QĐND - Ra đời trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nước ta, có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư quân sự, chỉ huy tham mưu kỹ thuật, quản lý khoa học. 50 năm kể từ ngày thành lập là chặng đường ghi dấu những chiến công thầm lặng, những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện KTQS. Với Trung tướng, Giáo sư, TSKH, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hoa Thịnh, hơn 30 năm gắn bó với học viện từ cương vị là một trong những giáo viên đầu tiên đến khi trở thành vị tướng làm công tác quản lý, là một phần ký ức máu thịt.
 |
Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh báo cáo công việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 12-2001). Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Ngôi mộ gió của người anh hùng
Tháng 12-1966, tốt nghiệp Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), theo nguyện vọng cá nhân, chàng thanh niên Nguyễn Hoa Thịnh về nước, làm giảng viên Khoa Cơ điện, Trường Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS). Với mong muốn được cống hiến và coi học viện là môi trường thuận lợi để tiếp tục học tập nâng cao trình độ, Thiếu úy Nguyễn Hoa Thịnh say mê tham gia các chương trình nghiên cứu và đào tạo khoa học... Nhưng một sự việc xảy ra đã làm thay đổi suy nghĩ của anh. Đó là khi chứng kiến tấm gương hy sinh anh dũng của người anh, người đồng nghiệp Nguyễn Phan Thanh. Năm 1969, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Các loại vũ khí mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ đã gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu để đối phó với các loại bom, đạn, vũ khí của địch là đòi hỏi hết sức khẩn trương, cấp thiết từ chiến trường. Thời điểm đó, trong lần đi khảo sát chiến trường vùng Quảng Bình-Vĩnh Linh (Quảng Trị), ta thu được một quả đạn pháo do tàu chiến Mỹ bắn vào đất liền nhưng chưa nổ. Các chuyên gia phát hiện ra đặc tính kỹ thuật độc đáo, khác hẳn về lý thuyết cấu tạo... nên đã bất chấp nguy hiểm mang về trường nghiên cứu, tìm cách hóa giải. Nhiệm vụ khó khăn đó được giao cho Nguyễn Phan Thanh, chuyên gia vũ khí đạn, cùng các giảng viên trong Khoa Vũ khí. Hôm đó là buổi sáng 16-4-1969, tại khu vực Đồng Sáo, Vĩnh Yên, nơi nhà trường nghiên cứu các loại vũ khí, đạn dược của địch, khi việc tháo quả đạn đi vào giai đoạn quyết định, Nguyễn Phan Thanh tình nguyện ở lại thực hiện phần việc nguy hiểm nhất. Bỗng một tiếng nổ lớn vang lên, để lại một hố sâu hơn 2m... Nguyễn Hoa Thịnh đã cùng hơn 30 giáo viên của trường dò từng bước để mong tìm được một phần thi thể liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh, nhưng xương cốt của anh đã tan vào với đất. Nỗi đau, sự mất mát đó khiến Thiếu úy Nguyễn Hoa Thịnh hiểu rằng, nhiệm vụ của người cán bộ khoa học không chỉ nghiên cứu trên sách vở, trong phòng thí nghiệm mà còn phải đối diện với sự sống còn, đòi hỏi phải có dũng khí, sẵn sàng hy sinh trong cuộc chiến thầm lặng, dũng cảm và trí tuệ chống lại bom, đạn của kẻ thù. Gần 40 năm sau ngày hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sứ mệnh trí tuệ tỏa sáng
Đầu năm 1989, Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện KTQS. Thời điểm đó, đất nước đã qua chiến tranh hơn 10 năm nhưng khó khăn chồng chất. Nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế một lần nữa đặt lên hai vai những người lính, trong đó có Học viện KTQS. Tháng 5-1989, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang đảm nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thăm học viện, khi ấy đang đóng ở chân núi Tam Đảo. Chuyến thăm và làm việc của Đại tướng đã để lại dấu ấn mang tính lịch sử trong quá trình phát triển của học viện. Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh nhớ lại: “Trong lúc báo cáo tình hình với Đại tướng tại Hội nghị các cán bộ chủ trì của học viện đã đề cập đến chủ trương ngoài hệ đào tạo kỹ sư quân sự theo nhiệm vụ chính trị được giao, Học viện KTQS mở thêm hệ đào tạo kỹ sư dân sự với mục đích ban đầu là đào tạo trình độ đại học cho con em cán bộ và nhân dân xung quanh địa bàn đóng quân của học viện không có điều kiện theo học ở Hà Nội. Đại tướng chăm chú nghe và trong phát biểu chỉ đạo, ông rất ủng hộ chủ trương này. Và chính trên diễn đàn này, Đại tướng đã nêu một cách khái quát về sứ mệnh thiêng liêng của trường đại học. Theo Đại tướng, trường đại học không phải là ốc đảo của trí tuệ mà phải là trung tâm của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, trung tâm của cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, ánh sáng trí tuệ từ trường đại học phải được lan tỏa khắp nơi. Đó là sức mạnh và sức sống của một nền giáo dục được xã hội hóa, một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân.
Tôi rất vui khi tại vườn hoa trước tòa nhà chính của Học viện KTQS hiện nay có đặt một phiến đá mang dòng chữ “Trí tuệ tỏa sáng” kèm theo chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Học viên tốt nghiệp ra trường, học viên mới nhập trường, khách đến tham quan... sẽ luôn nhớ đến Đại tướng và lời nhắc nhở sâu sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học-kỹ thuật và sự nghiệp giáo dục-đào tạo”.
HÀ THU