Lúc ấy tôi mới 15 tuổi, theo mẹ vào nhà máy đón Tết. Bác nhìn thấy một chú cán bộ làm công tác tài chính mang mặc khá đẹp và tươm tất, trong khi công nhân còn đói, mặc quần áo vá. Bác đã nhẹ nhàng bảo: “Chú làm tài chính có khác, nên mặc đẹp hơn công nhân…”. Nghe Bác nói vậy, tôi thấy chú cán bộ tài chính ngượng ngùng, mặt đỏ lựng”...

Bác sĩ, cựu chiến binh (CCB) Đinh Thế Quán, 74 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Quân y E73, Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng Tham mưu), nguyên cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng-điều trị bệnh nghề nghiệp (PHCN-ĐTBNN) TP Hồ Chí Minh mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nhắc đến kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ gần 60 năm trước. Ấn tượng về Bác Hồ kính yêu và câu nói vô cùng sâu sắc ấy đã theo ông suốt cuộc đời. Ông Đinh Thế Quán nhớ lại: “Lúc đó còn nhỏ nên tôi không nghĩ nhiều và cũng chưa hiểu vì sao Bác nói vậy mà chú cán bộ tài chính của nhà máy lại đỏ mặt. Đến khi lớn lên, vào quân ngũ, tôi dần thấm thía câu chuyện và lấy đó làm bài học cho mình. Đầu tháng 9-1969, tôi được về Hà Nội nghỉ phép. Niềm vui sum họp gia đình chưa trọn thì cả nhà tôi ôm nhau khóc khi hay tin Bác Hồ qua đời…”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Đinh Thế Quán (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: ĐINH HỒNG THẾ

Người lính già ngừng lời. Nỗi xúc động của khoảnh khắc 50 năm trước ập về. Ông chùng giọng kể tiếp: “Đơn vị cho nghỉ phép ít ngày, tôi về đến Hà Nội vào sáng 2-9-1969. Hà Nội rực rỡ cờ hoa, dòng người nô nức xuống phố mừng Quốc khánh, nhưng lòng ai cũng âu lo. Đến sáng 3-9, nỗi lo lắng bao trùm Thủ đô khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin sức khỏe của Bác giảm sút. Hàng triệu trái tim đều chung niềm ước nguyện, cầu mong Bác mau khỏe lại. Cả ngày hôm ấy trời mưa tầm tã, tôi ở nhà mà thấy lòng thấp thỏm, âu lo. Đến 22 giờ đêm, mẹ tôi từ ngoài chạy vào, gọi giật, giọng run run: “Quán! Quán!... Con ra ngay Ba Đình xem sao. Mẹ nghe mấy bác ở khu phố nói... Bác Hồ...”. Mẹ tôi nói đến đó thì ôm mặt khóc. Lập tức, tôi chạy ra Quảng trường Ba Đình. Rất nhiều người dân cũng đang lao đi như tôi. Tôi gặp mấy chiếc xe ô tô chở đầy hoa về hướng Phủ Chủ tịch. Có những tiếng nấc trong dòng người. “Thôi! Đúng là Bác mất rồi!”. Tôi òa khóc rồi chạy như kẻ mộng du trong đêm. Đêm đó, cả nhà tôi thức trắng, vẫn mong đó không phải là sự thật. Sáng 4-9, phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin đặc biệt mà giọng như nghẹn lại. Cả khu tập thể ùa tới vây quanh chiếc đài bán dẫn của nhà tôi. Thế rồi ai nấy đều lặng người đau đớn. Những tiếng khóc cứ to dần, to dần. Nhiều người khóc òa, nức nở. Tai tôi ù đi, nước mắt trào ra. Chưa bao giờ tôi có cảm giác hẫng hụt, đau thương như thế!”.

Hai hôm sau, hết kỳ nghỉ phép, chàng lính trẻ Đinh Thế Quán phải trở về đơn vị. Anh mang theo nỗi buồn thương nhớ Bác và ý chí quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng; càng đau nỗi đau mất mát bao nhiêu, anh lại càng tự nhủ phải làm việc, chiến đấu gấp 2, 3 lần trước đây để đền đáp công ơn của Bác, thỏa lòng mong ước của Bác sớm đến ngày thống nhất non sông.

CCB Đinh Thế Quán kể tiếp: “Trên đường về đơn vị, tôi đã viết mấy vần thơ để nhắc nhủ mình phải luôn phấn đấu, học tập Bác để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ: Ta đi giữa ngày đau Bác mất/ Xé tim gan người lính lên đường/ Ta sẽ quét sạch trơn quân giặc/ Lấy thắng thù bù đắp đau thương. Sáng 9-9-1969, ở Thủ đô Hà Nội diễn ra Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Buổi tối, chúng tôi được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật lại buổi lễ truy điệu trang nghiêm, đẫm nước mắt và nghe đọc những lời dặn dò cuối cùng của Người trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Nghe đến đoạn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, tôi thấm thía từng lời và chợt hiểu ra câu nói của Bác Hồ đối với anh cán bộ tài chính trước đây: “Làm cán bộ không phải để ăn trên ngồi chốc, không phải để vinh thân phì gia mà phải biết lo cho cấp dưới, lo cho tập thể để mọi người cùng được ấm no, hạnh phúc”.

Từ đó, học tập, noi gương Bác, làm theo lời Bác dạy, chiến sĩ Đinh Thế Quán đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, được kết nạp Đảng ngày 5-4-1970, sau gần 7 tháng thực hiện Di chúc của Người. Anh chiến sĩ quân y tiếp tục vượt mọi khó khăn, hiểm nguy trong bom đạn, miệt mài học tập trở thành bác sĩ, chủ nhiệm quân y. Khắc ghi lời Bác trong câu chuyện với người cán bộ tài chính năm xưa, ông sống giản dị, gần gũi với mọi người, mẫu mực trong sinh hoạt, công tác, hết mình chăm lo cho cấp dưới và bệnh nhân nên được tập thể tin yêu, quý mến; được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đến khi chuyển ngành, là cán bộ thuộc Bệnh viện PHCN-ĐTBNN TP Hồ Chí Minh, ông vẫn giữ thói quen gần gũi, chăm lo cho nhân viên và bệnh nhân, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Về nghỉ hưu, bác sĩ Đinh Thế Quán dành nhiều thời gian khám bệnh và tham gia các chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo, làm gương cho con cháu. “Suốt cuộc đời mình, tôi ghi tạc, phấn đấu làm theo lời Bác dạy, giữ mình trong sạch, thanh liêm, sống nghĩa tình, tận tụy, có ích cho cộng đồng, xã hội”-người lính già bộc bạch.

HOÀNG THÀNH