Lần đầu tiên tôi đến "làng đỏ"-phường Hưng Dũng vào tháng 10-1994. Đó là buổi chiều nắng rải vàng ngõ phố. Ông Nguyễn Trung Hùng, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hưng Dũng, tự hào kể với chúng tôi về "làng đỏ", về phong trào cách mạng sôi nổi của xã Yên Dũng Thượng, về những chiến sĩ Tự vệ đỏ. Trong đó có chú của ông-cụ Nguyễn Trung Hộ, đảng viên cộng sản kết nạp năm 1930.
Gia đình cụ Nguyễn Trung Hộ là một trong những cơ sở cách mạng của xã Yên Dũng Thượng. Vào những năm 1927-1929, khi đó mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Trung Hộ cùng một số thanh niên trong làng bí mật tiếp xúc với những người yêu nước, từng hoạt động trong Hội Phục Việt, Tân Việt Đảng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nguyễn Trung Hộ tích cực hoạt động trong phong trào quần chúng nông dân ở xã, liên hệ với công nhân của các nhà máy ở thị xã Vinh (nay là TP Vinh). Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, do sớm giác ngộ và hoạt động tích cực, Nguyễn Trung Hộ được kết nạp Đảng.
Những năm 1930-1931, Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng giao nhiệm vụ cho đảng viên Nguyễn Trung Hộ tham gia Đội Tự vệ đỏ và là hạt nhân lãnh đạo của đội. Nguyễn Trung Hộ cùng với các đảng viên trong chi bộ tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... cùng các đội viên Tự vệ đỏ bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân trong xã và phong trào công nhân ở địa phương. Đồng chí Hộ trực tiếp tham gia bảo vệ cuộc biểu tình sáng 1-5-1930. Cuộc biểu tình này có tới hơn 1.200 nông dân xã Yên Dũng Thượng, cùng với đoàn nông dân các xã vùng hạ Nghi Lộc xuống đường đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân.
Tháng 8-1930, xã Yên Dũng Thượng được Xứ ủy Trung Kỳ lựa chọn làm địa điểm đặt cơ quan để tổ chức các hội nghị, chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng. Gia đình Nguyễn Trung Hộ nhận nuôi giấu, bảo vệ một cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ ở ngay trong nhà mình. Đồng chí tích cực cùng với Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng lãnh đạo, vận động nhân dân, tham gia các tổ chức quần chúng phối hợp với công nhân các nhà máy Vinh-Bến Thủy biểu tình, đấu tranh đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân. Để ủng hộ công nhân Nhà máy Trường Thi đình công, nhân dân xã Yên Dũng Thượng, trong đó có cụ Hộ đã tổ chức biểu tình. Tháng 9-1930, cuộc biểu tình lớn với hàng nghìn nông dân và công nhân nhà máy diêm tham gia tại Đình Trung, bắt bọn hào lý trả lại ruộng đất công và hàng nghìn quan tiền đem chia cho dân nghèo. Đồng chí Hộ và các đội viên Tự vệ đỏ trực tiếp tham gia bảo vệ cuộc biểu tình này. Sau cuộc đấu tranh, Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng và tổ chức Nông hội đỏ đã lãnh đạo nhân dân cử ra đại biểu để quản lý mọi công việc trong toàn xã. Xã bộ nông, một kiểu "Xô viết nông dân" ra đời. Đội Tự vệ đỏ ngoài nhiệm vụ bảo vệ quần chúng nhân dân đấu tranh còn có nhiệm vụ bảo vệ chi bộ đảng, các xã bộ nông, thôn bộ nông. Trong thời gian này, Đội Tự vệ đỏ xã Yên Dũng Thượng đã trấn áp nhiều phần tử phản cách mạng, tay sai của thực dân Pháp.
Hoảng sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và tay sai đã điều binh lính các nơi về đàn áp phong trào trong bể máu, trong đó có xã Yên Dũng Thượng. Bí thư chi bộ Nguyễn Tiến Cuông cùng các đồng chí Lê Công Thống, Nguyễn Sỹ Chính hy sinh. Số còn lại hầu hết bị bắt giam, chịu tra tấn, tù đày, trong đó có nhiều đồng chí anh dũng hy sinh trong nhà lao của thực dân Pháp, như "thủ khoán" Hoàng Tín và Nguyễn Đình Điền... Đồng chí Nguyễn Trung Hộ cùng các đảng viên trong chi bộ rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, tham gia giành chính quyền năm 1945. Cụ hoạt động cách mạng liên tục đến năm 1966 thì qua đời. Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng, cụ Nguyễn Trung Hộ đã được Chính phủ cấp Bằng có công với nước.
HƯƠNG NGÂN