Cuối năm 1970, người viết bài này là một cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ mới ra trường được điều về Viện Công nghiệp rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngày ấy, một chủ nhiệm khoa của viện là kỹ sư lâm sinh Nguyễn Chí Thanh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kèm theo chiếc xe máy Babetta. Một sự kiện rất được mọi người trong cơ quan quan tâm, vì vừa vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng lại được thưởng một hiện vật là của hiếm lúc đó. Sau lễ nhận bằng khen, Chủ nhiệm Khoa Bảo quản lâm sản Nguyễn Chí Thanh đã kể cho mọi người nghe về nghiên cứu ứng dụng của ông đã làm hai năm về trước có được kết quả tốt, mà trước đấy ông và các cộng sự không được phép nói ra công khai. Đó là việc chống mối cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà sàn Bác Hồ.

leftcenterrightdel
Bác Hồ ở nhà sàn trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, tháng 4-1960. Ảnh tư liệu    

Thế giới đã thống kê được khoảng 2.700 loài mối khác nhau, ở nước ta đến nay cũng tìm thấy hơn 120 loài. Loài mối thường gặp phổ biến nhất là mối nhà, tên khoa học là Coptotermes formosanus shis. Ở một nước nhiệt đới khí hậu nóng, ẩm như Việt Nam, thường thì mối phá hoại nhà cửa, kho tàng rất “im ắng”. Chúng hoạt động âm thầm không ngừng nghỉ nên khi các kết cấu gỗ, vải, giấy... trong công trình bị hư hại nặng nề rồi ta mới biết. Mối là côn trùng sống theo xã hội, tổ ở sâu trong lòng đất, có phân công cụ thể: Mỗi tổ có một con mối chúa, đầu nhỏ như hạt gạo còn cái bụng lớn hơn hàng trăm lần, chuyên làm nhiệm vụ sinh sản, mỗi lần đẻ vài trăm trứng; mối thợ thì xây tổ và kiếm thức ăn, chiếm số đông, đây cũng chính là thủ phạm trực tiếp phá hoại công trình trên mặt đất. Ngoài ra, trong tổ còn có mối lính chuyên bảo vệ và mối vua để giao phối với mối chúa.

Từ lâu, việc chống mối đã là một nhu cầu cấp thiết cả trong sản xuất và đời sống. Nhưng việc chống mối trước đây còn đơn giản, ít hiệu quả như đổ thuốc vào nơi mối xông; đào tìm tổ rồi phun hóa chất tiêu diệt. Song tổ mối nằm sâu trong lòng đất vẫn sinh sôi phát triển. Kỹ sư Nguyễn Chí Thanh ngày ấy xuất phát từ nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài mối mà đề xuất phương pháp diệt mối tận gốc, vừa triệt để, không làm thay đổi hiện trạng công trình, lại rẻ tiền. Ông đặt tại các khu vực có mối những “mồi nhử” là các vật liệu thức ăn ngon để tập trung được nhiều mối tìm đến, rồi phun một loại thuốc bột lên chúng, các con mối không chết ngay mà chạy về tổ gây nhiễm độc cho mối chúa và cả tổ trong một thời gian ngắn. Nhờ sáng kiến này mà những năm đầu tiên áp dụng (1966-1967), Khoa Bảo quản lâm sản đã giúp cho nhiều kho tàng, công trình xây dựng trong và ngoài quân đội khỏi bị mối phá hoại. Khu vực Phủ Chủ tịch, bao gồm cả nhà sàn Bác Hồ rộng vài héc-ta cũng đã bị mối tấn công ở nhiều nơi và nhà sàn của Bác làm bằng gỗ thường đã bị mối xông. Đầu năm 1968, Văn phòng Chính phủ yêu cầu nhóm nghiên cứu của kỹ sư Nguyễn Chí Thanh chống mối toàn diện cho toàn khu vực Phủ Chủ tịch. Ngày đó, công việc đã được triển khai một cách âm thầm và khẩn trương. Hiệu quả đến ngay tức thì, các tổ mối nằm sâu trong lòng đất đều bị tiêu diệt, bằng chứng là tất cả những nơi từng bị mối xông đều không thấy mối xuất hiện nữa. Công trình được bảo hành 3 năm, đến cuối năm 1970 thì đề tài chính thức nghiệm thu, được đánh giá “đặc biệt xuất sắc”.

Cũng từ phương pháp diệt mối tận gốc, sau này, kỹ sư Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thiện đề tài cả về lý thuyết cũng như thực tiễn, bảo vệ thành công học vị tiến sĩ sinh học. Khi nghỉ hưu, ông tham gia Ban chấp hành Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và là Giám đốc sáng lập Trung tâm Phát triển công nghệ lâm sản có trụ sở chính ở 111 Láng Hạ, Hà Nội. Tại trung tâm này, trong suốt hơn 20 năm qua, lớp đàn em, con cháu của ông đã triển khai rất thành công trên diện rộng toàn quốc phương pháp diệt mối tận gốc, trong đó còn có cải tiến mới về thuốc cũng như công nghệ phòng trừ mối. Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh qua đời cuối năm 2006 tại Hà Nội, hưởng thọ 75 tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là “vua diệt mối” của Việt Nam.                                                                         

PHẠM QUANG ĐẨU