QĐND - Trung tâm Kỹ thuật thông tin Công nghệ cao (Trung tâm), Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) sở hữu một nguồn nhân lực chất lượng cao, được ví như một “dàn sao” với 28 thạc sĩ, tiến sĩ, hơn 60% quân số là kỹ sư, nhiều cán bộ là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông quân sự. Thực hiện thành công các khâu đột phá gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân lực là ưu tiên hàng đầu, làm nên thành công trong những năm qua của đơn vị. Trung tâm cũng là một tập thể điển hình được vinh danh tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX...

Niềm tin trao truyền

Cuối tháng 8-2013, trong một dịp tình cờ chúng tôi được gặp Đại tá Hoàng Quang Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm, người gắn bó với trung tâm từ những ngày còn là Viện Kỹ thuật thông tin. Rời vị trí quản lý về với cuộc sống đời thường, ông luôn theo sát từng bước tiến và tự hào về những kết quả đạt được của đơn vị. "Tôi vẫn luôn tin rằng, bằng trí tuệ và nhiệt huyết, trung tâm sẽ luôn tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học, làm chủ trang bị công nghệ mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà quân đội, binh chủng giao cho”-ông tâm sự.

Huấn luyện triển khai khí tài mới.

Thực tế sau gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, trước không ít khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của trung tâm đã nỗ lực vượt qua để khẳng định niềm tin ấy. “Từ các đồn biên phòng nơi rừng núi đến các đảo, nhà giàn nơi hải đảo xa xôi, ở đâu có trang bị kỹ thuật thông tin công nghệ cao, ở đó có dấu chân của những người lính kỹ sư thuộc trung tâm”-Đại tá Lương Anh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Trung tâm tự hào cho biết.

Trung tâm là đơn vị chủ công của Binh chủng TTLL trong bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống TTLL thường xuyên, SSCĐ; nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế thử và triển khai thực hiện các dự án, công trình thông tin. Những năm qua, bằng sức vươn của một tập thể đoàn kết, thống nhất cao, một khối lượng công việc lớn đã được trung tâm hoàn thành: 52 trạm truyền dẫn quang trên cả ba trục Bắc-Nam dài 9.000km với các thiết bị công nghệ mới vận hành ổn định; hơn 2.000 lần sự cố thông tin được xử lý thành công; chủ động khai thác các nguồn vật tư, linh kiện thay thế, sửa chữa 3.504 lượt; bảo quản, bảo dưỡng 1.607 lượt và lắp ráp, chế tạo 1.817 loại trang bị KTTT công nghệ cao cho các đơn vị... là những con số biết nói cho thấy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị.

Có được kết quả ấy bởi trung tâm biết phát huy trí tuệ và tinh thần đoàn kết tập thể mà yếu tố hàng đầu là việc nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đại tá Nguyễn Duy Hiền, Phó giám đốc Quân sự Trung tâm, khiến không ít người nể phục khi lập kỷ lục từng đặt chân tới tất cả các nhà giàn và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa hồi anh là trưởng đoàn công tác triển khai việc lắp đặt hệ thống VSAT và tổng đài. Có lẽ những ai khi nhìn tấm ảnh Đại tá Hiền treo mình lơ lửng trên sợi dây ròng rọc nối mũi tàu vào nhà giàn để chuyển người và khí tài lắp đặt thiết bị sẽ không khỏi thót tim. “Cái cảm giác chao nghiêng như những cánh buồm ngay cạnh nhà giàn đến giờ tôi vẫn không sao quên được. Thực là gian nan, nguy hiểm. Nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi đã triển khai công việc, bảo đảm thời gian thi công”-Đại tá Nguyễn Duy Hiền nhớ lại.

Tinh thần và nhiệt huyết của người lãnh đạo như Phó giám đốc Nguyễn Duy Hiền đã được trao truyền đến cán bộ, kỹ sư trẻ của trung tâm. Sau anh đã có không ít nhà khoa học trẻ của trung tâm ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Đại úy Phan Đức Hà, Trợ lý Phòng Bảo đảm kỹ thuật Truyền dẫn-Thông tin vệ tinh là một ví dụ. Từ năm 2012 đến nay, anh đã có hơn bốn chuyến vượt biển ra Trường Sa làm nhiệm vụ khảo sát, lắp đặt, bảo quản bảo dưỡng rồi triển khai các dịch vụ mới cho hệ thống VSAT. Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta (năm 2014), cùng Thượng tá, Tiến sĩ Tạ Việt Hùng là Phó giám đốc Kỹ thuật (nay là Giám đốc Trung tâm) trực tiếp chỉ huy lực lượng tại chỗ bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông tin trên các tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, Phan Đức Hà đã có mặt thực hiện tốt nhiệm vụ từ những ngày đầu. “Dù biết sẽ phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm nhưng để bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống TTLL cho các lực lượng thực thi pháp luật, đủ khả năng đối phó với các tình huống, tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành”-anh chia sẻ.

