QĐND -  LTS: Cố Trung tướng Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Chính ủy Đại đoàn 308.  Ông đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu trong nhiều trận đánh quan trọng và với ông, mỗi trận đánh là một sự tích kỳ diệu. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trung tướng Lê Quang Đạo (1999-2014), Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng xin trích đăng bài phát biểu của ông trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1994).

Đông Xuân năm 1953-1954, trước tình hình có những thuận lợi mới, nhưng cũng vô vàn khó khăn, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Khó khăn trước hết và là một trong những cái khó nhất là bảo đảm lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men, xăng, xe v.v.. cho một mặt trận lớn ở vùng núi Tây Bắc hiểm trở, con đường vận chuyển dài hơn 500km, đường độc đạo rất xấu, hư hỏng nhiều, phương tiện cơ giới ta có rất ít, lại bị không quân địch ném bom, bắn phá ngày đêm. Phải tiếp tế cho số bộ đội tham gia chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay, thời gian chiến dịch cũng kéo dài nhất, do đó, khối lượng vật chất phải bảo đảm cũng lớn nhất. Đi tiên phong là công binh cùng với dân công ngày đêm bạt núi băng rừng mở đường cho bộ đội tiến lên mặt trận. Tiếp đến các đội xe ô tô vận tải cùng các đoàn dân công hàng vạn người thuộc các dân tộc, phần đông là nữ, với từng đoàn xe đạp thồ, ngựa thồ, đêm đi ngày nghỉ, leo đèo, lội suối, ngủ lều, ngủ lán, nằm rừng, nằm bụi, ăn uống kham khổ, vất vả gian khổ, không ít người bị hy sinh, bị thương vì bom đạn địch, vì tai nạn, nhưng người người lớp lớp vẫn nối tiếp nhau, trùng trùng điệp điệp tiếp tế cho tiền tuyến, hồ hởi, phấn khởi như đi trẩy hội.

Đoàn xe cơ giới chở hàng ra chiến dịch. Ảnh tư liệu.

Các đơn vị bộ đội từ nhiều địa điểm xa hàng trăm cây số, mang theo vũ khí, gạo, đạn, hành quân chủ yếu bằng đi bộ và mang vác, lên mặt trận và vào chiến đấu đúng thời gian quy định, bảo đảm an toàn bí mật cũng là một thành công không kém phần quan trọng. Khó nhất là đưa pháo lớn, pháo mặt đất 105mm và cao xạ 37mm ra trận. Đây là lần đầu tiên ta sử dụng pháo này và cũng là một điểm bất ngờ đối với địch, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch.

Tôi được phái đi kiểm tra, đôn đốc việc đón đoàn Pháo binh 351 ở đoạn đường Tạ Khoa, Bản Chen, Cò Nòi. Tôi đến trạm vận tải của đồng chí Giới đặt trong một hang đá gần bến phà vượt sông Đà ở Tạ Khoa. Đây là một trong những trọng điểm mà máy bay địch đánh phá ác liệt nhất. Suốt đêm chúng tôi trực bên máy điện thoại hồi hộp theo dõi từng chiếc xe, từng khẩu pháo qua phà. Phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần để nắm chắc tình hình và góp ý xử lý các tình huống trục trặc, gay cấn. Mãi cho tới khi đoàn xe pháo qua sông trót lọt, phân tán hết vào các chỗ trú thật kín đáo, an toàn, ngụy trang lại cẩn thận để đêm sau đi tiếp và mãi tới lúc gặp được đồng chí Đào Văn Trường, Phạm Ngọc Mậu-Tư lệnh và Chính ủy Đại đoàn 351, mệt mỏi, căng thẳng, chúng tôi bắt tay nhau mừng rỡ, nhẹ nhõm.

