Vào đầu năm 2001, tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đã đến nhà riêng của GS Nguyễn Thị Kim Thoa tại phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội) để phỏng vấn nhân một sự kiện khoa học quốc tế về Trái Đất sắp họp tại Thủ đô mà bà là người chủ trì hội nghị. Trong câu chuyện, bà có nhắc đến một kỷ niệm không thể nào quên từ thời còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Đại học Quốc gia Moscow), đã cùng cô giáo của mình lên Bắc Cực nghiên cứu về “từ mạch động” của từ quyển Trái Đất. Bà kể:
- Năm 1967, khi Liên Xô đang gặt hái được những thành công trong việc đưa người lên vũ trụ, họ tiến hành khảo sát hiện tượng các luồng hạt plasma tích điện tràn vào từ quyển Trái Đất. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong việc định vị đường bay cho các tàu vũ trụ và bảo vệ thân tàu khi đang bay mà gặp phải bão từ. Một dự án khoa học giữa Liên Xô và Pháp được ký kết. Hai nơi đặt trạm quan trắc biến thiên từ trường là làng Sogra ở cực Bắc nước Nga và đảo Kergelen ở Ấn Độ Dương, thuộc Pháp. Tôi được tham gia đoàn thám hiểm tại làng Sogra, vì lúc đó tôi đang làm luận văn tốt nghiệp ngành Vật lý tại Trường Đại học Lomonosov, dưới sự hướng dẫn của nữ GS Troitskaya, trưởng đoàn thám hiểm...
Nói rồi, GS Nguyễn Thị Kim Thoa giở album ảnh về những ngày đáng nhớ ở Bắc Cực ấy, lấy ra từng tấm ảnh giới thiệu với tôi. Làng Sogra, một ngôi làng Nga điển hình ở phương Bắc, chỉ có khoảng năm chục nóc nhà bằng gỗ. Vào mùa đông, đường đi trong làng chỉ còn một lối nhỏ, hai bên là những dãy núi tuyết cao ngất. Dân trong làng thường dùng xe trượt tuyết do 2-3 con chó kéo để đi lại, vào rừng lấy củi về sưởi hoặc đi chở nước từ sông về. Để tiết kiệm nhiên liệu, các nhà trong làng không có nhà tắm riêng, mà có một nhà tắm nước nóng công cộng phải trả tiền, kể cả với việc tắm hơi kiểu truyền thống Nga.
Đoàn thám hiểm đã thuê mấy căn nhà dân ở đầu làng để làm nơi ở và đặt máy quan trắc. Đoàn có 30 người, chia nhau làm việc theo 3 ca vì công việc quan trắc phải tiến hành liên tục 24/24 giờ mỗi ngày. Hằng tuần, có những buổi thảo luận và phân tích các số liệu quan trắc đồng thời giữa Sogra và Kergelen cùng các chuyên gia Nga và Pháp do GS Troitskaya chủ trì. Mỗi buổi sáng, giáo sư đều chào cô sinh viên Việt Nam bằng một câu hỏi: “Chào cô bé! Hôm nay có kết quả gì mới?”. Chính vì câu chào đó mà nhịp điệu sống của cô gái Việt Nam đầu tiên có mặt ở Bắc Cực luôn căng thẳng và gấp gáp, phải xử lý cho kịp các số liệu máy quan trắc ghi được, rồi minh giải các tài liệu đó để tìm ra quy luật của thiên nhiên. Những cuộc thí nghiệm hợp tác giữa Liên Xô và Pháp tại hai đầu mút của đường sức từ trường Trái Đất ở hai điểm trên đã cho phép con người hiểu được sự phân bố của các biến thiên từ chu kỳ cực ngắn, từ đó tìm hiểu được cấu trúc của từ quyển Trái Đất, hiểu được sự khác nhau giữa phần từ quyển ban ngày và ban đêm. Sau này, những công trình khảo sát về “từ mạch động” mà nhà khoa học trẻ Nguyễn Thị Kim Thoa được đứng tên cùng với GS Troitskaya đã được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học quốc tế và sau đó công bố trong các tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Pháp, trở thành những công trình nghiên cứu đầu tiên về thời tiết vũ trụ trên thế giới.
Một ấn tượng mạnh với nhà khoa học trẻ Nguyễn Thị Kim Thoa lúc ở Bắc Cực là được chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ, đó là Bắc Cực quang. Theo mô tả của bà trong một bài báo sau này được đăng trên tạp chí Tia sáng, số 4 năm 2000: “Trong đêm đen ở vùng Bắc Cực, bỗng bừng lên một vùng ánh sáng chói lòa muôn màu rực rỡ, nhiều lần đẹp hơn cầu vồng mà chúng ta vẫn thấy ở Việt Nam. Bầu trời sáng rực bởi chính sự phát quang của những luồng hạt plasma tích điện đã tràn vào từ quyển Trái Đất từ những vụ bùng nổ sắc cầu trên Mặt Trời, rồi theo đường sức từ trường Trái Đất lao về Bắc Cực. Tôi đã đứng nhiều giờ dưới cái lạnh phương Bắc âm 50 độ C để quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này, trong khi các máy ghi biến thiên từ liên tục thông báo về sự xuất hiện của một trận bão từ mạnh...”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa sinh năm 1944 tại Nam Định; tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov năm 1969; nhận bằng Tiến sĩ năm 1978 và Tiến sĩ khoa học năm 1985 tại Viện Vật lý Trái Đất, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Bà còn là nhà hoạt động xã hội sôi nổi, từng là đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội các khóa X, XI. Bà đã nghỉ hưu năm 2008, hiện cùng gia đình sống tại TP Hồ Chí Minh.
PHẠM QUANG ĐẨU