trước khi diễn ra NKKN, cha tôi đã tuyên truyền giác ngộ được một số binh lính trong hàng ngũ địch, xây dựng thành cơ sở nội tuyến của ta và chính ông chỉ đạo hoạt động khởi nghĩa khu vực Đức Hòa”-bà Tâm kể lại.
Ngày 23-11-1940, Đức Hòa đã đi vào lịch sử của cuộc khởi nghĩa trên đất Long An khi lần đầu tiên, cha của bà cùng các chiến sĩ nghĩa quân tiêu diệt hai tên tay sai ác ôn của giặc Pháp là Quản Nên (Trần Văn Nên) và Bếp Nhung. Ngay sau đó, giặc tiến hành “khủng bố trắng” dã man. Dưới sự chỉ điểm của các tên ác ôn quận Hậu, hương quản Thạnh…, địch càn quét mạnh ở Giồng Cám, Giồng Lốt, Bình Thủy, Đức Lập. Đến ngày 26-11-1940, quân Pháp và tay sai thực hiện một tội ác man rợ mà cho đến hôm nay, khu mộ gia đình bà ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cũng như “đám giỗ hội” vào tháng 11 hằng năm tại huyện Đức Hòa (Long An) là những bằng chứng về nỗi đau còn lại với thời gian.
Nhắc lại chuyện của gia tộc, bà Tâm rơi nước mắt: “Sau đêm nổi dậy, cha tôi cùng anh em rút về Tây Ninh nhưng không may bị lộ. Bọn tay sai, chỉ điểm đã cung cấp cho kẻ địch những thông tin về việc gia đình tôi cung cấp lương thực, tổ chức nuôi giấu cán bộ, nghĩa quân khởi nghĩa”. Trong cuốn hồi ký “Chuyện chưa quên” của nhà cách mạng Huỳnh Văn Một có những trang ghi lại chi tiết sự kiện đau lòng này: “Cảnh tượng thuở đó, nay hồi lại vẫn hết sức đau lòng, không bút mực nào tả hết được. Gia đình chúng tôi là một trong rất nhiều gia đình phải chịu cảnh tàn sát dã man. Bọn quan lại đem lính mã tà và lê dương đến bao vây, bắt từ già đến trẻ, tất cả là 13 người. Tài sản trong nhà chúng cướp hết... Nhà cha tôi chúng đốt không cháy nên cho xe kéo sập... Số người chúng bắt đem hết đến ấp Rừng Thơm, làng Mỹ Hạnh. Chúng gom 13 người, gồm những người trong gia đình tôi cùng với ba cha con ông Sáu Mài, rồi đổ xăng đốt, đồng thời xả súng bắn. Cha tôi là Huỳnh Văn Bài, trước khi chết đã chửi thực dân Pháp là quân khát máu ăn thịt người, độc hơn loài sói dữ, chửi bọn quan làng là loài chó săn phản nòi hại nước. Chúng bắn người chết rồi khiêng quăng vào lửa. Anh tôi là Huỳnh Văn Quỳnh, thuở đó mới tuổi 40, con của anh tôi là Huỳnh Văn Bảnh mới lên 13 tuổi, chúng đều bắn bị thương. Bọn quan làng kêu lính bắn chết luôn con của chị tôi là cháu Phiến, con của em gái tôi là cháu Quyến và hai con trai của tôi một lên 3, một mới 12 tháng tuổi, bọn Pháp quơ cẳng đập xuống đất ngất ngư, còn dùng giày đinh leo lên đạp bể đầu nát thịt không khóc được tiếng nào. Cháu An, con cô Than mới 10 tuổi đến nhà cha tôi chưa kịp về chúng cũng dắt tới đây tưới xăng vào người đốt cháy như người đốt thuốc…”.
 |
Bà Huỳnh Thị Minh Tâm kể về người cha, nhà cách mạng Huỳnh Văn Một. Ảnh: HỒNG GIANG |
Bà Tâm kể tiếp: “Vậy là tổng cộng 7 người trong dòng họ tôi bị giặc tàn sát hôm đó. Cuộc khủng bố của kẻ thù dồn đuổi đến những số phận phụ nữ chân chất hiền lành. Má tôi là Huỳnh Thị Cảnh, vùng chạy được rồi sau đó mất vì vết bỏng quá nặng. Cô Chín của tôi cũng thoát được, nhưng một tháng sau tìm đường về làng rồi bị bắt lại, bị bắn lần nữa cùng 13 người khác. Má tôi khi chạy trốn sang Củ Chi, lúc hỏi thăm đường về nhà người quen lại hỏi đúng một tên tề làng. Tuy vậy, người này không làm khó dễ và cho đi. Nghĩa là trong số những người buộc phải làm tay sai cho giặc vẫn còn người có lương tâm. Cũng nhờ đó mà trong cuộc khủng bố đẫm máu ấy, một số người nghe theo lệnh nhưng chỉ trói hờ để cho 6 người có cơ hội bỏ chạy thoát, nhưng hai người bị mất sau đó vì vết bỏng quá nặng”.
Sau NKKN, đồng chí Huỳnh Văn Một được cấp trên điều động về các địa phương lân cận, tham gia xây dựng, củng cố lực lượng cách mạng và một số đơn vị vũ trang. Đồng chí kinh qua nhiều cương vị: Bí thư Huyện ủy Đức Hòa, Chi đội trưởng Chi đội 15, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308, 311, Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên… Bà Tâm tâm sự: “Chúng tôi tự hào được là hậu duệ của những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Tôi còn nhớ khi má ruột của tôi mất là lúc tôi đang hoạt động trong nội thành. Cha tôi đã viết thư động viên các con rằng: “Má con tuy hình hài đã mất, nhưng tinh thần và lý tưởng luôn sống mãi trong tâm não của ba, trong huyết quản và hình dáng của các con. Các con biến đau thương thành hành động để công tác tốt, học tập đạo đức má con, xây dựng cho mình sức mạnh tinh thần trong sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, quật ngã kẻ thù… Các con hãy lấy hy vọng ngày mai quê hương đất nước mà lau khô dòng nước mắt, phấn đấu tiến lên, tiếp tục sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, lập lại hòa bình”...
Ghi nhớ lời cha, anh chị em của bà có 8 người đều tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Người em trai út hy sinh khi tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Bản thân bà cũng thoát ly theo cách mạng từ 15 tuổi và năm 18 tuổi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. 76 năm đã trôi qua, ngôi nhà thờ gia đình đồng chí Huỳnh Văn Một tại Đức Hòa được con cháu dựng lên để ghi nhớ về truyền thống đau thương mà rất đỗi hào hùng của dòng họ cùng những trang lịch sử bi tráng của vùng đất ven đô án ngữ phía tây nam TP Hồ Chí Minh. Bà Tâm noi gương cha, đau đáu về cội nguồn, quê hương. Chính bà đã tham gia vận động thành lập và là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TP Hồ Chí Minh, thường xuyên trao tặng “Học bổng Huỳnh Văn Một” cho con em hoàn cảnh khó khăn vùng căn cứ cách mạng Long An, Tây Ninh, Bình Dương… là những nơi cha của bà đã chiến đấu, hoạt động trong kháng chiến. Đặc biệt, bà thường tham gia các buổi nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ, kể về người cha, về hào khí NKKN đã làm nên truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương...
HÙNG KHOA