Đầu năm 2020, tôi tham gia đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng sang làm việc với bạn, chuẩn bị cho việc tổ chức Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Trong thời gian lưu lại thành phố Bằng Tường, địa khu Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tôi gặp được già Mã Lý, 84 tuổi, trước đây từng đưa cơm cho bộ đội Việt Nam và địa phương quân của Bằng Tường.

Già Mã Lý dẫn chúng tôi đến viếng mộ của hai liệt sĩ bộ đội Việt Nam rồi cho biết: Ngày đó, bộ đội Việt Nam có 5 người bị thương chuyển về bản của ông, 3 người được đưa về Việt Nam điều trị, còn 2 người hy sinh, được an táng tại đây. Một trong 2 người là liệt sĩ Ngọc Trình, chỉ huy mũi tiến công phía Tây của Mặt trận Tả Giang-Long Châu. Người còn lại là liệt sĩ Hà Văn Sử (hoặc Sự), quê ở Bản Cháu, xã Trùng Khánh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Trước đây, bia mộ do Hội Cựu chiến binh Quảng Tây đặt, song đã bị vỡ. Hằng năm, vào dịp Thanh minh, nhân dân trong thôn vẫn đến thắp hương cho các liệt sĩ.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác nhận đồng chí Ngọc Trình là một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ảnh do gia đình liệt sĩ Ngọc Trình cung cấp 

Theo cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2003: Tháng 12-1944, sau khi dự lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu (Cao Bằng), Ngọc Trình theo đội “Nam tiến” xuống hoạt động ở Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông (Bắc Kạn)... Sau đó, Ngọc Trình lại “lật cánh” theo nhóm “Đông tiến” sang hoạt động ở vùng biên giới Việt-Trung thuộc huyện Thoát Lãng (nay là huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Đầu năm 1945, tại xã Hoàng Việt, khu vực gần các đồn Chè Cáy và Na Sầm, người dân ở đây thấy xuất hiện một chàng thanh niên thấp bé, da đen, dáng dấp linh hoạt, mặc bộ quần áo vải chàm cổ đứng 3 túi, 7 cúc, ống quần rộng thùng thình, lúc nào cũng giắt kè kè khẩu súng bên hông. Chàng “thanh niên lạ mặt” đó chả mấy lúc đã làm quen và chiếm được cảm tình của hầu hết đám thanh niên và bà con địa phương. Sau khi cùng với mấy người nữa đánh chiếm được đồn Chè Cáy mà không phải tốn một viên đạn, chàng thanh niên đó cưới ngay cô gái hoa khôi của bản Nà Phai (xã Hoàng Việt) tên là Hà Thị Dìu làm vợ. Lúc này, mọi người mới biết chàng trai Nùng đó tên là Long Văn Mần (bí danh Ngọc Trình)-một cán bộ Việt Minh xông xáo và gan dạ có tiếng.

Tháng 8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, đồng chí Ngọc Trình cùng Đại đội độc lập Thoát Lãng đã phối hợp với các đơn vị bạn chủ động tiếp ứng cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại Lạng Sơn. Từ ngày 18 đến 22-8-1945, đồng chí chỉ huy mũi xung kích hỗ trợ quần chúng cách mạng nhất tề nổi dậy tiến công quân Nhật, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm... nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng. Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), đơn vị của đồng chí Ngọc Trình thuộc biên chế Trung đoàn 74, tham gia nhiều chiến dịch quan trọng của Mặt trận Việt Minh.

Năm 1949, khi quân đội hai nước Việt Nam-Trung Quốc triển khai Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, đồng chí Ngọc Trình cùng Đại đội độc lập Thoát Lãng đảm nhiệm mũi xung kích, có nhiệm vụ vây điểm, diệt viện. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị tấn công các đồn, bốt của Quốc dân Đảng từ ải Nam Quan (nay là Cửa khẩu Hữu Nghị Quan) đến Bằng Tường. Giữa lúc truy kích đầy quyết liệt, đồng chí không may bị một viên đạn trung liên bắn trúng ngực, hy sinh trên đất bạn vào tháng 7-1949. Năm 2020, tôi đến gặp Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận Tả Giang-Long Châu, nguyên Trưởng phòng Điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng (từ trần tháng 8-2023, thọ 107 tuổi) để tìm hiểu về đồng chí Ngọc Trình. Ông Xuyên cho biết: “Ngọc Trình là người bạn chiến đấu thân thiết của tôi, đã cùng tôi tham gia nhiều trận đánh quan trọng kể từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Hình ảnh đồng chí Ngọc Trình cầm cây ba toong chỉ huy anh em cùng tiến lên vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Anh Ngọc Trình hy sinh mà không kịp nhìn mặt đứa con thơ vừa mới chào đời. Thương lắm... Năm 1994, trong dịp các cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn được phía bạn mời sang hội ngộ, tôi đã được đến thăm mộ đồng chí Ngọc Trình và rất mừng khi mộ anh được bà con chăm nom chu đáo”.

Chúng tôi cũng đã đến UBND xã Hoàng Việt, Ban CHQS huyện Văn Lãng và được biết, đồng chí Ngọc Trình được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì ngày 23-11-1956 và truy tặng Huy chương Chiến thắng hạng Nhất ngày 29-4-1958. Gia đình đồng chí đã được nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Ngọc Trình. Song con trai liệt sĩ Ngọc Trình là ông Long Văn Đăm mất sớm, việc thờ cúng do con dâu và cháu gái chăm lo. Năm 2015, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn đã xây tặng gia đình liệt sĩ Ngọc Trình một ngôi nhà tình nghĩa khang trang tại thôn Mê, xã Hoàng Việt.

ĐẶNG ĐỨC GIANG