65 năm, những bước chân không mỏi của “lính doanh trại” đã xây dựng từ công trình đặc biệt “ngôi nhà của Bác” đến những “doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” trên khắp các vùng miền cả nước...

Từ “ngôi nhà của Bác”

Ngay từ những ngày đầu khó khăn chồng chất, Cục Doanh trại đã phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường và sức mạnh của ngành doanh trại toàn quân để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong vòng 3 năm (1958-1960), một khối lượng lớn doanh trại bảo đảm cho bộ đội rút dần khỏi nhà dân để ăn ở, sinh hoạt và rèn luyện tập trung đã được hoàn thành. Cũng trong khoảng thời gian này, có hai công trình mang đậm dấu ấn, đồng thời là niềm vinh dự, tự hào của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành doanh trại quân đội, đó là được thiết kế, thi công hai “ngôi nhà của Bác”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đội thi công của Đoàn 5, Cục Doanh trại năm 1959. Ảnh tư liệu

Công trình đầu tiên là Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Năm 1958, Đoàn 5-Cục Doanh trại được giao nhiệm vụ này. Thiết kế ban đầu do kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Ninh thực hiện, với yêu cầu Bác giao trực tiếp là “hãy thiết kế một ngôi nhà cho Bác nhưng đó không phải là một ngôi biệt thự”. KTS Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục Doanh trại sau đó là người tiếp nhận đồ án kiến trúc ngôi nhà, rồi cùng KTS Nguyễn Văn Ninh trực tiếp chỉ đạo Đoàn 5 thi công. Lúc sinh thời, ông từng kể, khi nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Đoàn 5 vô cùng phấn khởi, tự hào nên ai cũng nỗ lực làm việc. Và chỉ một năm sau, công trình được đưa vào sử dụng nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 69 của Người. Ngày khánh thành ngôi nhà sàn, Bác mời cơm đội thi công và chụp ảnh kỷ niệm cùng đội ngay trong khu vườn bên cạnh nhà. Bức ảnh quý này hiện được lưu giữ, trưng bày trang trọng tại phòng khách của Cục Doanh trại.

Tiếp sau công trình này, Cục Doanh trại lại được cấp trên tin tưởng giao thiết kế và xây dựng tại khu K9-Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) ngôi nhà để Bác và Trung ương Đảng làm việc, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo tài liệu lưu trữ tại Khu di tích K9-Đá Chông, bước sang năm 1959, trước nguy cơ một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Cục Doanh trại vinh dự được giao nhiệm vụ thiết kế và thi công ngôi nhà hai tầng tại khu K9-Đá Chông. Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà tỉ mỉ. Đặc biệt, Bác đã cắm mốc, chọn hướng cho dựng ngôi nhà chính làm nơi hội họp, tiếp khách, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Ngôi nhà được gọi với tên thân mật là “Nhà sàn”. Ngôi nhà được khởi công vào tháng 9-1959 và khánh thành vào ngày 15-3-1960. Từ khi khánh thành đến năm 1969, ngôi nhà cùng với các công trình khác trong khu vực nhiều lần đón Bác lên ở và làm việc. Tại nơi này, Bác đã cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đến “doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Cũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lấy nhiệm vụ bảo đảm phục vụ chiến đấu là trung tâm, bước chân không mỏi của những người lính doanh trại đã hiện diện ở khắp nơi. Ở tuyến đầu, ngành bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu cho bộ đội như nhà bạt, nhà dã chiến, ánh sáng, dầu đèn..., đồng thời chuyển phần lớn lực lượng xây dựng sang chiến đấu và phục vụ cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Ở tuyến sau là sản xuất hàng chục vạn cột bê tông, vì kèo thép phục vụ cho cơ động, phân tán lực lượng, nhà máy, kho, xưởng, cải tạo các hang núi đá để sản xuất quốc phòng, sơ tán bệnh viện bảo đảm chiến đấu lâu dài. Để phục vụ bộ đội đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, ngành doanh trại đã nhanh chóng tham mưu và chuyển hướng sang xây dựng các khu sơ tán, cải tạo hang động, vừa bảo đảm chiến đấu, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của quân đội.

leftcenterrightdel
Doanh trại xanh, sạch, đẹp của Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Ảnh: LƯƠNG THẢO

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều tài liệu về lịch sử Cục Doanh trại, ngành doanh trại quân đội và đã bắt gặp những con số ấn tượng. Trong 10 năm miền Bắc xây dựng CNXH, toàn ngành doanh trại quân đội đã xây dựng được 1,7 triệu mét vuông nhà, gấp 4 lần diện tích doanh trại địch để lại. Sau năm 1975, quân đội điều chỉnh lực lượng, thay đổi thế bố trí chiến lược cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Trong 4 năm (1976-1979), toàn quân và toàn ngành đã sản xuất gần 145 triệu viên gạch, hơn 26 triệu viên ngói, 12.850 tấn xi măng. Cục Doanh trại đã trực tiếp thiết kế, thi công 220.000m2 nhà, tiếp nhận nhiều công trình viện trợ thiết bị toàn bộ, xây dựng nhiều công trình hiện đại...

