Vào đến đất Huế trời đã xế chiều, bỗng anh Hải bảo lái xe dừng lại bên vệ Quốc lộ 1. Chúng tôi xuống xe, tôi nhận ra gương mặt anh bần thần, rồi anh bảo: “Thắng có nhận ra phía tây là dốc Truồi không, địa bàn hoạt động của Trung đoàn 6 đấy!”. Anh Hải đã một thời lính chiến, lại vốn là phóng viên chiến trường tham gia hầu hết các chiến dịch quan trọng trên địa bàn Thừa Thiên-Huế trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết tôi là lính Trung đoàn 6 nên tôi hiểu cảm xúc của anh lúc này. Cảm xúc của một người lính, thời trận mạc ùa về bao kỷ niệm không thể nào quên được.

Dốc Truồi vừa dài, vừa dốc. Từ chân dốc lên đi bộ cũng phải hơn một tiếng đồng hồ mới đến đỉnh. Từ đỉnh dốc Truồi nhìn thấy gần trọn thành phố Huế, nhìn thấy cả phá Tam Giang. Trong những năm chiến tranh, dốc Truồi là con đường vận tải huyết mạch của bộ đội ta, là mục tiêu bom, pháo của địch bắn phá, nhất là vào mùa khô.

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Tôi chưa bao giờ đứng nhìn dốc Truồi từ đồng bằng, nhưng nghe nói từ căn cứ pháo binh La Sơn của địch nhìn thấy dốc Truồi như trước mặt, thậm chí vào mùa khô, những ngày trời trong vắt, qua ống nhòm có thể thấy được bóng người di chuyển lên xuống trên dốc Truồi. Có lẽ vì thế, dốc Truồi mùa khô không mấy ngày không hứng pháo địch từ căn cứ pháo binh La Sơn giội xuống. Pháo dừng bắn thì máy bay trinh sát OV10 lại lượn lờ trên đầu, chỉ cần phát hiện quân đi là chúng gọi pháo giội xuống. Dốc Truồi giữa vùng giáp ranh như là một gạch nối đồng bằng với vùng chiến trận miền Tây Thừa Thiên-Huế.

Lực lượng bộ đội đông nhất thường di chuyển qua dốc Truồi chủ yếu là Trung đoàn 6 (Phú Xuân), bộ đội chủ lực địa phương và du kích Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra còn một số đơn vị bộ đội chủ lực từ miền Bắc hoạt động theo từng chiến dịch. Mùa khô, những thời điểm địch bắn phá ác liệt thì bộ đội, du kích địa phương rút vào hoạt động ban đêm. Có những đêm trước mùa chiến dịch, quân lên, quân xuống vận chuyển đạn dược, lương thực, vũ khí… nườm nượp như trẩy hội. Nhưng dẫu quân ta khéo ngụy trang đến mấy nhiêu cũng không thể che mắt địch mãi được, nhất là về mùa khô. Khi chúng nhận ra con đường huyết mạch ấy thì cuộc đối đầu giữa máy bay, pháo binh địch với quân ta ngày càng quyết liệt, chúng đưa thám báo thăm dò, chúng nống quân ra phục kích. Nhiều chuyến hàng để qua được dốc Truồi phải đánh địch mà đi. Có lẽ thế nên mùa mưa đã trở thành mùa vận chuyển chính, cho dù con đường vắt qua dốc Truồi khó đi hơn mùa khô.

Từ chân lên đỉnh dốc, người khỏe nhất cũng phải nghỉ ít nhất một lần giữa lưng chừng. Mỗi lần lên đỉnh dốc là một lần vui. Đặt gùi hàng xuống, vươn vai hít thở bụi mưa, hơi sương vào ngực đến đâu mát lạnh đến đó. Nhất là vào ban đêm, ai cũng dõi mắt xuống đồng bằng, ngắm thành phố lung linh ánh đèn. Trên đỉnh dốc Truồi không khi nào vắng người ngồi nghỉ và điểm dừng chân ấy thường lâu hơn, bộ đội và du kích gặp nhau ríu ra ríu rít. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ buổi đầu gặp lại các cô gái Pa Kô mà chúng tôi từng quen biết thời gian đơn vị đóng quân củng cố lực lượng ở A Vao. Họ là những cô gái du kích địa phương thường giúp đỡ lính tiểu đoàn bộ chúng tôi làm nương, phát rẫy, tăng gia sản xuất, di chuyển thương binh, bệnh binh... Những cô gái Pa Kô nhỏ nhắn, khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn. Buổi đầu gặp chúng tôi, các cô gái chỉ vào từng người một, chủ động giới thiệu tên: Em là Hồ Kan Hà; em là Hồ Kan Nội; em là Hồ Kan Việt; em là Hồ Kan Nam… Ban đầu chúng tôi cứ tưởng họ giới thiệu tên thật, vì người Pa Kô, người Vân Kiều thường mang họ Bác Hồ. Nhưng khi họ đồng loạt nói: “Chúng em là em gái chị Hồ Kan Lịch!” rồi phá lên cười thì chúng tôi mới biết đó không phải là tên thật của họ. Mỗi người đều tự nhận cho mình một cái tên nhưng rồi gọi mãi cũng thành quen.

Những ngày tiểu đoàn tôi đóng quân dưới chân dốc Truồi, nhiều lần vận chuyển đạn, gạo chúng tôi vẫn gặp các cô gái Pa Kô, Vân Kiều quen từ ngày còn ở A Vao. Du kích địa phương cũng giống bộ đội địa phương, bàn chân của họ bước khắp nẻo rừng quê hương những năm đánh giặc.

Đầu năm 2013, tôi vào Huế dự Lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 6. Bữa cơm hội ngộ hôm ấy tôi ngồi cùng 3 chị, có lẽ trạc tuổi tôi. Nghe họ nói chuyện tôi biết họ cũng là những du kích địa phương sát cánh cùng Trung đoàn 6 trong những năm chiến tranh. Trong 3 chị du kích ấy, tôi nhận ra một chị trong đội du kích ở A Vao ngày ấy. Chị là Kan Nội, nhưng tên thật của chị là Miêng. Miêng nói rằng số chị em du kích ngày tôi quen và dạy hát, đến bây giờ không biết ai còn, ai mất. Trong giây phút sâu lắng ấy chợt Miêng thốt ra: “Lâu lắm rồi chúng em không trở lại dốc Truồi. Tuổi trẻ chúng em đã để lại đôi chân, đôi vai trên dốc Truồi ấy!”.

HỒ ANH THẮNG