Lập nhiều kỳ tích trong chiến tranh

Ngày 4-2-1947, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT), do kỹ sư Trần Đại Nghĩa (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ), Cục trưởng Cục Quân giới kiêm Giám đốc. Ban đầu, Nha NCKT có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế thử các loại vũ khí mới để đưa vào sản xuất phục vụ chiến đấu.

Ngay sau khi thành lập, Nha NCKT đã tổ chức các lớp học về chuyên ngành vũ khí, do đồng chí Trần Đại Nghĩa đề xướng và phụ trách. Học viên tham gia lớp học đều là những người chưa được đào tạo về vũ khí, lần đầu tiên được truyền đạt một số kiến thức về lý thuyết xạ thuật, thuốc nổ, thuốc phóng. Bài học thực hành sinh động nhất của các học viên là được nhồi lắp một lô đạn bazooka theo yêu cầu đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Những quả đạn bazooka đầu tiên ngay lập tức đã tiêu diệt được xe tăng của thực dân Pháp tại chùa Trầm ở Hà Đông, buộc địch phải rút lui. Trên cơ sở những thành công đó, Nha NCKT vừa tiếp tục hoàn thiện đạn bazooka, vừa triển khai nghiên cứu chế thử đạn AT... 

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng, bên phải) nghe đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới giới thiệu vũ khí do quân giới Việt Nam nghiên cứu, chế tạo trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1948, khi ta có súng, đạn bazooka và AT có thể bắn được xe tăng và xuyên thủng lô cốt dày 300mm, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống boong-ke rất kiên cố. Muốn tiêu diệt địch cố thủ trong lô cốt, quân ta cần có một loại vũ khí uy lực mạnh hơn bazooka. Đáp ứng yêu cầu đó, Nha NCKT đã tổ chức nghiên cứu thiết kế, chế tạo một loại vũ khí mới. Và thế là giữa năm 1949, súng và đạn SKZ60 đã ra đời. Loại vũ khí này có khả năng xuyên phá gấp 3 lần bazooka. Sản phẩm SKZ60 sản xuất loạt đầu đã được nhiều đơn vị sử dụng hiệu quả trong chiến đấu. Từ đó, SKZ60 được tổ chức sản xuất hàng loạt tại nhiều xưởng quân giới và trang bị cho các đại đoàn chủ lực của Quân đội ta.

Qua Ban liên lạc quân giới, chúng tôi được biết cựu chiến binh Nguyễn Huy Sính (91 tuổi) từng công tác tại Nha NCKT những năm đầu thành lập. Trong căn hộ ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, ông Sính xúc động kể: “Ngày đó, cuộc sống của anh chị em rất khó khăn, có thời điểm 2-3 tháng không có gạo, phải ăn ngô, sắn, rau má, rau tàu bay... nhưng cán bộ, kỹ sư, nhân viên luôn đoàn kết, yêu thương nhau như người trong một nhà. Tuy thiếu thốn, khó khăn muôn phần nhưng không khí thi đua không quản ngày đêm để nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm vũ khí thiết yếu phục vụ bộ đội...”.

Đầu năm 1951, Nha NCKT đổi tên là Viện Nghiên cứu quân giới, địa điểm đóng quân của viện là thôn Nà Lằng, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nhiệm vụ trọng tâm của viện chuyển sang nghiên cứu về hỏa thuật và vật liệu phục vụ yêu cầu sửa chữa vũ khí và sản xuất lựu đạn, mìn... “Năm 1951, Phòng Hóa chất của chúng tôi vinh dự có đồng chí Hồ Thanh Kha (sau này là Đại tá, nguyên Chánh văn phòng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) được bầu Chiến sĩ thi đua tỉnh Bắc Kạn vì có sáng kiến dùng axit nitric loãng để khử phân tử thủy ngân tự do trong fulminat làm mồi nổ...”, ông Nguyễn Huy Sính nhớ lại.      

Từ năm 1954 đến 1973, đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế mới và cải tiến vũ khí theo yêu cầu trang bị cho bộ đội; ban hành các tài liệu thiết kế sản phẩm vũ khí theo kế hoạch sản xuất của Cục Quân giới. Các cán bộ kỹ thuật đã nỗ lực vượt khó, say mê sáng tạo cải biên, cải tiến để cho ra đời những loại vũ khí cần thiết chi viện cho các chiến trường. Hầu hết sản phẩm ra đời đã đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, theo sát yêu cầu tác chiến, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội... Ngày 21-8-1973, Viện Nghiên cứu quân giới đổi tên thành Viện Thiết kế quân giới, trực thuộc Cục Quân giới. Thời gian này, viện đã nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và tổ chức sản xuất nhiều sản phẩm vũ khí phục vụ cho các chiến trường, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Và ngày 2-6-2000, theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị chính thức mang tên là Viện Vũ khí.

Lập công trong thời bình

Phát huy truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân (2007, 2018), những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Viện Vũ khí luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học. Chỉ tính từ năm 2011, Viện Vũ khí đã triển khai hàng trăm đề tài, nhiệm vụ về nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, trong đó nhiều đề tài được các cơ quan chuyên môn đánh giá xuất sắc. Đến nay, gần 90% đề tài, nhiệm vụ đã được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiệm thu; trong số đề tài, nhiệm vụ đã nghiệm thu, có hơn 90% được áp dụng vào sản xuất hoặc đủ điều kiện đưa vào sản xuất loạt. Nhiều sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới tiêu biểu do viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công đã có những đóng góp quan trọng, góp phần vào việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, viện đang triển khai thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và cấp tổng cục về nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí thế hệ mới.

leftcenterrightdel

Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Vũ khí trao đổi về đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh: MINH HẢI

“Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Viện Vũ khí đã khẳng định năng lực trong nghiên cứu, thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật, được cấp trên và các cơ quan, đơn vị đánh giá cao. Đồng thời, viện đang từng bước chuyển dần sang ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới vào nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới; có điều khiển, tăng tầm bắn, tăng uy lực, tăng độ chính xác bắn và tính cơ động cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang...”, Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí cho hay.

Song song với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, viện còn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng tại các nhà máy. Theo đó, viện đã đáp ứng các tài liệu thiết kế, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm tại các nhà máy; thẩm định hàng trăm bộ tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn quân sự và phương án thử nghiệm do các đơn vị khác ban hành; tham gia nhiều cuộc bắn thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm quốc phòng và khảo sát chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật do công nghiệp quốc phòng sản xuất, sửa chữa tại một số đơn vị sử dụng trong toàn quân, làm tốt công tác giám sát thiết kế...

“Lịch sử truyền thống của Viện Vũ khí có cả những thành công và thử thách, có cả thuận lợi và khó khăn, gian khổ... Tất cả hòa quyện vào nhau để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cao cả, đó là: Vì trọng trách của những người lính làm khoa học, vì một đời sống tinh thần lành mạnh, trong sáng, luôn trân trọng, giữ gìn và kế thừa những giá trị truyền thống tạo nền móng vững bước đến tương lai. Đây sẽ là hành trang, là động lực để đơn vị tiếp tục khẳng định vị thế mới trên chặng đường phát triển; xứng đáng là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực thiết kế, chế tạo vũ khí của quân đội và quốc gia...”, Đại tá Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh. 

THÁI GIANG