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt, Cục trưởng Cục Doanh trại cho biết, đến nay, nhìn tổng thể hệ thống doanh trại quân đội đã có bước thay đổi căn bản từ chỗ bộ đội chủ yếu sinh hoạt, làm việc, học tập ở nhà cấp 4, nhà tạm sang các cơ sở doanh trại được xây dựng khang trang, bền chắc, thống nhất, ngày càng sạch, đẹp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội chính quy, nâng cao chất lượng sống cho bộ đội và xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú. Hiện toàn quân đã có hơn 320 đơn vị cấp trung đoàn và tương đương đạt tiêu chuẩn “Doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp”. Công tác quy hoạch doanh trại đã thực hiện đi trước một bước. Cơ sở doanh trại được phê duyệt tổng mặt bằng khi có dự án đạt tỷ lệ gần 100%, quy hoạch đi trước đạt 91,8%. Các doanh trại vừa bảo đảm quy trình pháp lý chặt chẽ, vừa đáp ứng công năng sử dụng tốt nhất; công trình có độ bền chắc, an toàn, tuổi thọ được kiểm soát theo phân cấp. Nhiều công trình đã đoạt giải thiết kế tốt, giải công trình chất lượng cao của Bộ Xây dựng, giải thưởng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, Cục Doanh trại đã tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Hậu cần ban hành các thông tư, chỉ thị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các dự án đầu tư xây dựng đúng trình tự quy định của pháp luật; tăng cường cải cách hành chính, xử lý nhanh, gọn các thủ tục đầu tư bảo đảm chất lượng, tiến độ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các đơn vị SSCĐ, đơn vị đủ quân, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và hoàn thành các chương trình, mục tiêu của ngành. Nhiều công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Chu (Quân khu 9), các bể chứa nước trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, hồ chứa nước Trung đoàn 66 (Quân đoàn 3)... không những bảo đảm đủ nước sạch sinh hoạt cho bộ đội, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường mà còn bảo đảm cho nhân dân trên địa bàn và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về câu chuyện xây dựng hồ chứa nước sạch cho bộ đội ở những địa bàn khó khăn, chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt nhớ mãi chuyến đi công tác ra đảo Hòn Từ thuộc quần đảo Thổ Chu năm 2018. Cùng đi còn có Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9 (nay đã nghỉ hưu theo chế độ). Đó là một chuyến đi khá vất vả do gặp sóng to gió lớn, tàu chở đoàn không cập được bến, xuồng nhỏ hạ xuống cũng bị sóng đánh đứt cáp. “Lúc ấy anh Thủy đi trước, tôi đi sau cùng, suy nghĩ kiểu gì cũng phải vào với anh em. Thế là trên những chiếc thuyền thúng của ngư dân giàu kinh nghiệm đi biển, có những lúc tưởng lật thuyền, chúng tôi đã vào được đảo. Đến được điểm đóng quân của bộ đội ta, anh em chia sẻ nhiều về tình trạng thiếu nước khi hết mùa mưa. Hằng ngày, anh em phải thay phiên nhau đến giếng nước nhỏ múc thật khéo mới có ít nước sạch mang về”-Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt kể. Sau chuyến đi đó, đồng chí Cục trưởng và Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã báo cáo, xin chỉ đạo và được sự đồng ý của trên. Quân khu 9 đã chỉ đạo các cơ quan khảo sát, lên phương án thiết kế thi công trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới mà bộ đội ta đã tiếp cận. Kết quả, một năm sau, hồ chứa nước với sức chứa cả nghìn mét khối được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. “Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy khả năng sẵn sàng vượt khó, làm chủ khoa học kỹ thuật của ngành doanh trại quân đội. Tôi tin rằng trong tương lai, ngành doanh trại quân đội nói riêng và bộ đội hậu cần nói chung đủ khả năng thực hiện những nhiệm vụ khó hơn thế nữa”-Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt khẳng định.

TUẤN TÚ