Trong cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng ngày ấy, có một mặt trận vô cùng ác liệt là Mặt trận Đường số 7, với những địa danh nổi tiếng như: Đinh Đam, Bãi Bằng, Đèo Đất, Phunokcok, Bản Ban, Noọng Pẹt, Noọng Hét, Nậm Tiền, Nậm Mật... Cuộc chiến đấu ấy đã được sử sách lưu truyền, được tái hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Đọc những trang viết ấy, ai chẳng ao ước được đến với những mảnh đất huyền thoại, không chỉ để thăm lại những địa danh lịch sử thấm máu biết bao thế hệ cha anh, mà còn để được chiêm ngưỡng những núi non hùng vĩ của đất nước Lào tươi đẹp, ngắm cao nguyên Xiêng Khoảng bát ngát mênh mông, khám phá Cánh Đồng Chum huyền bí như một câu hỏi mấy trăm năm dành cho các nhà nghiên cứu và du khách khắp nơi trên thế giới...
Tôi là một trong số những người mang khao khát ấy. Nhưng, dẫu có lãng mạn và giàu trí tưởng tượng đến mấy, tôi cũng không thể hình dung có một ngày mình được ngược Đường số 7 lên Xiêng Khoảng cùng những người lính đã tham gia chiến dịch giải phóng và bảo vệ Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng ngót nửa thế kỷ trước. Cuộc “hành hương” lần này do Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 13, làm trưởng đoàn; cùng nhiều nhân chứng lịch sử như: Đại tá Hoàng Anh Phúc, nguyên Tiểu đoàn trưởng Pháo cao xạ bảo vệ Đường số 7; Đại úy Nghiêm Xuân Thép, nguyên lái xe Đại đội Vận tải 53; Đại úy Ngô Quốc Lập, nguyên cán bộ tuyên huấn Binh trạm 13. Tham gia đoàn còn có một số nhà văn, nhà thơ đã từng gắn bó với Mặt trận Đường số 7 ngày ấy, hiện nay là những tác giả quen biết như: Vương Trọng, Châu La Việt, Thái Kế Toại, Phạm Ngọc Tiến, Trần Nhương, Kim Quốc Hoa v.v..
Có một người lính vắng mặt trong cuộc hành trình này, nhưng được mọi người luôn nhắc đến. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn, người con của quê hương Quảng Bình, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Quân khu Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng từ năm 1963 đến 1973, trực tiếp chỉ huy chiến đấu đập tan nhiều chiến dịch lấn chiếm của địch trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Cả cuộc đời quân ngũ của ông hầu như gắn bó với chiến trường Lào qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2003, trước khi qua đời ở tuổi 76, ông đã kịp xuất bản cuốn hồi ký "Những ngày ở Cánh Đồng Chum", viết về những kỷ niệm sâu sắc của mối tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào trên cao nguyên Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng: "...Tôi đã được uống loại chè tuyết Phu Xản do các chiến sĩ tình nguyện chế biến. Uống xong, lưỡi còn vương mãi vị ngọt. Những đồng cỏ bao la của các huyện Noọng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Xủi... nếu được chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật, lại được chế biến tốt, sẽ tạo một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhọn kinh tế của một tỉnh miền núi Thượng Lào...”.
    |
 |
Các cựu chiến binh tại Lễ khai trương Dự án tổ hợp “Resort bò sữa” Organic Lao-Jagro. Ảnh: VÂN TUYÊN |
Lời tiên đoán và cũng là ước nguyện của vị tướng bảo vệ Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng năm xưa, hôm nay đang trở thành sự thật. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã cùng đối tác Nhật Bản mang mô hình “Resort bò sữa” đến Lào, triển khai Dự án tổ hợp “Resort bò sữa” Organic Lao-Jagro tại Xiêng Khoảng. Vinamilk kỳ vọng dự án sẽ trở thành một điểm sáng trên cao nguyên Xiêng Khoảng, trở thành thủ phủ bò sữa của Lào và khu vực.
Trong buổi tiếp chuyện các cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, ông Buthon Chanthaphon, Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng khẳng định: Cao nguyên Xiêng Khoảng đã là một biểu tượng cao đẹp cho tình đoàn kết Việt-Lào trong kháng chiến cứu nước. Giờ đây, với sự tham gia của Vinamilk và Lao-Jagro, Xiêng Khoảng còn là biểu tượng cho sự hợp tác kinh tế đa phương trên nhiều lĩnh vực của 3 nước Lào, Việt Nam và Nhật Bản.
Trong buổi lễ khai trương Dự án tổ hợp “Resort bò sữa” Organic Lao-Jagro, Đại tá Nguyễn Phú Nho trước khi thay mặt đoàn CCB Việt Nam lên phát biểu, ông đã mời các CCB cùng lên sân khấu. Tất cả đều quân phục chỉnh tề, giơ tay chào kiểu nhà binh. Họ tự hào vì cách đây 50 năm, những cán bộ, chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng bộ đội và nhân dân Lào, tham gia giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử. Nay các CCB được trở lại chiến trường xưa để dự lễ khai trương trang trại bò sữa có tầm cỡ quốc tế của hai Công ty Vinamilk và Lao-Jagro. Các CCB xúc động, gửi gắm niềm tin yêu, hy vọng vào hai công ty tiếp nối truyền thống và tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào trong lĩnh vực kinh tế, ngay trên đất nước Lào, trên chiến trường Cánh Đồng Chum năm xưa...
MAI NAM THẮNG