Vị đại tá đã ở tuổi 87 đang sinh sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho chúng tôi xem nhiều kỷ vật được ông cẩn thận lưu giữ từ hơn nửa thế kỷ qua. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với “bộ sưu tập” hàng chục văn bản do Ban Thông tin viên và bạn đọc, Báo Cứu quốc Trung ương gửi cho ông từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Những dòng chữ đánh máy hoặc viết tay trên giấy pelure đã úa vàng theo thời gian nhưng do được chủ nhân quan tâm gìn giữ nên còn nguyên vẹn, rõ ràng từng chữ, đúng như ông bảo: “Ngần này tuổi rồi mà khi đọc lại nhiều lúc tôi không cần đeo kính”.
Theo lời kể của ông Phan Trọng Phan, ông gia nhập ngành quân giới ngày 11-10-1948, công tác ở Phòng Diêm tiêu, Liên khu 10 lúc bấy giờ, đồng chí Bùi Bình Viễn (sau là Chánh Văn phòng đầu tiên của Cục Quân giới) là Trưởng phòng. Khoảng năm 1950, phòng sáp nhập vào xưởng H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm Quản đốc. Biết Phan Trọng Phan được học hành bài bản, có trình độ văn hóa tốt, lại cẩn thận nên cấp trên giao cho ông làm nhân viên văn thư, theo dõi công đoàn của xưởng H52 rồi kiêm luôn thư ký cho Quản đốc Ngô Gia Khảm. “Đây cũng là khoảng thời gian tôi tích cực cộng tác với Báo Cứu quốc, vì mọi thông tin của đơn vị, các sáng kiến, thành tích... đều được chuyển về chỗ tôi theo dõi, tổng hợp”-ông nói.
Thực tế, chưa đầy một năm sau ngày Mặt trận Việt Minh được thành lập (tháng 5-1941), Tổng bộ Việt Minh đã quyết định xuất bản Báo Cứu quốc để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Việt Minh, kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ các tầng lớp trung gian, vạch mặt Việt gian và các tổ chức phản động tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật; đưa tin về tình hình thế giới chống phát xít, các địa phương trong nước đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Việt Minh... Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Báo Cứu quốc tuyên truyền, giải thích, phổ biến những chủ trương, chính sách mới của cách mạng, đấu tranh với những luận điệu sai trái của những tờ báo phản động tay sai nước ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng và cuộc sống mới. Đại tá Phan Trọng Phan cho biết, từ những ngày đó, ông đã may mắn được đọc các số báo Cứu quốc-tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Ông nhớ, báo khổ 30x40cm, in lito. Giá báo bán mỗi tờ không cố định: 3 xu, 5 xu, rồi 10 xu... Sau này ông Phan được biết sở dĩ giá báo thay đổi như vậy là tùy thuộc vào số trang và giá giấy của mỗi số.
“Ngày ấy vừa có Báo Cứu quốc Trung ương, lại có Báo Cứu quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Khi báo ra, cộng tác viên như tôi đều nhận được một tờ báo biếu kèm thư của Ban Thông tin viên và bạn đọc. Tôi thấy thật vinh dự khi được góp mặt cùng nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến”, Đại tá Phan Trọng Phan cho biết.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh, động lực để ông tích cực gửi tin, bài cộng tác chính là việc tòa soạn thường xuyên trao đổi, định hướng cụ thể nội dung tuyên truyền phù hợp với khả năng cũng như môi trường công tác qua thư chung gửi cộng tác viên. Khi có yêu cầu chi tiết hơn, lại có thư riêng. Ví như ngày 27-8-1952, Báo Cứu quốc Trung ương có thư do đồng chí Nhật Thăng-Phó trưởng ban Thông tin viên và bạn đọc ký, gửi “Anh Phan Trọng Phan-xưởng H52: Chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh sự cộng tác của anh với tờ báo. Dưới đây xin có mấy ý kiến về công tác thông tin viên... Ngoài ra, mong anh gửi cho những ý kiến của anh và của anh em trong cơ quan về những chủ trương, chính sách của mặt trận, Chính phủ và đoàn thể...”. Trong một thư khác, tòa soạn lại chỉ rõ: Chúng tôi nhận được tin “Liên hoan tiễn anh Khảm đi dự Hội nghị Hòa bình châu Á” và bản nhạc “Phong trào anh Ngô Gia Khảm”. Chúng tôi rất hoan nghênh tin của anh, viết gọn, cụ thể, nêu được tình yêu thương thắm thiết giữa anh em với anh Khảm. Có nhiều đoạn hay như sửa soạn, khâu vá ba lô cho anh Khảm. Tin này chúng tôi chưa đăng ngay được vì báo đang đăng tin hội nghị họp. Chúng tôi giữ và sẽ đăng sau... Hiện nay, trọng tâm báo là tuyên truyền cho Hội nghị Hòa bình châu Á, các anh gửi ngay cho những tin xưởng H52 hưởng ứng hội nghị cho sốt dẻo!”...
Vừa cho chúng tôi đọc những kỷ vật một thời của mình, Đại tá Phan Trọng Phan vừa vui vẻ nói: “Giờ tuổi đã cao nhưng cái nghề viết lách như đã thấm vào máu nên tôi vẫn tích cực viết bài, sáng tác thơ gửi cho các báo đấy!”.
NGỌC MAI