Đột phá để khẳng định

Là đơn vị bảo đảm KTTT cấp chiến lược, đồng thời là cơ sở đầu ngành về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin quân sự, trung tâm đã chọn khâu đột phá là nghiên cứu làm chủ công nghệ, làm chủ trang bị khí tài công nghệ cao, với 3 nội dung chính: Đột phá trong nghiên cứu, tiếp cận làm chủ việc lắp đặt, khai thác các trang bị công nghệ mới; đột phá đẩy mạnh công tác nghiên cứu làm chủ công nghệ và kỹ thuật hiện đại và đột phá trong bảo quản, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị, công nghệ mới. Để thực hiện các nội dung này, trung tâm chủ trương cán bộ phải đi trước, làm gương. “Việc cán bộ chủ trì tham gia nghiên cứu khoa học vừa giúp cán bộ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, vừa góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm TTLL trong điều kiện xã hội số, tác chiến điện tử. Đặc biệt, việc nêu gương của người chỉ huy tự nó sẽ tạo ra phong trào rộng khắp đơn vị” là tâm sự của Thượng tá Tạ Việt Hùng-Giám đốc Trung tâm từng chia sẻ với chúng tôi. Quả thật, sau cuộc trò chuyện trực tiếp với lãnh đạo, chỉ huy trung tâm, với Đại úy Phan Đức Hà hay câu chuyện được nghe về tác giả đoạt giải nhất Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2015 Ngô Thị Minh Chính... mới thấy ở đây điều này đã được hiện thực hóa khi trên dưới cùng đồng hành.

Đoàn cán bộ Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật tại Trung tâm Kỹ thuật thông tin Công nghệ cao. Ảnh: Mạnh Tân.

Quá trình thực hiện các nội dung đột phá, trung tâm đã gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm đã chủ động “đi tắt đón đầu” tổ chức các lớp tập huấn để tiếp cận các công nghệ nền tảng, công nghệ mới; cử cán bộ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đào tạo cao học tại các nhà trường, học viện về kỹ thuật, viễn thông hàng đầu ở trong nước. Đến nay, gần 85% quân số đơn vị đã có trình độ đại học trở lên, nhiều người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, một con số đáng tự hào về nguồn nhân lực sau nhiều năm nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng. “Điều quan trọng là đội ngũ này, trong đó có nhiều cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên giỏi, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông quân sự đều rất tâm huyết, trách nhiệm, đam mê công việc và gắn bó với trung tâm. Họ là "sao lấp lánh”, đi đầu trong công tác nghiên cứu, làm chủ trang bị khí tài công nghệ cao của đơn vị chúng tôi, cho dù nhiệm vụ ngày một nặng nề và đời sống không ít người vẫn chưa hết khó khăn”- Đại tá Lương Anh Tùng khẳng định.

Với phương châm “đột phá để khẳng định”, mỗi bước tiến của trung tâm lại mở ra một hướng mới cho hệ thống TTLL quân sự nói riêng và TTLL nói chung. Nếu trong những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, trung tâm đã có bước đột phá khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự như xây dựng thành công tuyến vi ba quân sự Hà Nội - Vinh với 8 trạm chuyển tiếp xen rẽ (12-1986); chủ trì xây dựng hệ thống đếm phiếu điện tử và trang âm cho Hội trường Ba Đình (7-1987); “Bán dẫn hóa máy tiếp sức P401” (8-1989) được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba... thì hôm nay, phát huy các phong trào thi đua, tinh thần độc lập tự chủ, nội lực, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của trung tâm đã làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật mới. Chỉ trong vài năm trở lại đây, 25 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu được hoàn thành có tính ứng dụng cao, trong đó có 8 đề tài cấp Bộ, 6 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật đã khẳng định lực lượng nghiên cứu của trung tâm sẵn sàng cho các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn. Những bước đột phá trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, công nghệ mới được công nhận như: Vi ba nhảy tần, bộ khuếch đại công suất phát/Visat (BUC), Vi ba kênh, phần mềm nâng tốc độ nhảy tần của máy VTĐscn PRC-2188 từ 500 lần/s lên 625 lần/s… tiếp tục khẳng định vị trí của trung tâm.

"Làm khoa học cần có những bước đột phá. Phải phát huy tối đa tiềm năng và sức mạnh nội lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư đầu ngành năng động, sáng tạo, thiện chiến; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, thành thạo ngoại ngữ; tích cực, chủ động trong các hoạt động hợp tác quốc tế. Tôi tin tưởng rằng, bằng bản lĩnh, ý chí, niềm tin và lòng tự tôn của mỗi cán bộ, đảng viên - những trí thức thông tin, góp phần xứng đáng vào tiến trình xây dựng Binh chủng cách mạng - chính quy - tinh nhuệ - tiến thẳng lên hiện đại. Sứ mệnh và trọng trách ấy thuộc về các đồng chí”-là phát biểu của Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng TTLL khi dự Đại hội Đảng bộ Trung tâm lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 hồi tháng 4-2015 vừa qua. Sau thành công của đại hội với nhiều chủ trương, giải pháp táo bạo và sáng tạo, Đảng ủy Trung tâm đã xây dựng chương trình hành động cụ thể. Trong đó có nội dung, chỉ tiêu vừa trở thành hiện thực, khi mới đây Thượng úy Lê Duy Khánh, Trợ lý Ban kỹ thuật Truyền hình - Truyền số liệu đã giành được chứng chỉ CCIE (một trong những cấp bậc chứng chỉ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ Quốc tế của hãng Cisco, hiện nay tại Việt Nam có khoảng hơn 100 người sở hữu chứng chỉ này-PV).
BÍCH TRANG