Hôm sau, tôi trở lại sở chỉ huy mặt trận. Khi xe tôi qua Tuần Giáo, đến một quãng có đánh dấu “Có bom nổ chậm” do máy bay địch ném trúng mặt đường bị vùi lấp và chưa nổ thì gần sẩm tối. Tôi trao đổi ý kiến với đồng chí lái xe và đồng chí công binh ở đây rồi cho xe phóng vượt qua để về kịp đúng thời gian quy định. Chiếc xe của tôi vượt qua một quãng ngắn thì bom nổ phía sau.

Khi thay đổi kế hoạch chiến dịch, tôi đang làm phái viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận ở Đại đoàn 308, anh em coi tôi như quyền chính ủy của đơn vị. Cả đại đoàn ở phía tây mặt trận đã chuẩn bị sẵn sàng đến chiều tối 25-1-1954 tấn công tiêu diệt địch ở Mường Thanh theo kế hoạch đánh thẳng vào khu vực trung tâm Điện Biên Phủ thì nhận được lệnh hỏa tốc đình lại, sáng sớm hôm sau phải chuyển hướng ngay đi làm nhiệm vụ khác ở phía tây.

Sở chỉ huy Đại đoàn 308 lúc đó đóng ở bản Hồng Lếch phía tây Hồng Thanh. Chúng tôi chỉ còn có buổi chiều và buổi tối để chuẩn bị mọi mặt. Sáng sớm hôm sau cả đại đoàn lên đường, mỗi người chỉ mang theo vài cân gạo cùng với súng đạn. Tôi và đồng chí Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Tham mưu trưởng Vũ Yên cùng các anh em ở đại đoàn bộ vừa rời khỏi nơi đóng quân thì bị pháo địch ở Mường Thanh bắn ra, tập kích trúng vào khu vực gần sở chỉ huy. Chúng tôi vội giãn đội hình, vừa đi vừa chạy, vừa nằm phòng tránh đạn pháo.

Ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiểm tra lại quân số, may sao không ai bị dính pháo địch. Phối hợp với các đơn vị bộ đội Pa-thét Lào, Quân tình nguyện Việt Nam chúng tôi, chia làm hai cánh, một cánh đánh Mường Khoa, Mường Sài, một cánh vượt sông Nậm Hu đến cách Luông Phra-băng 8 cây số. Chúng tôi vượt qua đồi núi, đi dọc theo bờ Nậm Hu, nước sông xanh biếc, cảnh hai bên bờ sông rất đẹp. Qua cánh đồng Nậm Bạc khá rộng có nhiều ngôi nhà sàn gỗ cao ráo, kiểu Lào. Nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông. Dọc đường hành quân, chúng tôi được đơn vị Pa-thét Lào và nhân dân Lào giúp đỡ rất nhiệt tình về lương thực, thực phẩm, cho biết những tin tức về tình hình địch, v.v.. Vào trong một bản, gặp một người dân có lẽ gốc Việt, là người duy nhất biết tiếng Việt giúp chúng tôi phiên dịch để gặp gỡ, nói chuyện với dân bản. Do khả năng cung cấp của nhân dân địa phương rất hạn chế và hậu cần ta không có cách nào tiếp tế kịp, bộ đội bị đói, nhiều khi phải nhịn đói đánh giặc nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Năm ấy, chúng tôi ăn cái "Tết bộ đội” rất đơn sơ bên bờ sông Nậm Hu.

Trước tình hình bị bộ đội Pa-thét Lào và Quân tình nguyện Việt Nam uy hiếp mạnh, địch vội vàng đổ thêm quân xuống để giữ Luông Phra-băng. Nhưng Bộ Tổng tư lệnh của ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng ở 5 khu vực trên toàn chiến trường Đông Dương, tạo thêm thuận lợi cho ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau khi làm nhiệm vụ ở Lào, chúng tôi được lệnh quay về Điện Biên Phủ. Đi khỏi đất Lào, chúng tôi gặp một đám cháy rừng lớn do địch ném bom napan gây ra. Trong khi hoa ban nở trắng khắp nơi, ngọn lửa rừng bốc ngùn ngụt và lan rất mau, lan đến chỗ trú quân của nhiều đơn vị, đến cả sư đoàn bộ. Chúng tôi vội vã hành quân đến nơi an toàn, đi luồn rừng và ngụy trang cẩn thận, đề phòng máy bay địch trinh sát. Về đến Điện Biên, Đại đoàn 308 phải bắt tay ngay cùng với các đơn vị khác khẩn trương chuẩn bị đánh địch theo kế hoạch mới của chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc”, đào hào bao vây, đánh lấn, tiêu diệt từng cứ điểm địch.

