Trước khi tôi vào bộ đội, bố mẹ đã cưới vợ cho tôi. Tháng 4-1962, tôi xung phong nhập ngũ, biên chế vào Trung đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 208, Bộ tư lệnh Pháo binh. Sau hai tháng huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 208, tôi được cấp trên cử đi đào tạo khẩu đội trưởng tại đơn vị. Kết thúc khóa học, tôi được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. 

Đầu tháng 8-1964, tôi xung phong đi B. Đơn vị xuất phát từ Chùa Hà, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc... Khoảng 6 tháng sau, cấp trên bổ nhiệm tôi giữ chức Trung đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 208 và tham gia công tác huấn luyện của đơn vị. Với thành tích xuất sắc trong huấn luyện, ngày 5-11-1965, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam)...

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ngày 30-7-1978, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn Bộ binh 307 (Quân khu 5), tái lập Trung đoàn Pháo binh 576 trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 307. Tôi được điều động và bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 576, mang quân hàm trung tá, đồng chí Dưỡng (quê Bắc Giang) là Chính ủy.

Tối 21-12-1982, sau khi kiểm tra công tác huấn luyện bộ đội ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Preah Vihear, tôi cùng khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ đi xe ô tô GAZ-66 về Sở chỉ huy Trung đoàn 576. Xe chúng tôi đi được vài cây số thì không may vào đoạn đường địch phục kích bằng mìn chống tăng. Sau này, nghe đồng đội kể lại, hôm đó quả mìn của địch nổ, xe ô tô của chúng tôi bay lên không trung. Tôi bất tỉnh không biết gì nữa. May mắn thay, khoảng thời gian ấy có thủ trưởng Bộ tư lệnh Mặt trận 719-Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia trên đường tới kiểm tra đơn vị thì gặp xe chúng tôi trúng mìn. Thủ trưởng đã gọi điện điều máy bay trực thăng của Mặt trận 719 đến chở chúng tôi về Gia Lâm, rồi chuyển về điều trị tại Viện Quân y 108. Sau gần một tháng điều trị tại đây, tôi mới tỉnh, toàn thân băng bó trắng toát. Tôi được kết luận, ghi trong bệnh án: Gãy cột sống, gãy một bên sườn, vỡ hộp sọ... thương tật 83%, thương binh hạng 1/4. Ở chiến trường Campuchia, đơn vị tưởng tôi đã hy sinh hoặc bị mất tích do không tìm thấy.

Sau gần hai năm điều trị tại Viện Quân y 108, cuối năm 1984, sức khỏe của tôi dần hồi phục, có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân nên gia đình đã đề nghị cấp trên giải quyết theo chế độ, về quê dưỡng bệnh...

leftcenterrightdel
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Nhật Thăng. Ảnh: THÁI GIANG

Tháng 12-1991, vết thương tái phát, tôi quay lại điều trị tại Viện Quân y 108. Thật tình cờ là dịp đó, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới thăm, tặng quà thương binh nặng đang điều trị tại đây. Tôi được gặp, nói chuyện với đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Đoàn Khuê nhận ra tôi, ông nói to: “Ông Thăng, Trung đoàn trưởng 576 vẫn còn sống, đã chết đâu!”. Đại tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi cả về vật chất lẫn tinh thần...

Đầu năm 1997, được các đồng đội giúp đỡ, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội) hỗ trợ 25 triệu đồng, cùng với số tiền gia đình tôi dành dụm được, một ngôi “Nhà tình nghĩa” ở ngõ 120 đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) trên mảnh đất được Quân đội cấp đã hoàn thành tặng gia đình tôi. Tuy bị thương, mất sức khỏe 83% nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hy sinh ở chiến trường. 

KIÊN THÁI (Ghi theo lời kể của Trung tá Nguyễn Nhật Thăng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 576, Sư đoàn Bộ binh 307, Quân khu 5)