Việc đánh tiêu diệt từng cứ điểm kiên cố của địch: Từ Him Lam, đồi Độc Lập… đến đồi A1, mỗi trận đánh là một sự tích kỳ diệu. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại một trong những điều kỳ diệu lớn nhất ở Điện Biên Phủ là cách đánh đào hào, bao vây, đánh lấn. Chỉ bằng xẻng, cuốc, cán bộ, chiến sĩ ta rất tích cực, kiên trì đào suốt ngày đêm các hầm hào chiến đấu, các đường giao thông hào, chiến hào ngang dọc, vòng quanh cả Điện Biên Phủ, bao vây từng khu vực Mường Thanh, Hồng Cúm, tiến dần, lấn dần, tiến sát rồi tiêu diệt từng cứ điểm địch, chia cắt địch, cắt sân bay địch. Toàn thể bộ đội ta vận động theo các giao thông hào, ăn, ngủ trong hầm, gần như toàn bộ hoạt động của quân ta là ở dưới mặt đất. Xuất hiện nhiều kiểu đường hầm, nhà hầm, chỉ huy sở hầm… Bếp Hoàng Cầm nổi tiếng đun nấu không để khói bay lúc này được cải tiến đưa sát vào các ngách hào vây lấn. Hàng trăm ki-lô-mét đường hầm giống như các sợi dây thòng lọng rất dài, cứ thắt dần, thắt dần vào cổ địch. Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, phá các hầm hào của ta, địch dùng máy bay ném bom, dùng các cỡ súng bắn phá, tổ chức nhiều đợt phản kích. Tóm lại, chúng dùng đủ mọi cách giãy giụa nhưng không sao thoát được, cho đến khi toàn bộ bị tiêu diệt.

Tôi đến với Trung đoàn 36 dự cuộc họp của đơn vị rút kinh nghiệm trận đánh tiêu diệt vị trí 106 và chuẩn bị kế hoạch đánh vị trí 206 để cắt sân bay Mường Thanh, triệt hẳn đường bay là đường tiếp tế duy nhất của địch. Đồng chí Phạm Hồng Sơn-Trung đoàn trưởng và đồng chí Phạm Hồng Cư-Phó chính ủy, chủ trì cuộc họp tổ chức ngay trong công sự của địch ở cứ điểm 106 ta mới chiếm được tại cánh đồng Mường Thanh. Dự cuộc họp xong, tôi theo giao thông hào đến một mũi của một phân đội thuộc Trung đoàn 36 đang tiếp tục đào hào, bao vây, đánh lấn địch. Trong giao thông hào, bùn nước lầy lội lút bàn chân, bộ đội ta vừa đào hào vừa sẵn sàng đánh địch phản kích. Đường hào của ta càng tiến gần sát vị trí địch thì cuộc chiến càng diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ ta phổ biến cho nhau sáng kiến lấy rơm rạ ở cánh đồng bện thành những con lăn khá to, đẩy lăn dần dần trên mặt hào làm lá chắn chống lại đạn bắn thẳng của địch để lính ta ở dưới đường hào yên chí đào tiếp… Gian khổ, ác liệt vô cùng nhưng cán bộ, chiến sĩ không một ai nao núng. Nghỉ ở một hầm chỉ huy, chúng tôi ăn cơm cùng chiến sĩ, được anh em chiêu đãi món “giá đỗ” anh em tự làm để có thêm chút “rau xanh”, một món ăn quý hiếm ở mặt trận.

Trung tướng LÊ QUANG ĐẠO